Fed nâng lãi suất thêm 0,25%, báo hiệu chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc
Fed tăng lãi suất thêm 0,25%
Đúng như dự báo, trong cuộc họp kết thúc ngày 22/3, tức rạng sáng ngày 23/3 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã tăng lãi suất thêm 0,25%, nâng phạm vi lãi suất quỹ liên bang lên 4,75-5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 kể từ tháng 3/2022 của Fed.
Theo ông Powell, vẫn còn một chặng đường dài gập ghềnh phía trước để đưa lạm phát trở lại mức 2% (Ảnh: Reuters). |
Cùng với việc tăng lãi suất, FOMC cũng lưu ý rằng họ không chắc có tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai hay không và điều đó sẽ phụ thuộc phần lớn vào dữ liệu sắp tới.
"Ủy ban sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin sắp tới và đánh giá tác động đối với chính sách tiền tệ", FOMC tuyên bố sau cuộc họp và dự báo có thể cần một vài sự điều chỉnh chính sách bổ sung để đạt được lập trường của chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Cách diễn đạt này khác với những tuyên bố trước đó và thể hiện rằng "sự gia tăng liên tục" sẽ phù hợp để giảm lạm phát.
Một số người cho rằng nhận xét của Chủ tịch Fed Jerome Powell có nghĩa là ngân hàng trung ương có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, trong khi cuộc chiến lạm phát vẫn chưa kết thúc. Theo ông, "vẫn còn một chặng đường dài gập ghềnh phía trước để đưa lạm phát trở lại mức 2%".
FOMC cho biết: "Hệ thống ngân hàng Mỹ hoạt động tốt và linh hoạt. Những diễn biến gần đây có thể dẫn đến các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, việc tuyển dụng và lạm phát. Mức độ của những tác động này là không chắc chắn. Ủy ban vẫn rất chú ý đến rủi ro lạm phát".
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Fed cũng cho biết việc sử dụng từ cách diễn đạt khác trong tuyên bố là vì Fed không chắc chắn về tác động của các sự vụ ngân hàng gần đây tới nền kinh tế. Ông Powell cho biết FOMC đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất do khủng hoảng ngân hàng, nhưng cuối cùng nhất trí nâng lãi suất do dữ liệu về lạm phát và thị trường lao động.
"Chúng tôi cam kết khôi phục sự ổn định về giá cả và sẽ đưa lạm phát giảm xuống mức 2% theo thời gian. Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì niềm tin đó bằng hành động cũng như lời nói của mình", ông Powell nói.
Với lần tăng này, phạm vi lãi suất chuẩn của Fed được nâng lên 4,75%-5%. Đây là mức lãi suất vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại, nhưng cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới các khoản nợ tiêu dùng như vay thế chấp, vay mua xe và thẻ tín dụng.
Trong biểu đồ thể hiện dự báo của các quan chức Fed về lãi suất cho thấy lãi suất đang ở mức cao nhất là 5,1%. Con số này không thay đổi so với dự báo tháng 12 và cho thấy phần lớn các quan chức chỉ mong đợi một đợt tăng lãi suất nữa. Và trong 18 quan chức Fed, có 7 người dự báo lãi suất đỉnh sẽ cao hơn 5,1%.
Các dự báo về lãi suất trong hai năm tới cũng cho thấy sự bất đồng giữa các thành viên, thể hiện qua khoảng cách rộng giữa các điểm dự báo. Tuy nhiên, trung bình của các ước tính chỉ ra rằng Fed có thể giảm lãi suất 0,8% vào năm 2024 và giảm 1,2% trong năm 2025. Tuyên bố này cũng hoàn toàn không đề cập tới tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine.
Dự báo lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2023
Tại cuộc họp lần này, các quan chức cũng điều chỉnh dự báo về kinh tế. Họ tăng nhẹ dự báo lạm phát năm 2023 lên mức 3,3%, cao hơn mức 3,1% được dự báo vào tháng 12. Dự báo về tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,5%, trong khi triển vọng GDP giảm xuống 0,4%.
Các dự báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều biến động. Bất chấp cuộc khủng hoảng ngân hàng và những kỳ vọng không ổn định xoay quanh chính sách tiền tệ, thị trường vẫn giữ được đà tăng. Tuần qua, Dow Jones tăng khoảng 2%, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng khoảng 0,2% so với cùng kỳ
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cũng đã tăng 0,6% trong tháng 1 và tăng 5,4% so với năm trước. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương và dữ liệu đã khiến Powell cảnh báo rằng lãi suất có thể sẽ tăng hơn dự kiến.
Fed nâng lãi suất trong bối cảnh bất ổn về tình hình của ngành ngân hàng toàn cầu. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank, Silvergate Bank... và các vấn đề về vốn tại Credit Suisse đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng của ngành này.
Các thị trường tài chính và sàn giao dịch chứng khoán đã có phản ứng với các quyết định của Fed. Hầu hết các mã chứng khoán chủ chốt đều giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/3, chỉ số Dow Jones giảm hơn 530 điểm xuống 32.030 điểm. S&P 500 giảm 66 điểm xuống còn 3.937 điểm và Nasdaq Composite cũng giảm 190 điểm về mốc 11.670 điểm.
Theo Dân trí
-
FED “rục rịch” cắt giảm lãi suất: Môi trường thuận lợi đối với vàng
-
Tin tức kinh tế ngày 28/8: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang Ấn Độ tăng vọt
-
Chứng khoán tuần mới (từ 5 đến 9/8): Vượt qua giông bão?
-
FED sẽ đảo chiều chính sách vào tháng 9?
-
Tin tức kinh tế ngày 11/7: Việt Nam nhập khẩu hơn 74.000 ô tô sau 6 tháng
-
8 tháng, thu ngân sách ngành thuế đạt hơn 77% dự toán
-
Tin tức kinh tế ngày 13/9: Samsung rót thêm 1,8 tỷ USD vào Bắc Ninh
-
Cán bộ, người lao động Agribank ủng hộ 01 ngày lương khắc phục hậu quả bão số 3
-
Việt Nam - Chiết Giang (Trung Quốc) tăng cường trao đổi, hợp tác cùng tiến
-
5 lý do khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu ảm đạm