Du lịch "bùng nổ", hàng không Nhật Bản thiếu phi công nghiêm trọng

17:44 | 28/08/2024

393 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lượng du khách kỷ lục "đổ xô" đến Nhật Bản đã khiến các hãng hàng không của nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt phi công nghiêm trọng.

Nhật Bản hiện có khoảng 7.100 phi công và chính phủ dự kiến ​​sẽ cần thêm 1.000 phi công nữa vào năm 2030 để đạt được mục tiêu thu hút khoảng 60 triệu khách du lịch vào thời điểm đó.

Khẳng định cần tìm kiếm thêm phi công nước ngoài, các biện pháp đang được một hội đồng do Bộ giao thông vận tải thành lập vào đầu năm nay xem xét, bao gồm việc chuyển đổi giấy phép phi công nước ngoài sang giấy phép Nhật Bản với thời gian nhanh hơn và chi phí rẻ hơn.

Du lịch
Nhật Bản đang thiếu hụt phi công nhưng việc thuê phi công nước ngoài không hề dễ dàng. (Ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, có một số lý do khiến việc tuyển dụng phi công từ nước ngoài trở nên khó khăn. Đó là sự phản đối từ các công đoàn hàng không trong nước và việc các hãng hàng không Nhật Bản thường trả lương thấp hơn các hãng hàng không khác trên thế giới. Tình trạng thiếu hụt cũng trở nên trầm trọng khi nhiều cơ trưởng, hiện đang ở độ tuổi 50, sẽ nghỉ hưu vào khoảng năm 2030, theo Bộ giao thông vận tải.

"Các hãng hàng không lớn sẽ phải sửa đổi các quy trình hoạt động của mình để phù hợp với các phi công không nói tiếng Nhật", Nobuhito Abe, người đứng đầu bộ phận hàng không vũ trụ và công nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Kearney, cho biết. Các hãng hàng không Nhật Bản có "các quy trình rất nội bộ", người này nói.

Trung bình, các cơ trưởng tại Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) nhận được mức lương hàng năm khoảng 25 triệu Yên (172.900 đô la), một nguồn tin trong ngành cho biết. Trong khi đó, một phi công có 12 năm kinh nghiệm bay tại Delta Air Lines có thể nhận được khoảng 453.000 đô la, hay một phi công của American Airlines có mức lương khoảng 480.000 đô la, nguồn tin cho biết.

Làn sóng tuyển phi công nước ngoài cũng có thể khiến phi công trong nước bận tâm, lo ngại bị đối xử không công bằng hoặc bị bỏ qua khi thăng chức. Phần lớn phi công ở Nhật Bản đều được ANA hoặc JAL tuyển dụng khi còn là tân binh, hoặc tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hàng không Dân dụng do chính phủ tài trợ, nơi tiếp nhận khoảng 100 sinh viên mỗi năm.

Đại diện của Hiệp hội phi hành đoàn All Nippon Airways (ANA) và Công đoàn phi hành đoàn JAL đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Trên thực tế, số lượng phi công nước ngoài ở Nhật Bản rất ít.

Theo một phát ngôn viên, JAL có khoảng 2.000 phi công và "một vài" phi công không phải người Nhật. Trong khi đó, ANA có khoảng 2.400 phi công và hầu như không có phi công nào được thuê từ bên ngoài, những người khác cho biết.

So sánh với Cathay Pacific Airways, hãng hàng không có đội ngũ phi công từ 70 quốc tịch trong biên chế, theo email của công ty. Emirates cũng nổi tiếng với lượng phi công nước ngoài đông đảo, trong thông báo trước chuyến bay khởi hành của hãng thường nói rõ những ngôn ngữ mà phi hành đoàn sẽ sử dụng.

JAL cho biết "hiện đang thuê phi công nước ngoài theo hợp đồng để giải quyết vấn đề năm 2030 như một giải pháp tạm thời chứ không phải là biện pháp lâu dài. Về cơ bản, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển dụng các học viên phi công khi mới tốt nghiệp làm nhân viên chính thức".

Người đại diện của ANA từ chối bình luận.

Khi chưa có giải pháp rõ ràng, trong bối cảnh lượng khách du lịch tiếp tục đạt mức cao mới hằng tháng, nhóm chuyên gia do Bộ giao thông vận tải thành lập cũng đang xem xét các biện pháp khuyến khích cơ trưởng làm việc sau khi họ đã 65 tuổi. Nhóm này cũng đang tìm cách thu hút thêm nhiều phi công nữ hơn.

Kentaro Fujibayashi, một viên chức của Văn phòng chính sách thuộc Cục Hàng không Dân dụng, cho biết chính phủ quyết tâm tăng số lượng phi công tại Nhật Bản. "Có những hãng hàng không sẽ tích cực tuyển dụng phi công nước ngoài, trong khi một số khác thì không", ông Fujibayashi nói. "Nhưng đó là mục tiêu mà chúng tôi phấn đấu và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu. Việc không đạt được mục tiêu đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu lớn từ du lịch”.

Kotaro Toriumi, một nhà phân tích du lịch và hàng không độc lập, cho biết nếu quốc gia này không đảm bảo nguồn phi công dồi dào thì "sẽ rất khó để đạt được mục tiêu vốn đã khó khăn là 60 triệu khách du lịch".

D.Q

Bloomberg