Đề án tái cơ cấu nền kinh tế: Những việc cần làm ngay

07:00 | 21/06/2013

791 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây là nội dung Chỉ thị số 11/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 19/6/2013.

Việt Nam đang rất cần một mô hình tăng trưởng mới để phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn.

Theo đó, Chỉ thị nêu rõ một số nhiệm vụ trong giai đoạn 2013 – 2015 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020.

Tại Chỉ thị trên, Thủ tướng yêu cầu: Ngay trong quý II/2013, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu của ngành, lĩnh vực và địa phương. Đến quý IV/2013, các cơ quan trên và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa phương, tập đoàn, tổng công ty.

Trong quý III/2013, Bộ Tư pháp chủ trì hoàn thành dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Cũng trong quý III/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì hoàn thành quy trình hợp lý, liên thông giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư – xây dựng từ chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, thẩm định và chấp thuận dự án đầu tư, thỏa thuận về giao đất, cho thuê đất,… đến cấp giấy phép xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thành dự thảo Nghị định về quản lý, giám sát và đánh giá các tập đoàn và tổng công ty nhà nước (thay thế Nghị định 101/2009/NĐ-CP).

Đến quý IV/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành dự thảo Đề án thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp và Đề án tách chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước.

Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan hoàn thành dự thảo một số luật, nghị định như: Luật quy hoạch; Luật đầu tư công; Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Luật đầu tư (sửa đổi); Luật đấu thầu; Luật phá sản; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung một số điều); Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi, bổ sung một số điều); Nghị định về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định về đầu tư trung hạn…

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thiện Luật doanh nghiệp (sửa đổi) trước Quý II/2014 để trình Chính phủ, Quốc hội.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hàng quý, tổ chức giao ban kiểm điểm tình hình thực hiện, xây dựng báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong ngành, lĩnh vực và địa phương thuộc thẩm quyền quản lý, gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Chương trình công tác của Chính phủ; phối hợp theo dõi, giám sát đảm bảo các Đề án, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được soạn thảo đúng tiến độ; chủ trì thẩm tra, thẩm định, đảm bảo nội dung dự thảo đề án, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp tái cơ cấu kinh tế trong Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan khác để thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, tình hình và kết quả tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhất là những biện pháp, cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu, điều phối, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế của các ngành, lĩnh vực, địa phương, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước; kịp thời đề xuất với các Bộ, cơ quan, địa phương hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh; định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đồng thời, nghiên cứu, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Được biết, tại kỳ hợp thứ V, Quốc hội khóa XIII, Báo cáo trước Quốc hội về tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Ngày 19/2, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế và sau đó đã có hàng loạt các Quyết định, Nghị định ra đời như Nghị định số 53 về việc thành lập công ty quản lý nợ tài sản, phê duyệt Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trọng tâm là các Tập đoàn tổng công ty nhà nước…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện đang triển khai khá chậm.

Vũ Lâm