Điều ít biết về dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc

13:19 | 24/03/2023

1,875 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có hai ngày đàm phán tại Moscow, vừa kết thúc hôm thứ Ba. Họ đã thảo luận về một dự án cơ sở hạ tầng mới có quy mô lớn, "Power of Siberia 2", để đưa khí đốt đến Trung Quốc thông qua Mông Cổ.
Điều ít biết về dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc
Công trường xây dựng tuyến đường ống Power of Siberia 1

Ông Putin cho biết Nga, Trung Quốc và Mông Cổ đã đạt được "hầu hết các thỏa thuận" về việc hoàn thành đường ống dẫn khí từ Nga sang Trung Quốc và Nga sẽ cung cấp ít nhất 98 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc vào năm 2030. Tuy nhiên, một tuyên bố sau đó của Nga cho biết các chi tiết về đường ống vẫn cần được giải quyết.

Tuyến đường này đã được Nga đề xuất từ vài năm trước, nhưng dự án đã trở nên cấp bách hơn khi Moscow hy vọng Bắc Kinh sẽ thay thế châu Âu trở thành khách hàng chính.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể không cần thêm nguồn cung khí đốt cho đến năm 2030.

Đường ống Power of Siberia 2 là gì?

Đường ống này sẽ dẫn khí đốt với trữ lượng lớn từ bán đảo Yamal phía tây Siberia đến Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới và đang thúc đẩy việc sử dụng khí đốt.

Đường ống dẫn khí "Power of Siberia 1" trải dài 3.000 km từ Siberia đến tận tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc Trung Quốc.

Tuyến đường mới sẽ đi qua miền đông Mông Cổ đến miền bắc Trung Quốc, theo bản đồ của Gazprom (Nga).

Gazprom đã bắt đầu nghiên cứu về tính khả thi của dự án từ năm 2020 và đặt mục tiêu bắt đầu cung cấp khí đốt từ năm 2030.

Đường ống dài 2.600 km có thể vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, có công suất thấp hơn so với đường ống Nord Stream 1 hiện không còn tồn tại, nối Nga với Đức thông qua biển Baltic.

Điều ít biết về dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc

Nga và Trung Quốc nói gì về đường ống này?

Trước chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc, ông Putin gọi đường ống "Power of Siberia" là "thỏa thuận thế kỷ".

Nhưng trong một tuyên bố chung sau cuộc đàm phán, họ nói rằng các bên liên quan "cần đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phê duyệt" dự án. Bên cạnh đó, các tuyên bố của ông Tập được công bố sau các cuộc họp đều không đề cập đến đường ống.

"Chúng tôi không nghĩ rằng thỏa thuận này đã hoàn tất, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết", Wang Yuanda, một nhà phân tích khí đốt Trung Quốc tại công ty tình báo kinh doanh ICIS cho biết.

"Nga có lẽ chỉ chú tâm vào mục tiêu bán khí đốt hơn là nhu cầu của Trung Quốc hiện nay".

Mông Cổ nói gì?

Khi Nga và Trung Quốc gặp Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh hồi tháng 9 năm ngoái, ông Khurelsukh cho biết ông ủng hộ việc xây dựng các đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Nga đến Trung Quốc thông qua Mông Cổ, đồng thời nói thêm rằng các vấn đề về kỹ thuật và kinh tế vẫn cần được nghiên cứu kĩ lưỡng.

Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai chia sẻ với Financial Times hồi tháng 7/2022 rằng, ông hy vọng Nga sẽ bắt đầu xây dựng đường ống trong vòng hai năm, đồng thời nói thêm rằng tuyến đường cuối cùng qua Mông Cổ vẫn chưa được quyết định.

Trung Quốc có thật sự cần thêm khí đốt của Nga?

Gazprom đã cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Power-of-Siberia 1, theo thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD kéo dài 30 năm, được đưa ra vào cuối năm 2019.

Dự kiến cung cấp 22 tỷ m3 khí đốt vào năm 2023, khối lượng sẽ ngày càng tăng trước khi đạt công suất tối đa 38 tỷ m3 vào năm 2027.

Tháng 2 năm ngoái, Bắc Kinh cũng đã đồng ý mua khí đốt từ đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông Nga, sẽ được vận chuyển bằng một đường ống mới qua Biển Nhật Bản đến tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc, dự kiến đạt 10 tỷ m3 mỗi năm từ năm 2026.

Song song đó, Trung Quốc hiện đang đàm phán một đường ống mới - Đường ống dẫn khí đốt D giữa Trung Á-Trung Quốc - để cung cấp 25 tỷ m3 khí đốt mỗi năm trong vòng 30 năm, từ Turkmenistan qua Tajikistan và Kyrgyzstan.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có hợp đồng dài hạn với Qatar, Mỹ và các công ty dầu mỏ lớn trên thế giới để cung cấp LNG. Nước này đã nhập khẩu 63,4 triệu tấn nhiên liệu lạnh này vào năm ngoái.

"Mục tiêu ban đầu của Trung Quốc là nhập khẩu 38 tỷ m3 khí đốt của Nga vào năm 2025. Hiện nay, Nga đã tuyên bố rằng con số này sẽ đạt 98 tỷ mét khối vào năm 2030. Đây là một bước nhảy vọt rất lớn, vì vậy chúng ta nên thận trọng hơn", nhà phân tích Wang nói.

Trung Quốc cũng lo ngại về nguy cơ có thể rơi vào tính thế tương tự như châu Âu, nếu nước này trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt Nga, ông nói thêm.

NATO và EU tăng cường bảo vệ hệ thống đường ống dẫn khí đốt và cơ sở hạ tầng quan trọngNATO và EU tăng cường bảo vệ hệ thống đường ống dẫn khí đốt và cơ sở hạ tầng quan trọng
Bulgaria khởi công xây dựng đường ống dẫn khí đốt nối với SerbiaBulgaria khởi công xây dựng đường ống dẫn khí đốt nối với Serbia
Thêm nghi vấn về thủ phạm tấn công đường ống dẫn khí đốt Nord StreamThêm nghi vấn về thủ phạm tấn công đường ống dẫn khí đốt Nord Stream

Nh.Thạch

AFP