Dòng điện thắm tình hữu nghị

11:36 | 21/08/2018

215 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiệp định hợp tác năng lượng điện giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào được ký từ năm 1996. Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho phép triển khai bán điện cho nước bạn Lào kể từ năm 1998. Tháng 8/2018 đánh dấu chặng đường 20 năm triển khai chương trình hợp tác năng lượng thắm tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào.
Dòng điện thắm tình hữu nghị

Các đại biểu tham quan tư liệu về chặng đường 20 năm thực hiện hợp tác năng lượng điện giữa Việt Nam và Lào

Tỉnh Quảng Trị vinh dự là điểm bán điện đầu tiên thông qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cấp điện cho huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, đánh dấu mốc khởi đầu của tiến trình hợp tác mua bán điện qua biên giới giữa 2 nước Việt Nam-Lào. Nguyên Giám đốc PC Quảng Trị Phan Thanh Thúy nhớ lại: “Để chuẩn bị cho việc mua bán điện với Tổng Công ty Điện lực Lào (EDL), Công ty Điện lực 3 (nay là EVNCPC) đã khẩn trương tìm hiểu mô hình bán điện qua Lào, chuẩn bị quy trình vận hành và xử lý sự cố lưới điện, đào tạo nhân viên trực vận hành trạm cắt Lao Bảo phía Việt Nam và trạm trung gian 35/22 kV phía Lào. Những ngày đầu tiên, hai bên đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, thống nhất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công và nhiều giải pháp cấp bách được xác nhận tại hiện trường, ghi nhận bằng các văn bản viết tay để kịp thời gian đóng điện”.

Qua các năm, quy mô cấp điện tăng dần theo nhu cầu sử dụng điện của nước bạn. Đến nay EVNCPC và EDL đã ký kết hợp đồng mua bán điện qua 5 địa điểm. Ngoài Quảng Trị còn có các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum thông qua các cửa khẩu A Dớt, Đak Oóc, Bờ Y, cấp điện cho 4 tỉnh nước bạn Lào gồm Savannakhet, Salavan, Se Kong và Attapeu. Trong suốt chặng đường 20 năm qua, EVNCPC không ngừng nỗ lực mở rộng, nâng cấp lưới điện, tối ưu chất lượng điện năng để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao của nước bạn Lào mà đỉnh điểm là năm 2015 đạt 14,5MW. Vì thế, EVNCPC đã nâng dung lượng MBA, đầu tư thêm các TBA 110kV gần biên giới ở các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay, tỉnh Quảng Trị để giảm bán kính cấp điện từ TBA 110kV đến biên giới; đầu tư đường dây mạch kép 22kV từ TBA 110kV Lao Bảo thay thế mạch đơn 35kV để tăng công suất, cấp điện trực tiếp qua đường dây 22kV, không sử dụng TBA trung gian 35 kV Densavan-Lào; đầu tư nâng tiết diện dây dẫn và lắp bộ điều chỉnh điện áp tự động (AVR) trên đường dây cấp điện qua Đăk Oóc, tỉnh Quảng Nam. Trong đó phải kể đến những trở ngại trong việc cấp điện cho huyện Samouay, Salavan gặp nhiều khó khăn nhất do địa hình đèo dốc hiểm trở, qua nhiều khe suối, rừng núi, dân cư thưa thớt nhưng với quyết tâm “phủ sóng” lưới điện theo hiệp định đã ký kết, EVNCPC đã quyết tâm hoàn thành vào năm 2003. Hiện nay đã có 3,85 triệu khách hàng sử dụng điện.

Nếu năm 1998, hợp tác mua bán điện đạt sản lượng 2 MW, doanh thu 13.239 USD, năm 2015 tổng công suất bán điện qua 5 cửa khẩu đạt 14,5MW thì đến nay tổng sản lượng điện năng mua bán qua 20 năm đạt 299,28 triệu kWh, doanh thu 20,99 triệu USD. Mặc dù giá thành sản xuất điện tại Việt Nam tăng cao nhưng giá điện năng mua bán giữa EVNCPC và EDL được duy trì ở mức 6 UScents/kWh. Qua 4 lần điều chỉnh giá mua bán điện, đến nay giá điện là 8,75 UScents/kWh, tăng 2,75 UScents/ kWh so với thời điểm 1998.

Mặc dù thiếu nguồn cung cấp điện, đặc biệt vào các năm 2008, 2010 phải áp dụng cắt, giảm phụ tải luân phiên đối với khách hàng trong nước, tuy nhiên EVNCPC vẫn ưu tiên cung cấp điện đầy đủ, liên tục theo nhu cầu phụ tải của EDL. Từ năm 2013, tất cả công tơ mua bán điện giữa hai bên được trang bị hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, tạo thuận lợi cho các bên giám sát hoạt động của công tơ và tình hình sử dụng điện, đối soát số liệu mua bán từ xa. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo đếm được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc phát hành hóa đơn, thanh toán tiền điện gửi qua dịch vụ bưu điện cho EDL được triển khai thuận lợi. Tuy nhiên việc hợp tác mua bán điện giữa Việt Nam- Lào trong 20 năm qua vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trước hết do đặc thù biên giới giữa 2 nước hầu hết là núi rừng hiểm trở, lưới điện cấp cho nước bạn Lào có những vị trí băng qua núi cao, rừng già nên việc giải tỏa hành lang lưới điện, đảm bảo vận hành cấp điện an toàn, tin cậy rất khó khăn. Nhiều địa bàn dân cư thưa thớt, sự khác biệt về ngôn ngữ cũng là một trở ngại trong phối hợp quản lý vận hành, kinh doanh điện năng giữa 2 bên...

Trợ lý Tổng Giám đốc EDL Vilaphorn cho rằng, dòng điện từ Việt Nam không những đem lại ánh sáng văn minh mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân ở các làng quê dọc biên giới 2 nước. Với thành tựu qua sự hợp tác mua bán điện, trong thời gian tới phía Lào mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ngành Điện Việt Nam, đặc biệt là việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trên các lĩnh vực như sửa chữa lưới điện, đo đếm công tơ, cấp phát hóa đơn...từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh điện năng.

Phó Tổng giám đốc EVNCPC Phạm Sỹ Hùng cho biết: “Để có sự phối hợp tích cực và đồng bộ hơn nữa, hai bên đã thống nhất thiết lập kênh trao đổi qua email, fax, trong đó ghi nhận đầy đủ các đầu mối của các bộ phận liên quan của EVNCPC và EDL, để trao đổi, chuyển biên bản xác nhận chỉ số, hóa đơn, chứng từ liên quan... Với kênh thông tin này, các bên sẽ chủ động rà soát, tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời. Mặt khác, cần tăng cường phối hợp, định kỳ kiểm tra đường dây cấp điện và hành lang tuyến, đẩy mạnh giao lưu trao đổi về quản lý kỹ thuật, tự động hóa lưới điện, nhằm nâng cao hiệu quả mua bán điện giữa hai nước Việt Nam- Lào...”.

Quá trình hợp tác mua bán điện trong 20 năm qua là chặng đường với nhiều hoạt động giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào công tác quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng sử dụng điện của 2 nước, từ đó thắt chặt thêm tình hữu nghị, đoàn kết của nhân dân 2 nước Việt-Lào.

Hồ Nguyên Kha

Những chiến công của thợ điện trở thành bất tử
Điện lưới quốc gia đã đến xã biên giới Ch'Ơm
Dòng điện nghĩa tình ở vùng cao biên giới