Doanh nghiệp lộ chiêu trò lừa đảo khuyến mại
Ông Tạ Văn Ẩn, 62 tuổi, ngụ Bình Dương mua mì ăn liền hiệu “Unif bò rau thơm” do Công ty Tribeco Bình Dương sản xuất và nhận được một phiếu trúng thưởng 100 triệu đồng. Nhưng sau khi liên hệ nhận thưởng thì doanh nghiệp không đồng ý chi trả với lý do phiếu trúng thưởng không hợp lệ và đề nghị chỉ “hỗ trợ” 5 triệu đồng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đó không chỉ là sự bức xúc về tính thực hư của chương trình khuyến mại này mà còn ở cách hành xử thiếu tôn trọng của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Nếu lỗi thuộc về người tiêu dùng thì doanh nghiệp có quyền không trả thưởng, thậm chí khởi kiện nếu phiếu do người tiêu dùng làm giả nhưng tại sao lại có việc đề nghị hỗ trợ 5 triệu đồng và đưa ra các lý do từ chối trả thưởng rất vô lý? Có hay chăng ý đồ quỵt thưởng?
Trao đổi với phóng viên PetroTimes, Luật sư Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM nhận định: Trong trường hợp của ông Ẩn, Công ty Tribeco chỉ đúng khi từ chối trả thưởng cho khách hàng với một lý do duy nhất là phiếu trúng thưởng không phải của công ty này phát hành, có nghĩa là phiếu giả.
Ông Ẩn với phiếu trúng thưởng bị từ chối trả thưởng.
Tuy nhiên, từ đầu vụ việc cho đến nay, chưa thấy Công ty Tribeco xác nhận mì Unif bị làm giả hay phiếu trúng thưởng giả mà chỉ nói lập lờ rằng “khó nhận định phiếu trúng thưởng của khách hàng có phải do Tổng công ty Liksin (đơn vị in phiếu trúng thưởng theo đơn đặt hàng của Tribeco) sản xuất hay không?”. Bởi vì theo một nhân viên của Tribeco “công nghệ hiện nay rất dễ để in ra những phiếu trúng thưởng như thế”.
Nói như vậy, phải chăng Tribeco gián tiếp cho rằng chính ông Ấn đã tự đi in một cái phiếu giả để đòi tiền thưởng? Người khách hàng tưởng chừng may mắn nhưng không ngờ lại phải mang vào mình những phiền phức, bức xúc vì chẳng những không được nhận sự may mắn mà còn bỗng dưng bị đối xử như là người có ý đồ gian dối.
Theo Luật sư Phan Thị Việt Thu, thật sự việc in một phiếu trúng thưởng giả hiện nay rất dễ. Tuy nhiên, để phát hiện phiếu trúng thưởng của ông Ẩn có được in cùng các phiếu khác của công ty Tribeco hay không là không khó! Có thể nhờ Viện Khoa học hình sự giám định. Nếu không chứng minh được đây là phiếu giả thì không thể chấp nhận các lý do mà Tribeco đã đưa ra như công ty không có thông báo công khai rộng rãi để người tiêu dùng biết thế nào là phiếu trúng thưởng hợp lệ và phiếu không hợp lệ khi công bố chương trình khuyến mại này.
Bởi vì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả Luật Thương mại đều quy định tổ chức kinh doanh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những thông tin liên quan đến sản phẩm cho người tiêu dùng. Chương trình khuyến mại nhằm để khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm nhiều hơn thì doanh nghiệp càng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về nội dung, điều kiện tham gia khuyến mại… cho người tiêu dùng hiểu rõ.
Các thông tin về chương trình khuyến mại phải được kèm theo sản phẩm như dán trên thùng mì hoặc để trong gói mì như phiếu trúng thưởng.
Về việc này, Công ty Tribeco cho rằng đã công bố trên website của công ty và trên các poster nội dung chương trình khuyến mại này. Tuy nhiên, công ty phải biết rằng, đa số khách hàng của mì ăn liền là những người không có điều kiện để tìm hiểu thông tin trên website. Và những poster của công ty chắc chắn không khi nào đến được những vùng sâu vùng xa như nơi ở của ông Ấn.
“Trong vụ việc này, trách nhiệm của Liksin chỉ là in phiếu trúng thưởng theo đơn đặt hàng của Tribeco, tức phải in đúng quy cách yêu cầu của Tribeco, nếu in sai, Tribeco có quyền không nhận hàng. Về phía Tribeco, phải chịu trách nhiệm từ kế hoạch chương trình khuyến mại cho đến việc kiểm tra phiếu trúng thưởng, để phiếu vào gói mì và trao giải thưởng cho người tiêu dùng.
Như vậy, ở đây chính Tribeco mới là người có trách nhiệm với người tiêu dùng, còn Liksin chỉ chịu trách nhiệm với Tribeco nếu có việc sai sót trong in phiếu. Nhưng cho dù sai sót của ai thì Tribeco cũng vẫn phải trả tiền thưởng cho người có phiếu trúng thưởng nếu không xác định được là phiếu giả. Còn giữa Tribeco và Liksin sẽ tính toán với nhau như thế nào là dựa vào những thỏa thuận hay hợp đồng hai bên đã ký kết”, bà Thu phân tích.
Không riêng gì vụ việc trên, mỗi ngày đều có vô số người tiêu dùng bị mắc bẫy bởi các chương trình khuyến mại lừa đảo, trong đó phổ biến nhất là mua hàng giảm giá nhưng thật chất giá đắt hơn ngoài thị trường, khuyến mại nhưng bán hàng giả, kém chất lượng.
Còn với các khuyến mại trúng thưởng tặng phẩm hoặc tiền thông qua hình thức phiếu may mắn hay rút thăm trúng thưởng thì rất khó kiểm chứng được sự thật bởi khó xác định có ai trúng thưởng hay không nếu doanh nghiệp không công bố người trúng thưởng hoặc công bố “giả”.
Bùng nổ các chương trình khuyến mại, giảm giá
Chị Nguyễn Thị Thương, ngụ quận 8, TP HCM mua hàng khuyến mãi qua truyền hình bức xúc: “Xem quảng cáo trên truyền hình có mua hồng sâm tặng nồi cơm điện và bình ủ giữ nóng rất hấp dẫn. Tôi gọi điện đặt mua nhưng cuối cùng sản phẩm tôi nhận được là chiếc nồi cơm điện bị móp méo còn hồng sâm chất lượng rất tệ, nghi là hàng giả”.
Thấy rao bán bếp gas Rinnai âm nhập khẩu Nhật Bản trên một website bán hàng, giảm giá đến 70% chỉ còn hơn 2 triệu đồng và chỉ giảm giá trong một ngày duy nhất, chị Phan Ngọc Dung, ngụ ở quận 11, TP HCM nhanh chóng gọi điện đặt mua ngay, với ý nghĩ không dùng thì bán lại chắc cũng có lãi. Hớn hở vì mua được chiếc bếp gas mẫu mã đẹp với “giá hời” chị đem khoe với mọi người. Nhưng sau khi xem xét kỹ mới thấy nhiều nghi vấn trên sản phẩm.
Chị gọi đến hãng phân phối chính thức bếp gas Rinnai để kiểm tra thông tin thì được biết mình mua phải hàng giả. Gọi điện theo số điện thoại liên hệ trên website bán hàng thì không liên lạc được. Chiếc bếp gas chị mua giờ đành phải bỏ xó, không dám dùng vì sợ nguy hiểm. Chị cũng không biết làm sao để khiếu nại nên đành “ngậm tăm” coi đây là một bài học cho mình.
Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, Luật pháp đã có quy định khi thực hiện chương trình khuyến mại, doanh nghiệp phải đăng ký với Sở Công Thương về thời gian khuyến mại, sản phẩm, giá trị, hình thức khuyến mại, cách thức trao thưởng… Trong trường hợp không đăng ký mà tự ý thực hiện khuyến mại, hay khuyến mại không đúng nội dung đăng ký, lừa đảo sẽ bị xử phạt.
Tuy nhiên, thực tế rất khó kiểm soát hết việc thực hiện các chương trình khuyến mại của doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp đưa ra các chương trình khuyến mại gần như quanh năm, mua hàng tặng quà hay khuyến mại bán hàng qua mạng internet.
Trước tình trạng bát nháo của các hoạt động khuyến mại hiện nay, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về hàng hóa, doanh nghiệp bán hàng trước khi quyết định mùa hàng khuyến mại để tránh bị lầm.
Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa người tiêu dùng có thể đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương, Sở Công Thương hoặc các trung tâm tư vấn pháp luật nhờ hỗ trợ khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình.
Mai Phương
-
Quý I/2025: Thu ngân sách nhà nước tăng 29%
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/4: Vương quốc Anh dẫn đầu thế giới về điện gió
-
[Infographic] Diễn biến giá vàng tuần qua (14/4-20/4)
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?