Dự án giãn dân phố cổ Hà Nội: 150 tỉ đồng “bốc hơi”

08:02 | 15/11/2012

1,860 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - 200 khách hàng bị lừa mất hơn 150 tỉ đồng để “góp vốn mua căn hộ tại dự án giãn dân phố cổ” nằm trong khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Những kẻ lừa đảo số tiền lớn trên là các cá nhân đứng đầu Công ty CP Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà, có trụ sở tại 109 đường Trường Chinh, Hà Nội (gọi tắt là Công ty Hồng Hà).

“Mê lộ” đến bản án thích đáng cho các bị can Trần Ứng Thanh - Tổng giám đốc; Nguyễn Quốc Xương - Phó tổng giám đốc và Nguyễn Đức Thắng vẫn chưa nhìn thấy điểm cuối, còn khách hàng vẫn mong gặp chủ đầu tư dự án…

Đã tiêu sạch 150 tỉ đồng

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ việc Công ty Hồng Hà chiếm dụng gần 200 tỉ đồng của dân tại dự án giãn dân phố cổ Hà Nội.

Sáng 26/10, theo hẹn, nhiều khách hàng đã có mặt tại Công ty Hồng Hà để đòi lại tiền đã góp vốn vào dự án dãn dân phố cổ lên tới gần 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, buổi gặp gỡ này không đi đến kết quả nào. Trước đó, ngày 24 và 25/9, Cơ quan Điều tra - Công an Hà Nội đã đồng loạt thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Hồng Hà và nơi ở của ông Trần Ứng Thanh - Tổng giám đốc, Nguyễn Quốc Xương - Phó tổng giám đốc để thu thập tài liệu điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời điểm điều tra thực hiện lệnh khám xét, hai cá nhân này không có mặt tại nơi cư trú cũng như cơ quan. Đêm 25/9, Cơ quan Công an Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ Trần Ứng Thanh tại một khách sạn trên địa bàn quận 3, TP Hồ Chí Minh. Sáng 26/9, Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Xương đã tới Cơ quan Công an trình diện.

Khách hàng không được gặp lãnh đạo chủ đầu tư

Hành vi phạm tội của các bị can được thực hiện trong một thời gian dài, song chỉ đến khi báo chí vào cuộc quyết liệt, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhiều người mới đặt câu hỏi, vì sao lãnh đạo Công ty Hồng Hà coi thường pháp luật đến thế? Vì sao những cá nhân này lại có thể lừa đảo với số tiền “khủng” đến thế? Với số tiền chiếm đoạt như vậy, các bị can đã sử dụng vào mục đích gì và liệu người bị hại có hy vọng nhận được một phần tiền mình đã bỏ ra mua nhà hay không? - Câu trả lời là không, vì các bị can khai rằng, họ đã chi hết toàn bộ số tiền 150 tỉ đồng vào việc “thực hiện dự án” cũng như trả nợ các khoản vay trước đó.

Lật lại hồ sơ liên quan đến những việc làm ăn sai trái của Công ty Hồng Hà mới biết lãnh đạo Công ty Hồng Hà ngoài việc lừa đảo bán nhà dự án giãn dân phố cổ còn chiếm dụng vốn của nhiều tổ chức tín dụng khác. Đến khi hết thời hạn vay tiền thì các vị này khất lần hoặc bỏ trốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của các tổ chức đó.

Vay ngân hàng rồi… mất tích

Liên quan đến tội chiếm dụng vốn, ngày 26/9, Tòa Kinh tế - TAND TP Hà Nội đã xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Công ty Tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (gọi tắt là Công ty Tài chính Bưu điện) và Công ty Hồng Hà do Trần Ứng Thanh là Tổng giám đốc.

Sự việc được bắt đầu từ năm 2007 khi Công ty Tài chính Bưu điện và Công ty Hồng Hà ký hợp đồng trung hạn với nội dung Công ty Hồng Hà vay Công ty Tài chính Bưu điện 11,4 tỉ đồng, thời hạn vay 36 tháng để phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án kinh doanh khu đất tại 105 đường Trường Chinh, Hà Nội. Bên vay thế chấp tài sản là quyền sử dụng 1.472,4m2 đất tại 33 phố Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội. Tiền thì Công ty Tài chính Bưu điện đã trao, song các thủ tục về định giá tài sản bảo đảm thì Công ty Hồng Hà cố tình chây ỳ, không hợp tác.

Thực chất là Công ty Hồng Hà đã dùng thửa đất này để góp vốn đầu tư hợp tác với Công ty CP Đầu tư ACB. Vì vi phạm nghĩa vụ thanh toán, nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Công ty Hồng Hà không được, buộc lòng Công ty Tài chính Bưu điện phải khởi kiện lên Tòa Kinh tế - TAND TP Hà Nội. Sau khi thụ lý hồ sơ, Tòa Kinh tế đã nhiều lần tống đạt và gửi các văn bản tố tụng cho phía Công ty Hồng Hà nhưng đại diện công ty này không đến và vắng mặt trong tất cả các buổi làm việc tại tòa.

Thậm chí, khi tòa mở phiên xử sơ thẩm, Công ty Hồng Hà cũng vắng mặt không có lý do. Sau nhiều lần hoãn, cuối cùng, tòa phải xử vắng mặt với quyết định: Buộc Công ty Hồng Hà phải trả cho Công ty Tài chính Bưu điện số tiền nợ gốc, nợ lãi trong hạn, nợ lãi quá hạn và nợ lãi phạt trả chậm số tiền 12,6 tỉ đồng.

Cách đây khá lâu cũng diễn ra một vụ kiện nhưng đến nay vẫn chưa thể đi đến hồi kết và bị đơn vẫn là Công ty Hồng Hà. Nguyên đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Tây Hồ khởi kiện Công ty này vay 5 tỉ đồng trong năm 2003, thời hạn vay 24 tháng với lý do vay là xây dựng nhà để bán. Tài sản thế chấp là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền diện tích 1.139m2 tại 95B ngõ Đình Đông, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Cũng như vụ kiện trên, vì vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Hồ đã khởi kiện ra tòa. Tất nhiên, lẽ phải thuộc về ngân hàng, song ngay sau đó, chính ngân hàng lại kháng cáo với nội dung: Quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại 95B ngõ Đình Đông mà Công ty Hồng Hà dùng để thế chấp vay tiền đã được chuyển cho đối tượng khác mà không hề được thông báo. Vậy là suốt mấy năm qua, vụ kiện đã xử sơ thẩm rồi đến phúc thẩm. Do án Giám đốc thẩm của TAND TC vào tháng 9/2010 quyết định hủy một phần án sơ thẩm, nên vụ kiện lại quay về điểm xuất phát và phải đến cuối năm 2012 mới có thể giải quyết dứt điểm được.

Ông Phạm Tuấn Anh, Chánh tòa Kinh tế - TAND TP Hà Nội cho biết: Qua hai vụ kiện trên cho thấy, Công ty Hồng Hà không chỉ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại thông thường mà dấu hiệu phạm tội rõ ràng cách đây gần chục năm: Vay tiền với số lượng lớn, tài sản dùng thế chấp vừa góp vốn hợp tác đầu tư, lại vừa chuyển nhượng bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền xong bỏ trốn…

Phải chăng chính vì những sai phạm này không được giải quyết dứt điểm nên lãnh đạo Công ty Hồng Hà càng coi thường pháp luật để tiến hành những phi vụ lừa đảo khác nghiêm trọng hơn mà đỉnh điểm là chiếm đoạt 150 tỉ đồng từ dự án giãn dân phố cổ? Mặt khác, công ty tài chính hay ngân hàng cũng hết sức chủ quan trong việc thẩm định, xác minh, định giá tài sản thế chấp trước khi giải ngân và đây chính là kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng.

Khách hàng còn hy vọng!?

Ông Nguyễn Văn Thịnh (thành viên HĐQT Công ty Hồng Hà) đã đại diện công ty để trực tiếp trao đổi, làm việc với khách hàng trong ngày 26/10 vừa qua. Tuy nhiên, buổi làm việc không thành. Ông Thịnh phân trần rằng, bản thân ông không thể một mình giải quyết, phải xin ý kiến của tập thể lãnh đạo công ty. Hơn nữa, những người của công ty liên quan đến dự án giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng hiện đã bị Cơ quan điều tra Công an Hà Nội bắt giữ. “Trong vụ việc này, sự thể cuối cùng thế nào phải chờ kết luận của cơ quan điều tra” - ông Thịnh nói.

Ông Vũ Duy Thông - đại diện khách hàng - cho biết: “Nguyện vọng của chúng tôi là đòi lại tiền đã góp vốn vào dự án. Chúng tôi cần gặp người có đủ thẩm quyền giải quyết việc đó, chứ không phải tới công ty để bày tỏ tâm tư, ý kiến gì. Những cái đó dân chúng tôi đã bày tỏ nhiều rồi”. Ông Thông lý giải: Nếu công ty đã phá sản thì đi một lẽ, nhưng công ty còn tồn tại, còn hoạt động thì trách nhiệm của công ty là phải trả lại tiền cho khách hàng. Sau khi Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Hà bị bắt, hiện công ty này đã bầu ông Vũ Đình Lợi làm Chủ tịch HĐQT, đáng lẽ ông Lợi phải là người đại diện công ty đứng ra giải quyết. Nhưng với lý do bận nhiều việc, nên vị lãnh đạo này đã nhắn qua ông Thịnh rằng “đề nghị khách hàng đăng ký hẹn làm việc sau”.

Chị Hiền - Ban đại diện khách hàng - cho biết: “Cuộc hẹn này đã được chúng tôi thông báo và xin lịch từ trước, có sự đồng ý và hẹn gặp của phòng hành chính. Nhưng đến đây, chúng tôi lại không gặp được Ban Lãnh đạo Công ty, người có thẩm quyền trả lời chúng tôi về những vấn đề cần được giải quyết sau khi lãnh đạo cũ đã bị bắt giữ. Chúng tôi ghi nhận sự tiếp nhận ý kiến của ông Thịnh, nhưng ông Thịnh cũng chỉ là một người mới, là Ủy viên Hội đồng Quản trị không thể quyết định được vấn đề gì.

Cứ lần lữa cử những người không thể quyết định, thì cũng khác gì chủ đầu tư đang im lặng trước những yêu cầu, lo lắng của người dân? Việc điều tra sẽ được cơ quan có thẩm quyền tiến hành. Nhưng chúng tôi ký hợp đồng với pháp nhân là Công ty Hồng Hà chứ không phải với cá nhân nào nên Công ty Hồng Hà cần có trách nhiệm đối với những khách hàng đã góp vốn vào dự án. Ông Thanh, ông Xương bị bắt nhưng Công ty Hồng Hà vẫn tồn tại. Và chúng tôi cần một cuộc họp với đại diện ban lãnh đạo, người có thẩm quyền giải quyết vụ việc”.

Đông đảo khách hàng tại dự án đều mong muốn được hoàn trả lại số tiền đã góp vốn theo đúng những điều khoản đã cam kết trước đó. Sau những im lặng, đã đến lúc ban lãnh đạo Công ty Hồng Hà cần lên tiếng.

Phú Duy