Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế

13:00 | 28/09/2022

94 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động (NLĐ), tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” là nội dung được thảo luận tại hội thảo chuyên đề diễn ra ngày 18-9 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Nghị quyết 43 tạo cơ chế linh hoạt

Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế
Ông Trần Quốc Phương

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nêu rõ 17 nhóm nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, các nhóm nhiệm vụ khác nhau có tiến độ khác nhau, một số nhóm triển khai nhanh, song có nhóm nhiệm vụ cần khá nhiều thời gian để chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhóm chính sách đầu tư công, liên quan tới gói 176.000 tỉ đồng, kéo dài thời gian triển khai thực hiện do bối cảnh dịch bệnh. Nhóm nhiệm vụ có 2 khía cạnh. Về vốn, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã tạo cơ chế hết sức linh hoạt. Về dự án, đây là nhiệm vụ khó khăn vì liên quan trình tự thủ tục. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã trình 94 dự án, vốn hơn 140.000 tỉ đồng; hơn 20.000 tỉ đồng dành cho các dự án còn lại. Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục và triển khai nhanh các dự án.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế
Ông Lê Văn Thành

Thực tế, tổng các khoản chi hỗ trợ bằng tiền mặt cho NLĐ và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tới khoảng 86.000 tỉ đồng, hỗ trợ trực tiếp cho hơn 56 triệu lượt NLĐ. Đây là mức chi không nhỏ của Việt Nam so với các nước trên thế giới. Ngoài các khoản chi hỗ trợ trực tiếp, Việt Nam còn có các chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua miễn, giảm thuế.

Sau dịch Covid-19, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có chính sách đẩy mạnh đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ tìm việc thông qua mạng Internet.

Bộ LĐ-TB&XH đã và đang có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, như hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức đào tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề; xây dựng các mô hình gắn kết với giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng...

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà: Triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất

Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế
Ông Phạm Thanh Hà

Một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay là triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cho người vay vốn tại ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 03 hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai chương trình đến các đối tượng vay vốn. Sau đó, NHNN Việt Nam đã thu thập thông tin đăng ký từ các ngân hàng thương mại để cùng với các bộ, ngành đề xuất phân bổ ngân sách 40.000 tỉ đồng trong 2 năm, năm 2022 dự kiến phân bổ 16.000 tỉ đồng, năm 2023 dự kiến phân bổ 24.000 tỉ đồng.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc tổ chức triển khai chương trình trong thực tế chưa đáp ứng được kỳ vọng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, đó là khó khăn về đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Nhiều trường hợp khách hàng không hoạt động đơn ngành, mà hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, gây khó khăn cho việc xác định phạm vi ưu tiên, hỗ trợ...

NHNN Việt Nam sẽ triển khai các nhóm, tổ liên ngành để khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương, các ngân hàng thương mại để có giải đáp thắc mắc, giải quyết các vướng mắc.

Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh: Cơ quan quản lý đồng hành cùng doanh nghiệp

Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế
Bà Hà Thu Thanh

Sau 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hoặc giải thể do khó khăn về tài chính, đặc biệt là về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên cách duy nhất là vay vốn các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, tài sản bảo đảm giá trị thấp, số vốn vay thấp nên hạn chế việc mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, thiếu hụt cả số lượng và kỹ năng lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, từ địa phương đến Trung ương, thể hiện sự quan tâm, đồng hành, chia sẻ của cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP Jonathan Pincus: Quan tâm đến chi tiêu của người dân

Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế
Ông Jonathan Pincus

Một trong những vấn đề đáng quan ngại trong thời kỳ phục hồi sau đại dịch Covid-19 là sự phụ thuộc rất lớn vào việc hoãn thuế để kích thích hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa đóng góp 60% vào tăng trưởng GDP, do đó nếu không kích thích được tiêu dùng nội địa sẽ dẫn đến sụt giảm GDP. Thực tế, năm 2021, chi tiêu giảm 21%.

Để phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, cùng với những biện pháp về tài khóa, tiền tệ cần quan tâm đến chi tiêu của người dân. Khi người dân được hưởng lợi sẽ kích thích chi tiêu, từ đó các doanh nghiệp hưởng lợi từ vòng quay mua sắm và tiếp tục tăng cường sản xuất kinh doanh. Đồng thời gói tài khóa đầu tiên Việt Nam cần ưu tiên thực hiện là kích thích chi tiêu, gia tăng chi tiêu thị trường nội địa.

Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế
Tiêu dùng nội địa đóng góp 60% vào tăng trưởng GDP

Một biện pháp để kích thích chi tiêu hộ gia đình là chuyển một khoản tiền mặt cho người dân. Các chính sách hoãn, giảm thuế không đem lại hiệu quả cấp số nhân cao bằng việc trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho các đối tượng mất việc làm. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp khó khăn trong chuyển tiền mặt quy mô lớn một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Qua bài học từ năm 2021, Việt Nam cần có cơ chế phòng vệ cho khủng hoảng trong tương lai. Việt Nam có thể xem xét tăng cường các biện pháp hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội cho trẻ em, hỗ trợ đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách xã hội.

Năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, từ địa phương đến Trung ương.

Văn Quỳnh

Đề xuất tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức để phục hồi kinh tếĐề xuất tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức để phục hồi kinh tế
Ngân hàng nỗ lực kìm lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tếNgân hàng nỗ lực kìm lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tế
NHNN: Tín dụng tăng trưởng cao, hỗ trợ nền kinh tế phục hồiNHNN: Tín dụng tăng trưởng cao, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi
Khó khăn rất lớn nhưng kinh tế phục hồi ngày càng tích cựcKhó khăn rất lớn nhưng kinh tế phục hồi ngày càng tích cực
Nhận diện khó khăn trong triển khai hỗ trợ lãi suất 2%Nhận diện khó khăn trong triển khai hỗ trợ lãi suất 2%

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc