Đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng: Quá tay và khó chấp nhận

12:42 | 25/10/2018

334 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xung quanh việc một người dân tại Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD trái quy định, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi ngắn với hai chuyên gia ngân hàng bày tỏ quan điểm về việc chính quyền TP. Cần Thơ xử phạt người vi phạm nói trên.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: Xét về lý và luật pháp việc xử phạt hành vi đổi, mua bán ngoại tệ là đúng quy định nhưng về mức độ thì khó chấp nhận.

Thưa TS Hiếu, ông đánh giá như thế nào về việc người đổi 100 USD trái phép bị phạt 90 triệu đồng tại Cần Thơ?

- Việc xử phạt này đúng luật nhưng mức phạt khó chấp nhận được. Số tiền phạt quá lớn so với giá trị vi phạm và chưa thể căn cứ vào đâu, đặc biệt đối với người lao động với mức lương vài triệu/tháng mà mức phạt này là một cái mức không đáng.

Đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng: Quá tay và khó chấp nhận

Tôi cho rằng, khi hành luật thì chúng ta đã không thi hành nhất quán, đổi tiền trên chợ đen là việc người dân nhiều nơi đã làm hàng chục năm nay, điều này đã phổ biến ở các tiệm vàng như Trần Nhân Tông, Hà Trung (Hà Nội) hay phố Lê Thánh Tông (TP.HCM)...

Tại sao không phạt đối tượng ở đây mà xử phạt ở địa phương như Cần Thơ. Quan điểm tôi là không thể đồng ý với mức phạt như này.

Nhiều người cho rằng, pháp luật hiện chưa chặt chẽ để làm lằn ranh ngăn cản người dân vi phạm; đồng thời pháp luật cũng chưa có cơ chế để vừa bảo vệ người vô tình vi phạm vừa sàng lọc để xử lý đúng người, đứng tội. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Quản lý ngoại tệ hiện đưa ra nhiều chi tiết khá khó khăn cho quản lý. Trong khi chúng ta cho người dân giữ ngoại tệ thì lại không cho người dân buôn bán ngoại tệ, ranh giới giữa giữ và buôn bán rất mỏng và mập mờ.

Nếu tôi cầm 100 USD ra ngoài đường thì không ai cấm, nhưng đùng một cái tôi đổi ra tiền đồng để tiêu ở phố thì vi phạm. Ranh giới giữ ngoại tệ và bán ngoại tệ khá mỏng manh, nên việc người dân vô tình vi phạm là điều dễ hiểu.

Trong khi ranh giới mỏng manh vậy, việc phạt người dân, nói đúng luật thì đúng nhưng nên cho người dân hình phạt cảnh cáo. Trường hợp, nếu tiếp tục vi phạm thì phạt nặng hơn. Không nên phạt những người vô tình vi phạm khi hậu quả xảy ra khá nhỏ, thấp.

Thực tế hiện nay, bình thường thì chẳng ai muốn giữ USD, cầm đổi hoặc liên quan gì đến đồng tiền này cả. Nhưng khi đi ra nước ngoài du lịch, thăm thân hoặc đi chữa bệnh, đây mới là nhu cầu họ cần có.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hãng luật Basico, đoàn Luật sư Hà Nội: Xử phạt quá cao và cào bằng hành vi, động cơ vi phạm

Thưa luật sư, nhiều người cho rằng việc phạt 90 triệu đối với người đổi 100 USD là thiếu căn cứ pháp luật và quá nặng, đứng về góc độ luật pháp, quan điểm của luật sư là gì?

- Việc xử phạt thì đúng nhưng cách áp dụng máy móc, liều lượng quá sốc. Thường các cơ quan pháp luật phải dựa trên số lượng, mục đích và mức độ của hành vi vi phạm để làm căn cứ xử lý.

Ví dụ: Nếu doanh nghiệp vi phạm về hợp đồng lao động không lưu, cơ quan chức năng có quyền phạt doanh nghiệp 200.000 đồng/cái, nếu 100 trường hợp không lưu phạt tăng lên.

Tương tự, ví dụ nếu doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho người lao động thì phạt bao nhiêu, không tuân thủ quy định môi trường thì phạt bao nhiêu... Về nguyên tắc phạt phải cân đong, đo đến lượng, tác hại và theo nguyên lý pháp đình.

Ở trường hợp người cầm 100 USD thì số tiền cũng chỉ khoảng 2,3 triệu đồng, nếu bán 100 USD phạt 90 triệu đồng thì chẳng khác nào đổi 50.000 đồng ra 2 USD cũng giống như đổi 1 triệu USD ra tiền Việt ở nơi không được phép đều có tội như nhau, đều bị áp mức phạt 90 triệu đồng. Đây là việc xử phạt mang tính cào bằng, không hợp lý, không đúng đối tượng vi phạm.

Tôi cho rằng, nếu trường hợp vi phạm có hệ thống, cố tình vi phạm hoặc một cửa hàng không có giấy phép thu mua USD mà chứa hàng triệu USD (cơ quan chức năng nghi ngờ vi phạm đổi ngoại tệ trái phép, xử phạt 90 triệu đồng thậm chí hàng trăm triệu đồng) có lẽ sẽ không quá đáng.

Có quan điểm cho rằng, nguyên do đẩy đa số người dân đến với nơi thu đổi ngoại tệ trái phép là cầu của họ không được ngân hàng đáp ứng đúng và đủ, thậm chí rất khó mua. Đây là lý do làm phát sinh chợ đen ngoại hối và hình thành nơi đổi tiền phi chính thức của người dân mỗi lần đi nước ngoài, ông có nhận xét gì?

- Điều này là một thực tế, ví dụ tôi vừa đi Nga 1 tuần, ra ngân hàng họ bán cho 700 USD. Với mình không tiêu gì thì 700 USD có thể đủ, nhưng đối với người có nhu cầu họ cần mua nhiều hơn thì số tiền trên khó có thể đáp ứng được bởi quá nhỏ không thể mua được cái gì? Trong khi đó, họ mua 3 cái đồng hồ hàng hiệu, mỗi cái đã hàng chục triệu đồng rồi.

Về lý, cả hệ thống ngân hàng đang hiểu sai về việc bán USD, Luật quy định, nghĩa vụ của ngân hàng là phải bán tối thiểu 100 USD cho người mua khi nhu cầu hợp lệ.

Còn nếu ngân hàng có nhiều hơn, người mua chứng minh được việc mua là đúng yêu cầu, quy định thì họ cần 1 triệu USD, ngân hàng cũng phải bán.

Hiện nay, người dân có quyền bán cho các đại lý thoải mái, cả nước có đến hơn 500 đại lý nhận mua USD được cấp phép, Hà Nội có đến 100 đại lý. Tuy nhiên, người dân phải hiểu, quy định là tất cả các đại lý này chỉ được phép mua vào, chứ không có bất kì đại lý nào được phép bán ra. Thế nhưng, dân vẫn ngầm hiểu: "Tôi bán được cho nó, cũng mua được của nó và cung có cầu".

Việc có quy định người dân phải kê khai các giấy tờ pháp lý, vé máy bay khi mua ngoại tệ ở ngân hàng là không thể xé rào, chỉ có điều là do ngân hàng có muốn bán hay không.

Nếu tỷ giá mua vào và bán ra ngang nhau, nhiều khi do chủ quan của ngân hàng, nếu họ có nhiều họ bán ra đúng yếu cầu, còn nếu có ít bán ít.

Tôi nghĩ rằng, thời buổi này, các ngân hàng cũng nên giải quyết nhanh (trong ngày, thậm chí tức thời khi đủ hồ sơ, giấy tờ) về cấp thẻ ghi nợ, thanh toán với các ngân hàng quốc tế như Visa Card, Marter Card để người có nhu cầu đỡ phải mua ngoại tệ khi đi du lịch.

Trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

Theo Dân trí

Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Kim cương, đá quý đi về đâu?
Hà Nội: Sợ bị phạt, nhiều người bỏ ngủ trưa tìm chỗ đổi USD