Gầm cầu Hà Nội trở thành "miếng mồi béo bở"

07:00 | 05/05/2013

908 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong vài năm trở lại đây, sự khang trang của những cây cầu mới ở Hà Nội tồn tại chưa được bao lâu, dù có hiện đại thế nào thì cầu mới cũng chịu chung “số phận” như các cây cầu cũ - trở thành miếng mồi béo bở bị chiếm dụng theo nhiều hình thức khiến tính mỹ quan bị triệt tiêu, ảnh hưởng nghiêm trọng hành lang an toàn cầu…

Cầu nào cũng… khóc

Mặc dù Thông tư 39/2011 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định: “Gầm cầu vượt đường bộ không được sử dụng làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe, gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”. Nhưng rồi chúng ta vẫn không khó để “tận mắt” thấy những điểm cầu vượt, cầu dành cho người đi bộ hay cầu giao thông trọng điểm bị chiếm dụng một cách ngang nhiên, bất chấp mọi quy định.

Nếu ở cầu vượt, cầu dành cho người đi bộ, diện tích gầm cầu nhỏ nhưng chỉ cần vài mét vuông cũng trở thành nơi bán hàng, quán trà đá, điểm đỗ “xe ôm” lý tưởng, ví dụ như cầu vượt trước cổng Triển lãm Giảng Võ. Còn nếu diện tích rộng hơn thì mục đích chiếm dụng còn biến tướng gấp nhiều lần, như gầm cầu Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai) được người dân vô tư “xẻ thịt” làm bãi trông xe, rửa xe, buôn bán hàng ăn…

Rõ nhất phải kể tới khu vực cầu vành đai 3 (đoạn Nguyễn Xiển - Hoàng Liệt - Pháp Vân), Cầu Thăng Long (Đông Ngạc, Từ Liêm), đoạn Trần Nhật Duật dẫn lên cầu Chương Dương… Tất cả những gầm cầu đều bị chia nhỏ thành những bãi trông giữ xe, sửa xe, ki-ốt bán hàng, nhà kho, quán nước... gây mất trật tự, ẩn chứa nhiều hiểm họa và mất an toàn hành lang cầu.

Gầm cầu trở thành các điểm trông giữ xe

Tương tự, ngay gầm cầu đường cao tốc đoạn ngã ba giao cắt giữa đường Nguyễn Hữu Thọ và đường Nguyễn Xiển vẫn tồn tại bãi gửi xe từ nhiều năm nay, điểm trông giữ này được quây kín xung quanh khiến ngã ba vốn nhỏ hẹp lại càng nhỏ hơn, dòng xe lưu thông bị khuất tầm nhìn khi đi tới đoạn này. Người đi đường cứ tới ngã ba này là phải giảm tốc độ, vừa đi vừa nghiêng ngó nhìn luồng xe ngược chiều vì sợ có xe từ hướng đối diện lao tới mà không nhìn thấy do những tấm chắn quây bãi trông giữ xe ôtô, xe máy đã bịt kín tầm nhìn.

Theo ghi nhận, tại khu vực gầm cầu Thăng Long (đoạn chạy qua xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm) thì phần lớn diện tích gầm cầu đã bị chia thành bãi gửi ôtô, xe máy, kho chứa hàng hóa, bãi tập kết vật liệu xây dựng, sắt thép gây mất an toàn cho công trình cầu, phá vỡ trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Người dân sống xung quanh đây rất bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng thời gian qua đi mà không có chuyển biến gì.

Khi chúng tôi hỏi “chủ sở hữu” của một bãi giữ xe dưới gầm cầu phía bên địa phận Hải Bối (huyện Đông Anh) thì một người đàn ông tự xưng là nhân viên một doanh nghiệp Nhà nước hùng hồn khẳng định: “Bãi giữ xe này được cấp phép hoạt động đã nhiều năm nay”(?!). Khi phóng viên đặt câu hỏi để tìm hiểu kỹ hơn thì nhân viên này tìm cách lảng tránh.

Chị Đỗ Kim Oanh, một người dân sinh sống lâu năm ở đây cho biết, bãi giữ xe này thực chất là của một công ty tư nhân đứng ra thu phí, không chỉ riêng kinh doanh trông xe, công ty này còn đứng ra thuê các điểm khác làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc… mà không hề có các biện pháp che chắn khiến bụi cát thường xuyên cuốn tung mù mịt, cảnh quan ở đây trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

“Nhiều lần góp ý với họ, xong mọi việc lại đâu vào đấy. Chúng tôi tha thiết mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm để trả lại cảnh quan vốn có của cầu”, chị Oanh nói. Nghiêm trọng hơn, các hình thức “xẻ thịt” gầm cầu này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hành lang bảo vệ cầu, dưới gầm cầu đường sắt có đến hàng chục nghìn mét vuông đất đang bị các hộ dân chiếm dụng làm cửa hàng, quán bia hơi, thậm chí xây nhà ở từ nhiều năm qua nhưng chưa hề bị xử lý.

Có khó xử lý?

Có quy định thì sẽ có xử phạt. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm này còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn ngang nhiên tái diễn hết năm này qua năm khác. Lý giải về việc “xẻ thịt” này, Sở GTVT Hà Nội cho biết: Gầm cầu thuộc kết cấu hạ tầng giao thông để phục vụ nhu cầu giao thông. Trên thực tế, hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh ở thủ đô mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân, do đó, giải pháp tình thế là phải sử dụng tạm thời một số lòng đường, vỉa hè, các vị trí khu vực gầm cầu vượt có đủ điều kiện làm điểm đỗ xe để giải quyết nhu cầu gửi xe trước mắt của người dân.

Bộ GTVT vừa có yêu cầu TP Hà Nội nhanh chóng chấn chỉnh công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình đường bộ. Trong đó, Bộ GTVT nhấn mạnh, thành phố cần có kế hoạch quản lý - sử dụng gầm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nút giao Pháp Vân - đường cao tốc trên cao theo đúng quy định, không được tổ chức kinh doanh trông giữ phương tiện, rửa xe, sửa chữa xe, xây dựng nhà xưởng, kho bãi tại những khu vực nêu trên.

Riêng việc chiếm dụng gầm đường cao tốc trên cao đoạn Pháp Vân - Linh Đàm, Linh Đàm. Bộ GTVT đề nghị TP Hà Nội cần phải giải tỏa trước 30/5/2013.

Nhu cầu đỗ xe của người dân ngày càng cao, trong khi tình trạng thiếu điểm đỗ rất khó khắc phục, các phương tiện dừng đỗ lộn xộn, không đúng nơi quy định, gây mất trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Sở GTVT đã cấp phép tạm thời tại một số khu vực gầm cầu theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội để đáp ứng một phần nhu cầu giao thông tĩnh trên địa bàn, đồng thời phục vụ công tác quản lý bảo vệ chống lấn chiếm, chống đổ phế thải tại các khu vực gầm cầu. Sở chỉ cấp tạm thời trong khoảng thời gian 3-6 tháng, tối đa là 1 năm, sau khi các đơn vị đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và có phương án về tổ chức giao thông, không ảnh hưởng đến giao thông của khu vực.

Khi được đề cập tới những biến tướng của chủ trương giải quyết mặt hạn chế của giao thông tĩnh ở thủ đô, đại diện Sở GTVT khẳng định: Với chủ trương khắc phục triệt để, đơn vị nào sử dụng gầm cầu sai mục đích, sai nội dung giấy phép tạm thời như làm xưởng sửa chữa, rửa xe, kho bãi, quán hàng... Sở sẽ phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm, thậm chí thu hồi giấy phép nếu đơn vị tái phạm.

Dường như câu trả lời này chưa khiến người dân yên lòng và số phận của những cây cầu dù cũ hay mới vẫn cứ thấp thỏm chờ đợi, phụ thuộc vào ý thức của một số ít cá nhân hay đơn vị.

Trước đó, ngày 7/4/2013, Thanh tra Bộ GTVT đã phối hợp cùng Sở GTVT Hà Nội tiến hành thị sát những khu vực gầm cầu bị biến thành các điểm trông giữ phương tiện đang gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Thanh tra Bộ GTVT phát hiện hàng chục nghìn mét vuông đất gầm cầu được phân chia thành từng lô, được ngăn cách bằng hàng rào lưới sắt để cho thuê kinh doanh làm điểm trông giữ xe, sửa chữa ôtô, rửa xe ôtô.


Minh Kiên