Doanh nghiệp "khát" vốn đầu tư

12:03 | 23/12/2022

751 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mặc dù, kinh tế Việt Nam được nhận định đang khởi sắc, song cộng đồng doanh nghiệp (DN) lại phải đối diện với nhiều khó khăn. Đáng chú ý, hàng loạt ngành nghề, DN đã và đang “khát vốn” đầu tư.
Doanh nghiệp

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA): Tắc nguồn vốn tín dụng

Thị trường bất động sản đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Hiện nay, đã có DN bất động sản sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là rủi ro sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản. Bằng chứng là DN bất động sản đang phải thực hiện hàng loạt các biện pháp “đau đớn” để tồn tại. Có DN bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO...). Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước. Do tắc nguồn vốn tín dụng, vốn trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng, nên một số DN bất động sản phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy rủi ro...

Doanh nghiệp

Ông Lê Hữu Nghĩa - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM: Cần sớm nới room tín dụng

Thời gian gần đây cộng đồng DN gặp rất nhiều khó khăn, không ít DN không có đơn hàng, thu hẹp sản xuất. Đáng lưu ý, hiện nay rất nhiều DN đang “khát vốn” để đầu tư cho hoạt động sản xuất các đơn hàng cuối năm, vừa duy trì sản xuất, vừa giữ chân công nhân. Thế nhưng, DN lại không vay được tiền. Để giải quyết bài toán thiếu hụt tài chính, nhiều DN đang vay nóng với lãi suất 3-5%/tháng. Lãi suất vay nóng cao nhưng DN buộc phải vay với thời hạn 3-4 tháng với mong muốn khi ngân hàng nới room tín dụng sẽ tiếp cận vốn ngân hàng rồi trả lại. Do đó, việc nới room tín dụng là cần thiết và cần sớm thực hiện, giúp DN nhanh chóng tiếp cận vốn đầu tư.

Doanh nghiệp

Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital: Mời gọi doanh nghiệp khác cùng đầu tư

DN nên chủ động mời gọi DN khác cùng đầu tư. Có những DN sẵn sàng đầu tư nếu gặp dự án tốt. Ngoài ra, cần tìm kiếm dòng vốn khác bên cạnh vốn ngân hàng thương mại trong nước.

Theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang gặp những khó khăn do ảnh hưởng dây chuyền trên toàn cầu mà không ai dự báo được, như xung đột Nga - Ukraine, giá dầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Tuy nhiên, “sức khỏe” nội tại của nền kinh tế Việt Nam là có. Khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời. Điều kiện vĩ mô của Việt Nam bây giờ đã khác xa so với 10 năm trước.

Doanh nghiệp

Ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: Tính tới các giải pháp đặc biệt

Cơ hội thị trường, đơn hàng cho năm 2023 của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, sắt thép, xi măng... Nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng được kỳ vọng sẽ giải cơn khát vốn cuối năm cho doanh nghiệp

Khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt DN, đặc biệt là DN tư nhân Việt Nam vào tình thế hết sức cấp bách, khó khăn. Khó khăn đó đang ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước. Trong đó, thách thức về việc tiếp cận vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất, nhất là với khu vực DN tư nhân. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của DN đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh.

Với những khó khăn liên quan đến thị trường tài chính, đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý. Trường hợp cần thiết nên tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm “giải nguy” cho DN.

Doanh nghiệp

TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế: Doanh nghiệp phải tự cứu mình

Tổng lượng cung tiền không thiếu nhưng thị trường đang thiếu vốn. Tiền nằm trong túi, nằm chết thì là tiền, còn chuyển ra thị trường mới gọi là vốn. Hiện các DN thấy ruộng khô, thiếu nước, nhưng đâu đó vẫn có hồ nước mênh mông mà không chảy tới ruộng. Tại sao tiền không chuyển thành vốn? Vì có những điểm nghẽn mà tiền không đưa được vào thị trường. Cần xử lý những điểm nghẽn để tiền chuyển thành vốn. Đơn cử, việc giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm, trong khi nguồn vốn đầu tư công có tính lan tỏa rất lớn. Nếu 800.000-900.000 tỉ đồng vốn đầu tư công không xử lý được thì không chuyển thành vốn. Chưa hết, DN bất động sản đang chờ được giải cứu...

Vấn đề quan trọng hiện nay là bơm tiền vào đâu? Bơm vào thị trường đầu cơ sẽ “chết” thêm, còn bơm đúng chỗ rất khó. Thiết nghĩ, DN phải tự cứu mình trước khi chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn, có DN không nhận đơn hàng khi giá đơn hàng xuất khẩu giảm, lãi suất cao, đồng USD lên giá. DN tính đến phương án có thể trợ cấp cho lao động còn tốt hơn nhận đơn hàng nhưng lỗ nặng... Do đó, mỗi DN sẽ có giải pháp phù hợp. Những DN bất động sản lớn có những tồn tại buộc phải tái cấu trúc mới kêu Nhà nước hỗ trợ thêm.

Tiền nằm trong túi, nằm chết là tiền, còn chuyển ra thị trường mới gọi là vốn. Hiện các DN thấy ruộng khô, thiếu nước, nhưng đâu đó vẫn có hồ nước mênh mông mà không chảy tới ruộng. Tại sao tiền không chuyển thành vốn? Vì có những điểm nghẽn mà tiền không đưa được vào thị trường.

Thanh Hồ