Doanh nghiệp phải quyết liệt tìm giải pháp để biến “nguy thành an”
Dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua; xuất nhập khẩu giảm sút, trong đó xuất khẩu giảm 1,1% và nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 38,2%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 126.000 doanh nghiệp, có tới 86% doanh nghiệp phải hứng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
![]() |
Dịch Covid-19 đã buộc doanh nghiệp phải thay đổi để tìm hướng vượt qua khó khăn |
Trước tình hình đó, Chính phủ đã có các giải pháp về an sinh xã hội với gói 62.000 tỷ đồng, cùng với đó là giải pháp tiền tệ về hạ lãi suất điều hành, giãn, hoãn khoanh nợ; giãn hoãn nộp thuế, tiền thuê đất; các giải pháp thúc đẩy đầu tư công bằng việc đẩy nhanh giải ngân vốn chưa sử dụng năm 2019 và vốn kế hoạch 2020 khoảng 700.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân còn chậm, việc tiếp cận các “gói” hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến việc phục hồi sau đại dịch chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Trước tình hình trên, nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, để phục hồi kinh tế, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng không chỉ có trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạch định chính sách mà còn cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần phải nỗ lực tìm ra các giải pháp hiệu quả, nhằm chủ động thích ứng, vượt qua những thách thức của đại dịch và để biến nguy thành an, biến các thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển mới.
TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế đề xuất, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp, gói hỗ trợ đã được Chính phủ đề ra tương đối đồng bộ và toàn diện, nhất là những giải pháp về hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, phí đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xem xét thực hiện các gói kích thích kinh tế mới phù hợp với điều kiện thực tế. Tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, năng lực chống chịu trước các biến động kinh tế của các doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gắn liền với tăng cường tính minh bạch hóa thị trường...
Phân tích sâu hơn về những tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính nhận định, dịch Covid-19 đã mở ra nhiều xu hướng đầu tư và kinh doanh mới. Thứ nhất là xu hướng đầu tư vào những tài sản an toàn hơn như giá vàng thế giới đã tăng 20%, giá trái phiếu chính phủ của Mỹ cũng tăng. Hai là xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) cũng tăng do dịch Covid-19 khiến nhiều công ty phá sản hoặc giá cổ phiếu giảm sâu, trong khi một số doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt nên sẵn sàng mua lại.
Ngoài ra, theo ông Lực, các xu thế mới nữa là việc cắt giảm chi phí và nhân sự một cách quyết liệt, xu thế cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đầu tư cũng như cơ hội từ dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách làm việc, trở thành động lực để thúc đẩy chuyển đổi số. Hơn nữa, tâm lý và hành vi người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
“Năm 2020 là 1 năm cực kỳ khó khăn, suy thoái rất rõ và năm 2021 chúng tôi vẫn dự báo khả năng phục hồi sẽ tốt hơn. Tôi luôn tâm niệm là đối với mỗi doanh nghiệp của chúng ta, hai yếu tố vô cùng quan trọng chính là con người và đột phá công nghệ”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Thực tế cho thấy, trong suốt thời gian qua, bên cạnh những doanh nghiệp phải dừng chân trước khủng hoảng thì cũng đã có những doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi chiến lược, kịp thời điều chỉnh thị trường để thích ứng. Nhiều doanh nghiệp trước chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng may mặc nhưng khi đối tác, thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, những doanh nghiệp này đã tận dụng cơ sở may móc, nhân công sẵn có để chuyển sang sản xuất khẩu trang, thiết bị bảo hộ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nhờ đó, kết quả kinh doanh của công ty chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Đó là những ví dụ để minh chứng cho việc các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm ra hướng đi mới để biến nguy thành cơ trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
M.L
![]() |
![]() |
![]() |
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025