Điện về làng

14:08 | 23/06/2015

619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phải mất tới 5 năm chờ đợi, người dân ở thôn Tý Lở (thôn 6), xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) mới có điện lưới quốc gia.

Lưới điện khang trang đang sẵn sàng được nghiệm thu đóng điện.

5 năm chờ điện!

Cuối cùng rồi 300 cư dân của thôn Tý Lở cũng thở phào nhẹ nhõm vì sắp được cung ứng điện ổn định, có chất lượng. Nỗi bức xúc, trông mong của người dân do chờ đợi được cấp điện quá lâu dần dần cũng đã nguội lạnh và trở nên thờ ơ, không háo hức lắm khi nghe tin có điện.

Trở lại 10 năm trước, toàn huyện Nông Sơn đã phủ điện đến 98% số hộ dân. Riêng xã Quế Lâm được đầu tư cấp điện bằng nguồn vốn dự án RE I, song do hai thôn Cấm La và Tý Lở của xã này ở vùng sâu, vùng xa bị ngăn sông cách núi, vốn đầu tư quá lớn nên dự án không thể đưa điện đến đây được. Tháng 10/2010, UBND tỉnh giao Sở Công Thương làm chủ đầu tư dự án cấp điện hai thôn này bằng vốn ngân sách theo cơ chế đầu tư như các huyện miền núi của 6 tỉnh giáp Tây Nguyên.

Cả 2 công trình cùng khởi công một lần từ cuối năm 2010, với tổng mức vốn đầu tư 4,721 tỷ đồng, suất đầu tư hơn 45 triệu đồng/hộ. Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai dự án, đến cuối năm 2012, chỉ có lưới điện thôn Cấm La hoàn thành đóng điện phục vụ 49 hộ dân trong dịp Tết Quý Tỵ - năm 2013. Còn công trình điện thôn Tý Lở, chỉ với 1,7 km đường dây trung áp, 1,8 km đường dây hạ áp và 1 trạm biến áp, nhưng phải kéo dài mãi đến cuối năm 2014 mới hoàn thành. Cuối năm 2014, lãnh đạo địa phương và Ban quản lý công trình những tưởng sẽ đóng điện phục vụ nhân dân trước Tết Ất Mùi - 2015, tuy nhiên mọi dự tính đành gác lại bởi việc nghiệm thu kỹ thuật lần đầu không đáp ứng yêu cầu. Như vậy là trong 5 năm qua, 74 hộ dân của thôn Tý Lở vẫn hằng ngày, hằng giờ chờ điện!

Ông Trần Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Quế Lâm lý giải về sự chậm trễ của công trình là do việc giải phóng mặt bằng bị cản trở khi thi công đến vườn nhà của ông Lê B. Qua nhiều cuộc họp, huyện, xã và Ban quản lý công trình đã đưa ra phương án nâng dần mức đền bù, song ông B. vẫn cương quyết không chấp nhận. Sự việc kéo dài quá lâu gây bức xúc và làm nản lòng người dân; gây tốn kém, mất thời gian, công sức của Ban quản lý công trình và các cơ quan chức năng ở huyện, xã. Sau đó, phương án cuối cùng là phải thay đổi thiết kế, dịch chuyển đường dây ra khỏi khu vườn ông B. Việc này làm tăng kinh phí đầu tư và gặp khó khăn trong thi công, bởi lưới điện phải đi men theo triền đồi, dễ bị nạn sạt lở đất đá gây hại trong mùa mưa lũ. Vì vậy, đợt nghiệm thu kỹ thuật vừa qua bị trắc trở chủ yếu từ đoạn đường dây dịch chuyển này.

Chuẩn bị nghiệm thu đóng điện

Theo tin từ Công ty Điện lực Quảng Nam, trung tuần tháng 6 này, Ban Quản lý các công trình xây dựng Sở Công Thương cùng với PC Quảng Nam, Điện lực Quế Sơn, B thi công và xã Quế Lâm sẽ tiến hành nghiệm thu kỹ thuật lần hai để đóng điện cho công trình lưới điện thôn Tý Lở.

Điện lực Quế Sơn cũng đã khảo sát, đề xuất PC Quảng Nam cung cấp 74 công tơ đo đếm để bắc điện đến 74 hộ dân. Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Điện lực Quế Sơn cho biết, nếu lần này toàn bộ số hộ dân của thôn Tý Lở có điện thì huyện Nông Sơn sẽ là huyện miền núi đầu tiên ở Quảng Nam đạt 100% số hộ được cung ứng điện lưới quốc gia. Từ nhiều năm qua, người dân trong thôn phải chung tiền, mua sắm dây, tự dựng trụ “bắc nhờ” điện từ xã Quế Phước cách đó khá xa để sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Do lưới điện này được làm tạm bợ, dây điện chắp nối, trụ điện tận dụng từ tre gỗ, đến nay đã ruỗng mục nên chất lượng điện kém và thiếu an toàn.

“Hiện tại vì nhu cầu bức xúc của người dân, anh em công nhân trong Tổ Quản lý điện huyện Nông Sơn đã chuẩn bị tư thế để sẵn sàng nhận nhiệm vụ lắp đặt công tơ, làm thủ tục hợp đồng mua bán điện, hướng dẫn sử dụng điện an toàn và tổ chức đóng điện cho dân nếu đợt nghiệm thu kỹ thuật lưới điện lần này đạt yêu cầu theo quy định của ngành điện” – ông Minh nói.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Ban quản lý dự án công nghiệp tỉnh Quảng Nam, là người trực tiếp triển khai dự án cấp điện cho thôn Tý Lở, than phiền: Công trình này kéo dài thời gian, nhiều lần điều chỉnh xuất tuyến, đã gây thiệt hại không nhỏ cho các bên, gây bức xúc và giảm sút niềm tin trong dân. Ông Võ Văn Thiên, một nông dân thôn Tý Lở tỏ ra bực bội: “UBND tỉnh, ngành Điện quan tâm đến đời sống của dân nên mới bỏ tiền đầu tư lưới điện, người dân không phải tốn đồng nào. Thế mà vì một chút lợi ích cá nhân, công trình phải kéo dài gần 5 năm, bắt người dân chúng tôi phải mòn mỏi chờ điện. Tốn kém, hao hụt nhiều rồi mà đến nay vẫn phải tiếp tục chờ!”.

Theo tính toán của ông Nguyễn Đức Minh, dự án cấp điện cho thôn 6 xã Quế Lâm tuy hiệu quả kinh tế không lớn, bởi nếu lấy toàn bộ tiền bán điện hàng tháng để hoàn vốn thì phải mất hàng chục năm mới thu hồi được vốn đầu tư đã bỏ ra, chưa kể công cán, chi phí quản lý vận hành, đầu tư sửa chữa và kinh doanh điện. “Thế nhưng công trình có ý nghĩa chính trị rất lớn, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của xã Quế Lâm và huyện Nông Sơn; đáp ứng được quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương” – ông Minh nói.

Nhị Triều - Văn Thiện

(Năng lượng Mới)