Đóng góp Luật Điện lực: "Nóng" thủy điện và phát điện cạnh tranh!

19:13 | 23/10/2012

992 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Chiều 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp tại Hội trường lấy ý kiến đóng góp vào Luật Điện lực (sửa đổi). 21 ý kiến của các Đại biểu được đánh giá là đúng và trúng đối với bản Dự thảo sửa đổi bộ Luật.

Luật Điện lực được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2005, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực và sử dụng điện. Luật góp phần khẳng định vai trò của điện lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, qua gần 7 năm việc thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Điện lực cũng đã bộc lộ không ít những vấn đề chưa phù hợp, nảy sinh nhiều vướng mắc trong triển khai, thi hành như về giá điện, về quy hoạch phát triển điện lực, về an toàn điện lực v.v…

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được đánh giá cao trong công tác tham gia thị trường phát điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước

Trước thực trạng này, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã được soạn thảo chuẩn bị và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII vừa qua. Đồng thời Ban soạn thảo tiếp tục thu thập những thông tin khoa học, khách quan và mang tính phản biện phục vụ việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, tiếp tục trình Quốc hội kỳ họp này.

Trong phiên họp toàn thể chiều nay, đại đa số các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật nhằm đáp ứng với tình hình thực tiễn hiện tại. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Điện lực, Ban soạn thảo đã tổng hợp được 15 ý kiến với 46 vấn đề, tập trung vào các Điều 8, 9, 11, 29, 30, 31 và Điều 66, với các nội dung cơ bản như: Về tính kết nối và phân loại của Quy hoạch phát triển điện lực, việc đầu tư phát triển điện lực ngoài quy hoạch; Về hình thành và phát triển thị trường điện lực cần có quy định về tái cơ cấu ngành điện trong dự thảo Luật.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng thời điểm phát điện cạnh tranh năm 2022 là hơi muộn. “Nên chăng chúng ta nên tính, có thể 2019 hoặc 2020, bởi điều này cũng phù hợp với lộ trình tái cơ cấu ngành điện, đảm bảo sự minh bạch, cạnh tranh về giá điện”, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) lại cho rằng, về chính sách giá bán điện, giá điện và các loại phí và nội dung điều tiết hoạt động điện lực, các đại biểu cho rằng nên công khai, minh bạch cơ cấu hình thành giá điện. Bên cạnh đó, Nhà nước cần cấp kinh phí và hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển điện cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Đồng thời, bỏ quy định bù chéo giá điện sản xuất, giá điện sinh hoạt và bù giá giữa các nhóm khách hàng, sửa đổi giá điện theo cơ chế thị trường và bù giá cho các đối tượng người nghèo, người có thu nhập thấp.

Dẫn chứng một số quốc gia trên thế giới, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lưu ý, Dự thảo Luật sửa đổi nên bổ sung quy định định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch 5 năm một lần, gắn với kế hoạch chung của đất nước, địa phương và nếu có thể, nên có chương trình chi tiết cụ thể cho từng năm để đảm bảo triển khai thực hiện quy hoạch có kết quả, chất lượng.

Theo chương trình, ngày 20/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.

H.T