Đọc sách hay… soi mói sách?

06:00 | 31/01/2016

2,412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thêm một chi tiết “lạ” trong truyện cổ tích Thạch Sanh của sách Ngữ văn 6 của NXB Giáo dục Việt Nam khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn.

Theo phản ánh của một phụ huynh, khi xem sách “Ngữ văn 6” của NXB Giáo dục Việt Nam, phụ huynh này đã khá bất ngờ khi phát hiện những cụm từ “lạ” trong truyện. Cụ thể,  truyện cổ tích Thạch Sach ở trang 61 có đoạn: “Khi cậu bé vừa khôn lớn thì mẹ chết. Cậu sống lủi thủi trong túp lều cũ dựng dưới gốc đa, cả gia tài chỉ có một lưỡi búa của cha để lại. Người ta gọi cậu là Thạch Sanh. Năm Thạch Sanh bắt đầu biết dùng búa, Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho các đủ môn võ nghệ và mọi phép thần thông”.

doc sach hay soi moi sach
Minh họa truyện cổ tích Thạch Sanh

So với việc dùng “rìu” thì nay được biên soạn thành “búa”. Còn thay vì các “vị thần” thì được sửa thành… “thiên thần”.

Thực tế thì những khái niệm khiến các bậc phụ huynh băn khoăn trên là đúng. Nhưng xét cho cùng thì những khái niệm này cũng không có gì quá khác biệt. Cụ thể, trả lời báo giới, Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân có nói: Sở dĩ Tiếng Việt từ xưa dường như không thật phân biệt rạch ròi. Các từ điển cổ đều có cả “rìu” lẫn “búa”, nhưng không thấy chỉ dẫn khác biệt giữa chúng. Ngay đến tận cuối thế kỷ XIX, trong tiếng Việt vẫn chưa phân hóa thật rõ chức năng chặt đẽo (của rìu) với chức năng đóng (của búa). Mới có chuyện nhiều trường hợp đã dùng lẫn lộn cả hai từ ấy với nhau. Bởi vậy, nếu có dị bản truyện kể Thạch Sanh nào đó, thay vì dùng “rìu” lại dùng “búa” - là điều ta hoàn toàn hiểu được”. Còn cụm từ “thiên thần” dùng thay thế “vị thần” hoặc “ông Tiên” như các bản truyện cổ tích Thạch Sanh phổ biến trước đây, theo nhà Nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân thì: Dùng “thiên thần” là không sai, vì trong truyện có nói Thạch Sanh vốn là con Ngọc Hoàng nên được các thần từ thiên đình xuống dạy phép thuật là hợp lý rồi.

Thực tế, nếu chỉ xét riêng  truyện Thạch Sanh của Ngữ Văn lớp 6 này, thì những khái niệm mang chất “dị bản” như trên cũng không phải là những vấn đề quá to tát. Nhất là khi những khái niệm như: “búa”, “thiên thần” lại gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn. Thế nhưng từ trước tới nay để thay đổi một khái niệm ngôn ngữ đã trở thành cố hữu trong người dân là việc không hề dễ dàng. Nên khi có những khái niệm mới là chúng ta vội vàng phản ứng.

Không nói đâu xa, ngay như chuyện nhiều phụ huynh phản ứng với bản dịch mới trong “Nam Quốc Sơn Hà” vừa qua. Rất nhiều vị cho rằng, bản dịch mới đã làm hỏng bài thơ thần mà tương truyền của Lý Thường Kiệt. Thế nhưng, để công tâm thì phải nhìn nhận từ phía những đối tượng tiếp cận mới là thế hệ học sinh đương thời kia.

Phải thừa nhận, bản tính ngại đổi mới của người Việt, bất kể có gì mới là phản ứng. Nên cái nếp của giáo dục cũng là quen áp đặt. Nên khi có sự thay đổi thì thường có xu hướng không tương thích với những khái niệm mới. Khi nói về hiện tượng này chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương cũng phải than thở rằng: Chúng ta đang đọc sách hay soi mói sách?

Tranh cãi là để tìm ra hướng đi đúng đắn và để chúng ta tiến bộ lên. Cuộc sống là một chuỗi những vận động.Vậy thì ngôn ngữ cũng cần có sự vận động của nó để bắt kịp với thời cuộc. Công tác biên soạn sách cũng không nằm ngoài sự phát triển đó.  Nên phải chăng, đã đến lúc cần có cái nhìn công tâm hơn đối với công sức của những người biên soạn sách. Bởi mỗi cuốn sách ra đời là công sức của rất nhiều tác giả. Mỗi một phần dù rất nhỏ trong cuốn sách đều bao hàm ý đồ truyền tải. Nên các bậc phụ huynh cũng cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, bình tĩnh khi đánh giá một vấn đề mới, đặc biệt là vấn đề sách giáo khoa - yếu tố tác động mạnh tới việc nhận thức và học tập của con trẻ.

doc sach hay soi moi sach Lại xuất hiện truyện cổ tích thô tục
doc sach hay soi moi sach Rùng rợn chi tiết “sọ người” xuất hiện trong truyện cổ tích
doc sach hay soi moi sach “Dị bản” văn hóa hay sự thiếu trách nhiệm?

Huy An