Những chiến công của thợ điện trở thành bất tử

19:00 | 20/08/2018

625 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong các cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều người thợ điện Việt Nam đã không quản hy sinh xương máu, bảo vệ dòng điện phục vụ chiến đấu và sản xuất, quyết tâm bám lò, bám máy đến hơi thở cuối cùng.
Những chiến công của thợ điện trở thành bất tử
CBCNV Nhà máy điện Yên Phụ diễn tập đánh địch giáp lá cà. (Hà Nội tháng 6/1966).

Khi thợ điện buộc phải cầm súng

Giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và những người thợ điện Việt Nam nói riêng luôn có lòng yêu nước nồng nàn, anh dũng, kiên cường trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do và thống nhất đất nước.

Tài liệu về lịch sử phát triển ngành Điện Việt Nam đã ghi lại quá trình đấu tranh anh dũng của các thế hệ thợ điện chống lại bọn thực dân đế quốc, đòi quyền tự do dân chủ, luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhiều thợ điện đã trở thành chiến sĩ cách mạng, những cán bộ đảng, cán bộ công đoàn chủ chốt, có uy tín lớn trong giai cấp công nhân lao động Việt Nam như Nguyễn Đức Cảnh, Lê Hồng Phong, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Đoài… Nhiều chi bộ như: Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (1925), Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương (trước năm 1930), Chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam (1930), Tổ chức Công Hội Đỏ Bắc Kỳ (1929)… đã ra đời rất sớm tại các nhà máy điện ở cả 3 miền trong thời kỳ Pháp thuộc.

“Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” - những người làm điện trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ luôn làm theo lời kêu gọi đó. Khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng cầm súng, sẵn sàng làm việc ngày đêm và cũng sẵn sàng xả thân bảo vệ dòng điện phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nhớ lại những ngày Tổng khởi nghĩa năm 1945, công nhân các nhà máy điện đều là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền từ tay thực dân Pháp, đế quốc Nhật. Nhiều nhà máy điện đã xây dựng lực lượng tự vệ vũ trang tham gia cùng tổ chức Việt Minh, vận động nhân dân tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nhiều công nhân điện đã tham gia vào quân đội chiến đấu trên các chiến trường Nam, Bắc hoặc tự nguyện ở lại hoạt động bí mật trong lòng địch. Nhiều người trong số đó đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Ở Hà Nội, ngày 17/12/1946, tại các phố Yên Ninh, Hàng Bún, quân Pháp gây hấn, điên cuồng bắn giết, đốt phá nhà cửa. Chứng kiến sự tàn bạo của giặc Pháp, anh Trần Bá Quyết, một chiến sỹ tự vệ công nhân Nhà Đèn (Yên Phụ) đã dũng cảm đánh trả quân thù và anh dũng hy sinh. Đám tang của anh đã gây xúc động lớn trong nhân dân và chiến sỹ Thủ đô. Anh Nguyễn Văn Gián và em trai là hai công nhân của Nhà Đèn (Yên Phụ) đã kiên trì bám sát trận địa tại kho chứa than của Nhà máy (góc phố Yên Ninh - Hàng Bún). Các anh đã kiên quyết đánh trả lực lượng đàn áp của quân đội Pháp và đã anh dũng hy sinh. Đó chỉ là một trong những lớp người đầu tiên của ngành Điện đã hy sinh thân mình cho đất nước.

“Giữ điện” giữa mưa bom, bão đạn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với nhân dân miền Bắc, CBCNV ngành Điện đã thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH ở miền Bắc. Với dã tâm của kẻ thù xâm lược, Đế quốc Mỹ đã sử dụng hàng trăm máy bay ném bom hủy diệt các công trình dân sự ở miền Bắc Việt Nam. Năm 1964, Đế quốc Mỹ sử dụng lực lượng không quân và hải quân "leo thang" đánh phá các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông… ở miền Bắc, trong đó trọng điểm là các nhà máy điện, nhằm làm tê liệt mọi hoạt động của miền Bắc, đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Lúc này, ngành Điện phải chuyển hướng chiến lược, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ nguồn điện. Khẩu hiệu hành động là "Một công nhân điện là một chiến sỹ kiên cường trong sản xuất và trong chiến đấu bảo vệ nguồn điện của Tổ quốc".

Trong khói bom mịt mù, trong tiếng gầm rú xé trời của máy bay Mỹ, người lao động ngành Điện vẫn bình tĩnh, kiên cường, dũng cảm, chắc tay súng, vững tay búa, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bắn trả máy bay Mỹ. Nhiều công nhân - chiến sỹ đã ngã xuống trên trận địa pháo, trong gian lò máy, bên cạnh các TBA. Nhiều công nhân điện bị thương, nhưng vẫn không rời vị trí công việc. Trong đống đổ nát sau mỗi trận bom Mỹ, các đội cảm tử phá bom đã dũng cảm lao vào công việc. Nhiều nữ công nhân điện đã kiên cường xung phong xử lý những quả bom chưa nổ, đảm bảo an toàn cho nhà máy. Nhiều công nhân được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay sau những cuộc ném bom đánh phá của máy bay Mỹ vì đã dũng cảm hy sinh bảo vệ nhà máy, bảo vệ nguồn điện…

Lịch sử ngành Điện Việt Nam sẽ mãi mãi vinh danh những người thợ kiên trung đã anh dũng quyết tử cho dòng điện Tổ quốc như liệt sĩ Nguyễn Khắc Đạt – công nhân đường dây Nhà máy Điện Vinh hi sinh ngay trên cột điện khi đang khắc phục sự cố sau trận bom của máy bay Mỹ. Đó là liệt sĩ Nguyễn Hùng Tý – người bảo vệ tại Nhà máy Điện Uông Bí đã ôm bình cứu hỏa xông vào cứu kho dầu bị bom Mỹ rơi trúng. Đó là liệt sĩ Hà Thị Tiến – nữ công nhân vận hành lò Nhà máy Điện Thái Nguyên, dưới mưa bom vẫn không rời vị trí vận hành, đó là 11 thợ điện quả cảm của Nhà máy Điện Việt Trì anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ngày 12/3/1967,…

Và còn biết bao tấm gương anh dũng của ngành Điện Việt Nam sẽ mãi mãi được các thế hệ người làm điện hôm nay và mai sau ghi nhớ, tôn vinh.

Sau hơn 40 năm bước ra khỏi chiến tranh chống Mỹ, sự mất mát trong mỗi gia đình liệt sỹ, thương binh ngành Điện vẫn không thể nguôi ngoai khỏa lấp. Tuy nhiên, từ nỗi đau không gì bù đắp đó, đã tạo nên sức mạnh thần kỳ, giúp các thế hệ những người làm điện hôm nay tiếp bước thế hệ trước cha, anh, làm chủ KHCN hiện đại, lập nên nhiều chiến công thần kỳ trong lao động sáng tạo với niềm tin sắt đá “Trái tim người thợ điện còn đập thì dòng điện không bao giờ tắt”.

Trải qua hai giai đoạn chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ (1961 -1965 và 1969 -1972), ngành Điện miền Bắc:

• Phải đương đầu với 1.652 trận oanh tạc.

• Hầu hết các cơ sở điện lực bị tàn phá.

• Hơn 100 cán bộ công nhân viên đã anh dũng hy sinh.

• Hàng trăm người bị thương tật suốt đời.

• Trong bom đạn, không một phút giây nào ngành Điện ngừng sản xuất.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

(Trích từ ấn phẩm "Tim có thể ngừng đập, điện không thể tắt")

Vùng biên Việt - Lào: Nghĩa tình quân - dân - thợ điện
Đội quản lý điện trên vùng biên giới Mô Rai
Gian nan thợ điện vùng sâu

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps