Tranh chấp đất đai trong nội tộc gia đình:

Đồng tiền làm mờ mắt

20:18 | 01/09/2012

1,577 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Họ từng là người một nhà nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí chỉ vì lợi ích trước mắt mà đã “trở mặt thành thù địch”. Dù vẫn biết đất đai luôn là điểm “nóng” trong giải quyết khiếu nại tố cáo của nước ta từ nhiều năm nay, nhưng hiện tượng này cũng đáng lên án, cần rung chuông báo động.

Khối u di căn

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, chuẩn mực của gia đình Việt Nam hiện nay vẫn bao gồm 4 yếu tố: No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Đó là cái đức của cha mẹ đối với con cái, đạo hiếu của con cái với cha mẹ, lòng biết ơn ông bà, tổ tiên. Đó là lòng thủy chung giữa vợ và chồng, sự nhường nhịn lẫn nhau giữa anh chị em một nhà. Gia đình sống với nhau có nghĩa, có tình, êm ấm, thuận hòa. Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức gia đình đã và đang bị xâm mà biểu hiện của nó là những vụ tranh chấp, những vụ án mạng mà “nhân vật” chính nhiều khi lại là bố, con, anh chị em trong một gia đình.

Vẫn còn đó những tòa án lương tâm

Vừa qua Báo Năng lượng Mới có nhận được nội dung phản ánh của gia đình ông N.V.B (Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội) với nội dung:

Năm 2010, gia đình ông được UBND huyện Đông Anh cấp cho một thửa đất 120m2 theo tiêu chuẩn đất giãn dân tại thôn Vệ, xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội. Sau khi họp gia đình đi đến thống nhất, gia đình ông cử anh N.V.Đ đại diện đứng tên làm thủ tục nhận đất. Nhưng vì Đ là con trưởng nên đã có ý kiến từ chối và xin vẫn được ở lại ngôi nhà hiện tại của gia đình để trông nom, chăm sóc bố mẹ và thờ cúng ông bà tổ tiên. Khi quyết định cấp đất được ban hành, các thành viên trong gia đình ông đã phải chạy vạy khắp nơi để có tiền đóng vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Trong đó, anh N.V.N (con trai thứ 2) góp 60 triệu đồng, anh N.T.L (con trai út) góp hơn 85 triệu đồng. Tuy nhiên, đến tháng 3-2011, anh Đ mắc bệnh nặng rồi mất. Và chừng 70 ngày sau, chị Đ.T.N - vợ của anh Đ bỗng nhiên bế con bỏ về nhà anh ruột. Tiếp sau đó, chị Đ.T.N đã có đơn gửi UBND xã Nam Hồng xin tiếp tục làm thủ tục nhận đất. Không đồng ý với việc làm trên của con dâu, ông N.V.B đã có đơn đề nghị UBND xã Nam Hồng không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chị Đ.T.N và tranh chấp giữa bố chồng với nàng dâu bắt đầu từ đó.

Theo thông tin mà chúng tôi nhận được thì tính đến thời điểm này, sau 3 lần tiến hành hòa giải không thành, UBND xã Nam Hồng đã yêu cầu gia đình ông N.V.B giữ nguyên hiện trạng đất để chờ cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Chuyện của gia đình ông N.V.B chỉ là một trong rất nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu nại giữa các thành viên gia đình được phản ánh trên các phương tiện truyền thông thời gian qua. Có thể tính chất và mức độ của vụ việc chưa tới mức nghiêm trọng như vụ tranh chấp đất đai, dẫn tới việc cháu họ dùng dao chém liên tiếp vào cổ, gáy và vai người chú ở Thừa Thiên - Huế; hay như vụ con viết đơn kiện mẹ, đòi tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng từ người mẹ… thế nhưng nó cũng cho thấy một thực trạng buồn. Xã hội có thể thay đổi, có thể biến động nhưng những giá trị đạo đức truyền thống đã làm nên một dân tộc ngàn năm văn hiến thì không thể thay đổi. Gia đình là một thiết chế căn bản của xã hội và nếu thiết chế đó yếu, hay nói một cách khác, tế bào đó yếu, mang mầm bệnh thì sẽ dẫn tới nhiều hiện tượng xấu trong xã hội.

Xử rồi cũng chưa yên

Là một trong những chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu gia đình và giới ở Việt Nam, PGS.TS Lê Thị Quý cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới hiện tượng “tha hóa” đạo đức gia đình truyền thống chính là vấn đề giáo dục gia đình.

Hiện nay, ở nhiều gia đình, vấn đề giáo dục gia đình lại không đầy đủ, những người con không được học cách hiếu kính cha mẹ, cách đùm bọc yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Trong khi ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển, vấn đề giáo dục văn hóa và đặc biệt là giáo dục gia đình luôn được chú trọng thì ở nước ta - một đất nước mà những giá trị đạo đức gia đình truyền thống vốn là một trong những giá trị nền tảng để hình thành và phát triển xã hội lại đang có xu hướng suy thoái. Các bậc cha mẹ cứ nghĩ rằng, lo cho con cái một cuộc sống vật chất đầy đủ là được nhưng đây chính là một sai lầm: Ngoài vật chất ra, con cái còn cần ở cha mẹ những bài học đạo đức, cách sống, cách cư xử với những người xung quanh.

Dưới một góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn Văn Tú - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: Các vụ việc tranh chấp, khiếu nại liên quan đến những vấn đề mâu thuẫn nội bộ trong gia đình, dòng tộc thường hết sức phức tạp vì ngoài yếu tố pháp luật còn có vấn đề “tôn ti trật tự”, đạo đức gia đình.

Tranh chấp đất đai chỉ là một trong nhiều biểu hiện của tình trạng này mà khởi đầu của nó chính là những cuộc cãi vã, chửi bới, đe dọa, thậm chí là đánh đập, sát hại lẫn nhau. Bắt đầu từ những mâu thuẫn về lợi ích trước mắt, anh em họ hàng, cô dì chú bác trong nội tộc lại lũ lượt “dắt nhau” ra tòa. Đã vậy, trong nhiều vụ việc, một trong hai bên cho rằng, mình là huynh trưởng, không chấp nhận phán quyết của tòa án mà phải giải quyết bằng luật “gia đình”, “quy tắc của dòng họ”. Và hệ quả là họ đã tự đẩy nhau vào vòng lao lý, đang là đương sự trong vụ án dân sự trở thành bị can, bị cáo, còn một bên là người bị hại trong vụ án hình sự.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Tú thì hiện tượng này không chỉ diễn ra ở thành thị, các khu đô thị lớn mà ngay cả những vùng quê hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa cũng xảy ra tranh chấp. Nhiều khi, giá trị của tài sản tranh chấp chỉ đơn thuần là cái ao, bức tường hay có khi chỉ là một cái cây nhỏ trị giá vài triệu đồng, có khi chỉ vài trăm nghìn đồng. Nhưng rồi cũng cãi vã, cũng tranh chấp, cũng khiếu kiện, các cấp chính quyền thì hòa giải mãi cũng không thành nên họ lại kéo nhau ra tòa. Nhưng rồi tòa có đưa ra phán quyết cuối cùng thì họ cũng không nghe, không chấp hành và thế là lại tiếp tục đi kiện. “Đây chính là vấn đề phức tạp nhất trong quá trình xét xử các vụ việc này vì thực tế, mâu thuẫn trong gia đình thì tòa án không thể giải quyết triệt để được. Đạo lý và tình yêu thương trong gia đình, dòng họ phải do chính các thành viên cùng nhau vun đắp, xây dựng”, Luật sư Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh.

Chúng tôi thiết nghĩ, nền kinh tế thị trường có thể đẩy con người ta vào những cuộc chiến tiền bạc nhưng liệu đó có phải là tất cả, tiền rất quan trọng nhưng đó có phải là tất cả hay không?

Cha ông ta có câu “giọt máu đào hơn ao nước lã” tất có cái lý của nó.

Thanh Ngọc - Thanh Tâm

(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc