Doanh nghiệp nhỏ và vừa "khát" vốn
Doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp khó
Công ty TNHH Điện máy Tú Minh Quang (Biên Hòa) cho biết, công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm điện lạnh, kinh doanh khá ổn định, hàng hóa bảo đảm chất lượng, tuy nhiên công ty “chịu chết” với kế hoạch mở rộng kinh doanh bởi không thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Ngân hàng từ chối cho vay vì công ty không đứng tên sở hữu trực tiếp bất cứ tài sản nào.
Đại diện Công ty Màu xanh Thế kỷ chia sẻ, do chuyên xuất khẩu hàng hóa tới siêu thị nước ngoài nên thời gian hoàn tất thanh toán thường dao động 45-60 ngày. Vì vậy, nguồn vốn lưu động của công ty bị nằm rất lâu tại hệ thống phân phối nước ngoài. Do thiếu vốn quay vòng, doanh nghiệp (DN)buộc “gõ cửa” ngân hàng, song… lực bất tòng tâm. “Lý do mà ngân hàng từ chối cho công ty vay vốn là đầu tư không bài bản, không áp dụng công nghệ hiện đại để cải tiến sản phẩm nên không phát triển được. Từ chối như vậy không đúng. Bởi vì để có thể xuất hàng đi các siêu thị hàng đầu ở Hoa Kỳ, công ty phải đầu tư công nghệ tiên tiến của châu Âu, Hoa Kỳ” - vị đại diện phân trần.
![]() |
Khách hàng giao dịch tại BIDV |
Theo giới kinh doanh, nếu nút thắt về vốn được tháo gỡ, rất nhiều DN Việt sẽ “cất cánh” trong hoạt động kinh doanh.
Thông cảm với khó khăn của DN trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ông Đào Gia Hưng - Phó giám đốc Khối DNNVV của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khẳng định: Khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng là khó khăn chung, trong đó có những khó khăn cơ bản: Thiếu tài sản bảo đảm, bao hàm cả tài sản được định giá không đúng như mong đợi của DN; DN có dòng tiền, có bạn hàng nhưng chưa có tài sản tích lũy; sự đòi hỏi của ngân hàng về thời gian kinh doanh dài của DN.
Cả nước hiện có khoảng 700.000 DN, trong đó DNNVV chiếm gần 98%. Các DNNVV đang sử dụng 50% lao động, đóng góp hơn 40% GDP. Dù luôn nỗ lực tăng gia sản xuất kinh doanh, nhưng chỉ có 30-40% DNNVV tiếp cận được vốn ngân hàng. |
Cũng theo ông Đào Gia Hưng, bên cạnh thiếu tài sản bảo đảm, DNNVV không có hệ thống quản lý tài chính và thiếu tính minh bạch. Cách quản lý không chuyên nghiệp khiến ngân hàng khó áp dụng quy trình cho vay thông thường.
Cùng quan điểm, đại diện một số ngân hàng khẳng định, nguyên nhân chính khiến DN không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng chính là DNNVV không có khả năng quản lý dòng tiền, không có kế hoạch tài chính, thiếu thông tin về thị trường…, khiến ngân hàng e ngại khi thẩm định để cho vay vốn.
“Nở rộ” gói tín dụng, doanh nghiệp vẫn “khát” vốn
Nhận rõ khó khăn của cộng đồng DN, đặc biệt là DNNVV, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tín chấp đối với các DN. Nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi và nới lỏng các điều kiện vay vốn. Hiện một số ngân hàng như: ACB, BIDV, ViettinBank, Maritime Bank, VPBank, ABBANK... đều đã có những hạng mục vốn cho các DNNVV vay tín chấp.
Đầu năm 2017, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) tung gói ưu đãi vay “Linh hoạt cấp vốn - Đột phá tăng trưởng” hạn mức 1.500 tỉ đồng. Theo gói ưu đãi này, DN siêu nhỏ tham gia được hưởng lãi suất vay vốn từ 7,5%/năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có gói tín dụng “Đồng hành cùng DN siêu nhỏ” với lãi suất chỉ từ 6,8%/năm áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng xây dựng cơ chế chính sách với 3 hình thức cấp tín dụng cơ bản cho DNVVN bao gồm: cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm; cấp tín dụng có một phần tài sản đảm bảo; cấp tín dụng có tài sản đảm bảo...
Mặc dù khá nhiều ngân hàng tung ra những gói tín dụng ưu đãi vượt trội, thủ tục đơn giản, song DNNVV vẫn không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng với nhiều lý do khác nhau.
Một kết quả đánh giá về tỷ trọng tín dụng dành cho DNNVV nêu rõ, tỷ trọng tín dụng dành cho DNNVV liên tục giảm dần. Cụ thể, năm 2011, tổng dư nợ ở mức 60%, năm 2015 là 51% và dự báo có thể đến năm 2018 tổng dư nợ chỉ đạt mức 41%.
Chính vì không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nên DN tìm đến tín dụng đen nhiều hơn. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam mới đây thông tin, qua khảo sát trên 2.600 DNNVV thì có 70% tìm đến tín dụng đen để đầu tư sản xuất. Đây chính là “điểm nghẽn” cản trở DNNVV phát triển.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trình độ công nghệ của DNNVV Việt Nam khá thấp, tỷ lệ sử dụng công nghệ chỉ đạt 2%, đổi mới công nghệ khoảng 23% trên tổng doanh thu so với 51% của Thái Lan, 31% của Malaysia và 73% của Singapore. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là bài toán khó giải. Hiện nay, số DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng chiếm tỷ lệ cao. Báo cáo thường niên năm 2016 của VCCI chỉ ra, nếu không có các chính sách thiết thực hơn, tình trạng thiếu vốn vẫn tiếp tục là rào cản đối với sự phát triển của DNNVV trong tương lai. |
Thanh Hồ
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4