Dòng điện nghĩa tình ở vùng cao biên giới

15:40 | 18/03/2015

647 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Công ty Điện lực Quảng Nam còn làm tốt nhiệm vụ bán điện qua biên giới cho nước bạn Lào.

Trạm đo đếm cửa khẩu bán điện cho huyện Đắc Chưng.

Theo số liệu thống kê của EVNCPC, tính đến cuối năm 2014, PC Quảng Nam đã bán cho huyện Đắc Chưng tổng cộng 3 triệu kWh, tăng bình quân mỗi năm 35%, tương ứng tổng doanh thu 203.000 USD. Bán điện qua biên giới mang yếu tố đối ngoại quan trọng, thể hiện mối tình hữu nghị lâu đời giữa 2 tỉnh Quảng Nam với Sê Kông, giữa EVNCPC với Tổng công ty Điện lực Lào (EDL). Vì vậy nhiệm vụ này được EVNCPC ưu tiên hàng đầu và trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc đầu tư xây dựng lưới điện và thực hiện hợp đồng mua bán điện đã kết giữa 2 Tổng công ty. Nhiệm vụ quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện, giải quyết sự cố và cung ứng điện hằng ngày, Tổng công ty giao cho PC Quảng Nam mà trực tiếp là Điện lực Nam Giang thực hiện.

Đường dây 22kV dài hơn 80 km được EVNCPC đầu tư từ năm 2002, xuất phát từ Bến Giằng, chạy dọc theo tuyến đường 14D, đến trạm đo đếm tại cửa khẩu Nam Giang. Về sau, để tăng cường độ tin cậy và chất lượng cung ứng điện cho huyện bạn, ngành Điện cũng đã đầu tư cải tạo đoạn từ cầu La Dê lên cửa khẩu; đồng thời dịch chuyển hơn 1 km đường dây gần biên giới để tránh ảnh hưởng đến các loại cây gỗ quý ở khu bảo tồn sinh thái rừng già.

Đường dây 22kV Bến Giằng - Cửa khẩu Nam Giang không chỉ cấp điện làm nhiệm vụ quốc tế mà còn là đường trục chính để đấu nối cho các xuất tuyến cấp điện cho các xã của huyện Nam Giang nằm dọc theo tuyến đường 14D như Tà Bhing, Tà Pơơ, Chà Vàl, La Dêê, La Êê và các xã Đắk Tôi, Đắk Pring và Đắk Pree nằm sâu trong các dãy núi cách xa đường 14D đến 20, 30km. Do vị trí quan trọng của đường dây này nên Điện lực Nam Giang đã phân công 2 tổ quản lý, vận hành. Theo đó, Tổ lưới Nam Giang đảm nhận quản lý hơn 40km đoạn đường dây từ Bến Giằng đến khu dân cư Tà UL (xã Chà Vàl).

Đoạn còn lại khoảng 40km từ Tà UL lên biên giới do Tổ quản lý hỗn hợp Tây Nam Giang phụ trách. Lưới điện phía bên kia biên giới do Điện lực Đắc Chưng quản lý vận hành và tham mưu thực hiện thanh toán tiền điện theo thông lệ quốc tế qua chỉ số điện tiêu thụ hằng tháng tại trạm đo đếm biên giới cho Tổng công ty.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Điện lực Nam Giang cho biết, dòng điện từ Việt Nam vượt qua biên giới đến với đồng bào Đắc Chưng phải chịu rất nhiều áp lực về sự cố.

 “Riêng 80 km đường dây phía Việt Nam phần lớn băng qua vùng rừng núi, đồi cao, dốc sâu nên thường xuyên bị nạn sạt lở đất, giông sét và cây rừng đe dọa. Các tổ quản lý điện phải rất vất vả mới giữ vững an toàn cho lưới điện và bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện cho huyện Đắc Chưng” – ông Sơn nói.

Hàng quý, thực hiện kế hoạch quản lý vận hành của Điện lực, các đội quản lý điện đã chủ động làm tốt công tác kiểm tra định kỳ ngày đêm; gia cố trụ điện và dây néo, nhất là ở những vị trí mất an toàn, những khu vực trụ điện nằm ở triền đồi, triền núi dễ nạn sạt lở đất đá cuốn trôi khi có mưa lớn. Ngoài ra, qua công việc hằng ngày, các công nhân còn kết hợp kiểm tra, phát quang hành lang an toàn lưới điện; định kỳ tổ chức vệ sinh lưới và thực hiện tốt kế hoạch sửa chữa thường xuyên theo kế hoạch của PC Quảng Nam.

Cũng theo ông Sơn: “Làm điện ở miền núi cao biên giới, anh em chúng tôi chưa bao giờ yên tâm với sự cố xảy ra đối với lưới điện dù đã rất nỗ lực trong công tác phòng bị”. Lời thổ lộ của ông Sơn cũng là tâm sự chung của những người làm điện ở miền núi Quảng Nam, bởi nơi đây lưới điện thường xuyên bị uy hiếp bởi những tác động khách quan như bão lũ, giông sét, lũ quét, dây leo và cây rừng. Lưới điện thường bị sự cố khách quan, nhưng do cản trở bởi núi cao, rừng rậm nên rất khó kiểm soát, thời gian truy tìm vị trí bị sự cố kéo dài, anh em công nhân khá vất vả trong xử lý sự cố. Những khi trời mưa, giông sét mà bị sự cố thì công nhân lại càng khổ nhọc hơn, bởi đường đồi núi trơ như mỡ, lại thêm rắn, rết, ong, vắt bu đầy. Có lần anh em bị kẹt lại cả tuần vì sạt lở núi cản đường về.

Ông Sơn còn cho biết, anh em công nhân của đơn vị phần lớn xa nhà, tuy có khó khăn, vất vả trong ăn ở, sinh hoạt, song điều đó lại thuận tiện cho đơn vị trong bố trí công việc và xử lý sự cố. Tác phong của công nhân cũng rất năng động, mỗi lúc lên đường làm việc là phải chuẩn bị tinh thần kết hợp làm nhiều việc. Mặt khác, mỗi người phải thường xuyên làm tốt công tác phòng bị, nắm chắc đặc điểm của lưới điện ở từng khu vực để kiểm soát được những rủi ro có thể xảy ra; đồng thời luôn làm tốt công tác chuẩn bị để bảo đảm cho lưới điện “sạch” trước khi bước vào mùa mưa lũ. Đội Quản lý điện Tây Nam Giang còn thường xuyên phối hợp với Đội quản lý điện Đắc Chưng triển khai thực hiện “Quy chế phối hợp vận hành đường dây cấp điện huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông-Lào” đã được hai bên ký kết nhằm bảo đảm cho toàn bộ tuyến đường dây Bến Giằng – Đắc Chưng được vận hành thông suốt, an toàn.

Nhờ vậy, việc cấp điện cho huyện bạn trong những năm qua tương đối ổn định, thời gian mất điện bình quân trên một khách hàng và trong một lần mất điện ngày càng giảm thấp so với trước; hợp đồng mua bán điện được thực hiện theo thông lệ quốc tế, không để xảy ra sai sót, không vi phạm Luật Biên giới quốc gia và các quy định hợp tác thương mại giữa hai nước. Riêng trong năm 2014, tuyến đường dây này bị mất điện 11 lần, giảm 30 lần so với năm 2013. Trong đó, 3 lần do người dân đốn cây ngã vào lưới điện, 1 lần đơn vị viễn thông Viettel kéo cáp, 1 lần rắn bò, 1 lần do chim, 3 lần gió lốc, 2 lần ngắn mạch. Từ đầu năm 2015 đến nay trên toàn tuyến chưa mất điện lần nào.

Ông Bu Si, Tổ trưởng quản lý điện huyện Đắc Chưng cho biết, nhờ vào sự nỗ lực của PC Quảng Nam mà người dân trong huyện có điện dùng an toàn, ổn định và có chất lượng, đặc biệt là số lần mất điện trung bình của một khách hàng tính theo sự cố trên lưới điện phía Việt Nam và khách hàng phía Đắc Chưng năm 2014 giảm 73% so với năm 2013, thời gian mất điện trung bình giảm 60%. “Có thể nói, qua 5 năm nhận điện lưới từ phía Việt Nam ngày càng có chất lượng, các cấp chính quyền và nhân dân huyện Đắc Chưng luôn coi đây là dòng điện nghĩa tình đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Những nổi nhọc nhằn vất vả của người dân nơi đây dần được thay đổi, cuộc sống ngày càng văn minh, khấm khá hơn so với ngày chưa có điện”.

Thanh An - Lương Bang