Kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân 22/12/1944 - 22/12/2013:

Đồng hành với những người giữ biển

11:36 | 21/12/2013

1,425 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày cuối năm cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành Trung ương đi thăm quân, dân Trường Sa và Nhà giàn DK1/15 đầy sóng gió, chúng tôi chứng kiến bộ đội hải quân không chỉ đồng sức, đồng lòng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà còn là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân bám biển, khai thác hải sản, làm giàu cho quê hương.

Tổ quân kỳ trong lễ chào cờ ở thị trấn Trường Sa

Chuyện của những người săn cướp biển

Trên tàu CSB-8001 vào buổi tối, biển dậy sóng. Con tàu lắc ngang lắc dọc, sóng lớn đập vào mạn tàu ầm ầm, khiến nhiều người giật mình. Dưới hầm tàu, gần khoang máy, chúng tôi đã có gần một đêm trắng trò chuyện với 7 thủy thủ của Vùng Cảnh sát biển (CSB) 3. Đây là 7 thủy thủ từng trực tiếp đi trên 2 tàu CSB-4031 và CSB-4034, tham gia bắt cướp biển vào ngày 22/11/2012 - một chiến công của CSB Việt Nam, cách đây hơn một năm.

Trung úy QNCN Phạn Văn Hiệp, thủy thủ tàu CSB-4031 hào hứng kể về chiến công cách đây một năm:

- Biên đội chúng tôi đã quần đảo, lùng sục trên biển gần hai ngày đêm để tìm kiếm. Đến ngày 22/11/2012 thì tiếp cận được tàu nghi vấn, nhưng lại có số hiệu khác với thông tin được cung cấp. Sau khi báo về sở chỉ huy, chúng tôi được lệnh bao vây, áp mạn và buộc tàu lạ thả neo cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 70km. Tuy nhiên, tàu này đã không chấp hành mà bỏ chạy. Trong tình thế khẩn cấp, chúng tôi đã bắn chỉ thiên, sử dụng loa của tàu nói bằng tiếng Anh và ra tín hiệu kêu gọi đầu hàng, nhưng bọn cướp biển vẫn ngoan cố lái tàu bỏ chạy. Chúng tôi phải kết hợp dùng vòi rồng phun nước áp lực cao lên ca-bin tàu bọn cướp biển thì chúng mới chịu cởi bỏ áo và ra ngoài boong tàu, nhảy xuống biển.

Thiếu úy QNCN Nguyễn Quốc Tiến tiếp lời:

- Hôm ấy biển có sóng cấp 5, cấp 6. Biên đội đã hạ 3 xuồng, mỗi xuồng 5 đồng chí để thực hiện nhiệm vụ. Phải vất vả lắm chúng tôi mới áp mạn và lên được tàu của bọn cướp biển. Khi đã bắt giữ được chúng và lên tàu kiểm tra, chúng tôi phát hiện bọn cướp biển đã phá hỏng các thiết bị định vị, giật đứt dây các loại máy thông tin liên lạc. Tất cả các phòng ngủ của thuyền viên đều bị lục tung, quần áo rơi vãi khắp nơi.

Cướp biển là đối tượng rất liều lĩnh, sẵn sàng đối phó quyết liệt với lực lượng chức năng khi bị truy đuổi. Trong vụ bắt bọn cướp biển này, lực lượng CSB Việt Nam đã bảo toàn được gần 400 tấn dầu khí gốc trên tàu, tài sản mà bọn cướp biển chưa kịp tẩu tán. Nhiều người cho rằng, nếu lực lượng CSB Việt Nam không khôn khéo và cương quyết thì số dầu kia có thể sẽ tràn ra ngoài, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường biển nước ta.

Trung úy QNCN Dương Văn Thường, nhân viên thông tin tàu CSB-4031 nói:

- Chiến công này là một trong những kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ của chúng tôi. Nó cổ vũ chúng tôi trong công tác, nhất là trong bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Em bé thị trấn Trường Sa và bộ đội Hải quân

Đồng lòng tạo điểm tựa cho ngư dân

Trong lúc tàu vượt sóng rời thị trấn Trường Sa đến Nhà giàn DK1/15, Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đứng bên boong thượng của tàu, tần ngần nhìn về phía hòn đảo ngày một nhỏ dần trong sương mù. Anh tâm sự với chúng tôi trong tiếng gió và tiếng máy tàu:

- Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân, khi rời đảo là lúc xúc động nhất. Từ cán bộ đến chiến sĩ coi nhau như anh em trong nhà, sống chan hòa và không có khoảng cách. Anh nào hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu là cả đảo biết ngay. Chuyện buồn, chuyện vui trong gia đình, nếu có muốn giấu cũng chẳng được. Anh em động viên nhau, từng hớp nước, miếng ăn đều được anh em chia chau hưởng chung.

Điều anh Thắng kể làm chúng tôi nhớ lại cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Đại úy, Bác sĩ Lê Minh Phong, bệnh xá Trưởng thị trấn Trường Sa. Phong kể:

- Ngay khi đặt chân lên đảo, tôi cũng thấy buồn. Nhưng sau đó, ý chí và sự kiên trì khắc phục khó khăn của lính đảo đã giúp cả kíp công tác chúng tôi có được động cơ và thái độ đúng đắn hơn trong công việc. Có như vậy chúng tôi mới đủ sức làm chỗ dựa cho ngư dân.

Cũng qua lời kể của Bác sĩ Lê Minh Phong, năm nay đã có 424 ngư dân tìm đến các anh để chữa bệnh. Các anh đã cấp cứu 18 trường hợp và mổ 14 trường hợp thành công, trong đó có những ca rất khó. Điển hình như trường hợp ngư dân Bùi Tấn Viết ở tàu BD 95371 (44 tuổi, quê Hoài Tân, Hoài Nhơn, Bình Định) bị co cứng cơ, giật toàn thân vì nhiễm trùng uốn ván cấp, được cấp cứu rồi đưa về Bệnh viện 175 điều trị đã khỏi bệnh. Một ngư dân khác bị nạn trên biển, bị cá đớp rách đùi, được quân y đảo chữa trị và chăm sóc tận tình. Hiện nay, ngư dân ấy vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm các anh.

Chuyển quà trên đỉnh sóng dữ

Chúng tôi đến thăm Nhà giàn DK1/15, thuộc Tiểu đoàn DK của Vùng 2 Hải quân đúng lúc biển động cấp 6, cấp 7. Tại vùng biển này, cách đây vài năm đã có 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Từ nơi tàu thả neo nhìn sang Nhà giàn DK1/15 rất gần, nhưng vì sóng to nên không thể hạ xuồng đưa khách thăm nhà giàn. Nhiều đại biểu trên tàu tiếc vì không gặp được những “anh hùng” của biển mà họ hằng trân trọng

Đoàn công tác buộc phải chuyển quà xuống một chiếc xuồng máy đẩy để chở về nhà giàn. Sóng mỗi ngày một lớn, chỉ cần nhìn sóng biển thôi đã thấy hoa mắt, nôn nao chứ nói gì đến việc áp xuồng vào mạn tàu để lấy hàng. Việc thả hàng trong hoàn cảnh này khó hơn cả các nghệ sĩ làm xiếc. Mỗi lần sóng đến, chiếc xuồng lại bị đẩy lên cao, chao đảo, rồi rơi tõm xuống mặt nước.

Đại úy Bùi Mạnh Hùng, Chính trị viên Tàu CSB-8001 trực tiếp “thả” các thùng quà xuống xuồng. Có những thùng chủ yếu là củ quả rất nặng, thủy thủ trên xuồng phải cúi thấp người, chạm nhẹ tay vào hộp quà làm động tác hoãn xung, mặc cho sóng dữ hoành hoành, xuồng “nhảy múa”. Cuối cùng, cho dù sóng có dữ dằn bao nhiêu cũng không cản được quyết tâm của thủy thủ trên một chiếc xuồng nhỏ. Họ rời tàu an toàn trong ánh mắt thán phục của các đại biểu có mặt trên tàu. Xuồng đi về phía nhà giàn, nhỏ dần như chiếc lá trên sóng mầu trắng hung tợn.

Chia tay nhà giàn

Ngay sau đó, chiếc máy ICOM phát huy tác dụng. Một cuộc giao lưu qua máy thu phát sóng ngắn được tổ chức. Trên bộ đàm, Đại úy Nguyễn Văn Đức, Chính trị viên của nhà giàn đã xúc động gửi lời cảm ơn của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Anh hứa:

- Dù khó khăn, dù hiểm nguy, nhưng chúng tôi vẫn vững vàng một lòng tin, chắc tay súng, bảo vệ vùng biển thân yêu của Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao cho.

Tiếng hát “Nơi đảo xa” của Thiếu úy QNCN Lê Đức Toàn quê ở Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh được cất lên khiến ca bin tàu im lặng. Nghe anh hát say sưa, cảm xúc, những tiếng nấc nghèn nghẹn bật ra; nhiều đôi mắt bỗng đỏ hoe, nước mắt của các đại biểu lặng lẽ rơi xuống.

Tàu thu neo và buông ba hồi còi chào cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/15, nhiều ánh mắt và những cánh tay của các đại biểu còn vẫy chào các anh khi tàu đã đi xa. Nắng chiều chợt bừng sáng, nhuộm vàng cả mặt biển đầy sóng dữ.

 

Bài và ảnh: Mạnh Thắng - Chu Anh