Động lực mới cho văn học Việt Nam

12:18 | 23/02/2022

544 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chúng ta đã bị lỡ hẹn với giải Nobel văn học ngay lần đầu được mời tham gia. Đây là điều đáng tiếc. Song trên tất cả, đó lại là một tín hiệu vui, cho thấy một khởi đầu mới đầy tốt đẹp của văn học Việt Nam.

Mới đây, lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam nhận được bức thư mời đề cử ứng viên tham dự xét giải từ Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển. Nhưng khi thư đến tay Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, thời hạn gửi đề cử đã qua hơn 2 tuần rồi. Nhiều người hỏi ông có tiếc nuối không, ông đã thẳng thắn trả lời “không”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lý giải, một giải thưởng danh giá nhất ở lĩnh vực văn chương đã để ý đến chúng ta, đã kể tên Việt Nam. Đó là dấu hiệu tốt đẹp, là tín hiệu vui cho văn học Việt Nam.

Động lực mới cho văn học Việt Nam
Nobel văn học gửi thư mời Việt Nam đề cử ứng viên tham dự xét giải năm 2022

Thật vậy, thư mời tham gia giải Nobel văn học chứng tỏ sự chú ý đến văn đàn Việt Nam, chứng tỏ văn chương Việt Nam đã tạo được ấn tượng trên thế giới. Những năm gần đây, các nhà văn Việt Nam xuất hiện trên thế giới nhiều hơn, rộng hơn, nhiều tác phẩm đã được dịch ở nhiều thứ tiếng như Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha...

Bên cạnh đó, khá nhiều tác giả Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Minh Khuê, Mai Văn Phần... đã nhận những giải thưởng văn học trên thế giới. Đặc biệt, tác giả Mai Văn Phấn đã có sách dịch trên 10 ngôn ngữ, ông cũng đoạt giải Cikada - một giải thưởng thơ quan trọng của Thụy Điển. Có thể từ những tín hiệu đó, Nobel văn học đã tìm đến Việt Nam?!

Có ý kiến rằng, văn chương Việt Nam không phải không hay nhưng vì ít được dịch ra các thứ tiếng nên bị hạn chế lan tỏa ra thế giới, khiến văn chương Việt Nam và bạn đọc thế giới giống như hai người đứng ở hai bờ sông mà không có con đò nào kết nối vậy.

Cho nên “hụt” giải Nobel văn học lần này khá tiếc nuối, song đó lại chính là động lực mạnh mẽ nhất để văn học Việt Nam tích cực thay đổi, làm mới mình để những năm sau, chúng ta tiếp cận giải Nobel một cách tự tin nhất.

Sự thay đổi lớn nhất được đưa ra chính là chiến lược và hành động để truyền bá văn chương Việt Nam, cụ thể là vấn đề dịch thuật để không chỉ nhằm đưa văn học Việt Nam tiếp cận giải Nobel, mà còn để giới thiệu những di sản văn hóa từ cổ điển đến đương đại ra thế giới.

Thực tế trên thế giới cho thấy, những nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều có chiến dịch quảng bá văn học tốt. Ngay cả một nước từng giành nhiều giải Nobel văn học như Ba Lan cũng có viện dịch thuật để truyền bá tác phẩm. Trong khi hiện nay văn học Việt Nam chưa có một dự án dịch thuật chính thống nào.

Song, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, để làm được điều đó, không chỉ từ nỗ lực của nhà văn, mà cần Nhà nước đồng hành. Bởi việc này đòi hỏi chiến lược, chọn lựa, tư duy, ngân sách, sự am hiểu về bạn đọc trên thế giới...

Trúc Vân