Đối tượng gom 620kg khẩu trang cũ có thể bị phạt như thế nào?

08:48 | 24/02/2020

228 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo luật sư, do đối tượng chưa tiêu thụ số khẩu trang ra thị trường, chưa phát sinh bị hại nên không có căn cứ xử lý tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc tội "Lừa dối khách hàng".

Như đã đưa tin, chiều 22/2, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, mới đây đơn vị đã kiểm tra, phát hiện đối tượng thu gom 620kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng ở Vĩnh Phúc, để mang về Hà Nội tập kết.

Sự việc được phát hiện khi công an kiểm tra một ngôi nhà tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn. Tiến hành xác minh, cảnh sát xác định Nguyễn Minh Nguyên (SN 1996; trú tại Phổ Yên, Thái Nguyên) là người đã thu mua số khẩu trang trên từ khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc rồi mang về cất giấu tại thôn Đa Hội.

Để tìm hiểu rõ hơn về hành vi thu gom khẩu trang đã qua sử dụng dưới góc độ pháp lý, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội).

Theo luật sư Thơm, trong thời gian gần đây, lợi dụng tình hình xuất hiện dịch Covid-19 rất nguy hiểm, cả nước đang tập trung phòng dịch, đảm bảo đời sống sức khỏe cho nhân dân, đã có một số đối tượng thu gom khẩu trang đã qua sử dụn, nhằm mục đích bán trục lợi. Đây là hành vi vô đạo đức và cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

doi tuong gom 620kg khau trang cu co the bi phat nhu the nao
Lực lượng chức năng tiến hành thu gom số khẩu trang y tế đã qua sử dụng.

Theo điều tra ban đầu cho thấy, đối tượng Nguyên đã có hành vi thu mua khẩu trang từ khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc rồi mang về cất giấu tại thôn Đa Hội thì bị Cơ quan Công an huyện Sóc Sơn bắt quả tang với số lượng 620kg.

"Xử lý như nào đối với đối tượng Nguyên về hành vi thu gom hơn 600kg khẩu trang thì cần đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để xử lý về hình sự cần thỏa mãn cấu thành tội phạm tương ứng được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017", luật sư Thơm nói.

Theo quan điểm của Luật sư, do đối tượng chưa tiêu thụ số khẩu trang này ra thị trường, chưa phát sinh bị hại bị thiệt hại về vật chất nên không có căn cứ xử lý tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 hoặc tội Lừa dối khách hàng theo Điều 198 BLHS.

Do đó, hành vi của đối tượng chỉ mới ở giai đoạn thu gom khẩu trang đã qua sử dụng, nên chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS.

Đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS, cơ quan điều tra cần giám định 620kg khẩu trang có chứa dịch bệnh hay không? Đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu quả làm cho người khác bị lây dịch bệnh.

Nghĩa là, với số khẩu trang thu gom đã qua sử dụng, đối tượng đã làm cho người khác bị lây dịch bệnh nguy hiểm. Nếu số khẩu trang này có dịch bệnh thì chính đối tượng sẽ là người đầu tiên bị lây nhiễm.

"Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi thu gom 620kg khẩu trang qua sử dụng của đối tượng nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự thì cũng cần thiết xử lý bằng biện pháp hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Theo điểm b, Khoản 6, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đối với hành vi vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường không đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải theo quy định", luật sư Thơm nói thêm.

Trước đó, ngày 20/2, Công an huyện Sóc Sơn cho biết đang phối hợp với lực lượng chức năng hoàn tất hồ sơ xử lý vụ phát hiện 17.500 chiếc khẩu trang không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn phát hiện một cơ sở sản xuất khẩu trang có biểu hiện nghi vấn. Căn cứ các tài liệu trinh sát, Công an xã Minh Phú đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an huyện và Đội QLTT số 10, Cục QLTT Hà Nội tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang tại thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú.

Đây là cơ sở sản xuất do Bùi Duy Hưng (sinh năm 1991, trú tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí, Quảng Ninh) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 17.500 chiếc khẩu trang không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ.

Theo Trung tá Phan Việt Cường, Trưởng Công an xã Phú Minh, tài liệu trinh sát cho thấy cơ sở này luôn đóng khóa trong khi sản xuất. Thậm chí, tiến hành sản xuất cả ngày lẫn đêm. Ngoài trực tiếp sản xuất khẩu trang, cơ sở này còn thu gom hàng ở các nơi về tập kết chung.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản, chuyển toàn bộ tài liệu, hồ sơ cho Đội QLTT số 10, Cục QLTT thành phố Hà Nội tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc