Đầu tư phát triển Trung du và Miền núi phía Bắc: Gợi mở từ chuyên gia, các nhà quản lý

19:05 | 20/04/2021

692 lượt xem
|
Các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý được gợi mở đã góp ý thiết thực giúp vùng Trung du và Miền núi phía bắc có thêm những động lực phát triển.
dfsf
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại Diễn đàn Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Tại Diễn đàn Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc do Ban Kinh tế Trung Ương, UBND tỉnh Phú Thọ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, phiên II sẽ là các ý kiến được gợi mở từ phía các chuyên gia để có thêm những góp ý thiết thực giúp vùng Trung du và Miền núi phía bắc có thêm những động lực phát triển.

Phiên II có sự tham gia của các chuyện gia, diễn giả: Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương; TS Dương Văn Chung, Trưởng phòng chiến lược, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT; Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT); Ông Lê Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương; Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch; Ông Nguyễn Khoa Đức Anh - Phó giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp - kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp tài chính khách hàng VietinBank.

fds
Diễn đàn thu hút đông đảo khách mời tham dự.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Cần hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp vùng

Chức năng chính của ngành thống kê là phản ánh trung thực hiện trạng kinh tế- xã hội, từ đó có thể giám sát, đánh giá và đề xuất những giải pháp, đặc biệt là chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình phát triển kinh tế từ vĩ mô đến vi mô. Hiện nay, các chỉ số từng tỉnh, thành phố đã phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, được Báo cáo kinh tế- xã hội cấp tỉnh, cấp Trung ương phản ánh. Tuy nhiên, các hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện đã được thực hiện, còn các vùng thì thế nào? Đây vẫn là câu hỏi đang được đặt ra và cần có giải pháp.

Theo số liệu, hiện nay, quy mô GDP của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc với 14 tỉnh trong năm 2020 đã đạt 8% cả nước và có mức tăng 1,7 lần so với năm 2005. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của Vùng cũng đã thể hiện qua việc tính toán các chỉ tiêu của tỉnh. Tuy nhiên, số liệu từ các tỉnh cũng phải được khái quát từ các đơn vị nhỏ nhất, mà theo hệ thống tài khoản quốc gia gọi là đơn vị sản xuất theo địa bàn và phân đến mức thấp nhất.

Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được những chỉ số này từ những chỉ số sẵn có được lấy từ những ngành cấp 3 đến những ngành cấp 7, và ở địa bàn thì đang đến cấp xã”, bà Hương cho biết.

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có nhiều sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Theo số liệu của Vùng, cây ăn trái, đặc biệt là cam giai đoạn 2016-2020 chiếm hơn 20% tổng sản lượng cam cả nước; bưởi chiếm 29,3% và chè chiếm tới 77%. Đây chính là những lợi thế về sản phẩm mà chúng ta đã làm chủ được công nghệ và chuẩn bị cho giai đoạn chế biến sâu.

Song, điều quan trọng là vẫn phải gọi tên thương hiệu của ngành, của vùng, sau đó mới vươn đến thương hiệu quốc gia và quốc tế. Trong vấn đề này, cần phải nói đến câu chuyện liên kết vùng.

Chúng tôi đã từng làm việc với các chuyên gia của Nhật để thiết lập liên vùng với các hệ số kĩ thuật sẽ chỉ ra đầu tư vào ngành nào có lợi cho cả nước. Người Nhật cũng đã dùng những bảng định mức kĩ thuật hay gọi là bản cân đối liên ngành, nhưng trong quản lý kinh tế của chúng ta ở cấp thấp hơn vẫn còn xa lạ với khái niệm này. Đây là những chỉ tiêu để giúp các ngành, các vùng có thể đi sâu hơn, đạt đến mức độ liên quốc gia, phục vụ cho phát triển sản phẩm và thương hiệu”, Bà Hương phân tích.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ: Sớm thông qua đề án hoàn thiện thể chế liên kết vùng

Thực hiện Luật Đầu tư công, các tỉnh vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đã tập trung xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công hàng năm. Nhìn chung, các chương trình, dự án được đưa vào kế hoạch đầu tư công phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, vùng và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội toàn vùng.

Việc phân bổ vốn đầu tư công thực hiện đúng quy định tại Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành; không để phát sinh tình trạng nợ đọng lớn về xây dựng cơ bản. Đối với đầu tư của doanh nghiệp, đã quán triệt chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các dự án lớn, công nghệ hiện đại, có sức lan tỏa... Hiện đã ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và danh mục các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn...

Kết quả, giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư công cả nước được phân bổ một cách hợp lý nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc được phân bổ 24% tổng vốn đầu tư công cả nước. Đây là mức phân bổ khá cao, chỉ sau khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (27% tổng vốn đầu tư công).

Đầu tư công đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Vùng giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; đã thu hút được một số nhà đầu tư vào địa bàn Vùng; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đang được đầu tư mới và cải tạo, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong Vùng được nâng lên.

Nhìn chung, kinh tế Vùng đã những bước thành công đáng kể. Quy mô GRDP tiếp tục tăng từ mức 1.603.328,1 tỷ đồng giai đoạn 2011-2015 lên mức 2.868.178,9 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020. Nếu như giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng GRDP chỉ đạt 7,9%/năm, thì giai đoạn 2016-2020 đã đạt 9%/năm (cao hơn mức bình quân của cả nước và cao nhất trong các vùng).

“Thời gian sắp tới, để tận dụng tối đa các tác động lan tỏa của đầu tư công, chúng tôi cho rằng, các địa phương trong Vùng cần tập trung vào rà soát, đặt các nội dung ưu tiên, chọn dự án trọng điểm, thực hiện các dự án đó tác động lan tỏa đến các ngành khác nhau, lan tỏa mở đường thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân” - bà Minh cho biết.

Theo bà Minh khi không có chiến lược cụ thể phát triển đầu tư công, sẽ gây nhiều khó khăn cho địa phương; nhiều trường hợp đầu tư công lại thành thành rào cản nếu không có giải pháp tận dụng hiệu quả đầu tư công mang lại.

Bộ KHĐT, CIEM đã được giao nhiệm vụ quan trọng xây dựng đề án hoàn thiện thể chế liên kết vùng. Đề án này đã được Chính phủ thẩm định rà soát, đang lấy ý kiến lần cuối của các cơ quan ban ngành, các địa phương. Chúng tôi hi vọng các địa phương, các bộ ban ngành sẽ có sự xem xét, rà soát nghiêm túc, có ý kiến giải pháp để hình thành thể chế kinh tế có thể liên kết các vùng, trong nội vùng, liên vùng.

Nếu không có thể chế liên kết các vùng, nội vùng, liên vùng thì tất cả các vấn đề liên quan đến phối hợp, phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng vùng với nhau sẽ rất khó khăn trong triển khai do thiếu cơ sở pháp lý.

Theo bà Minh, Đề án này hy vọng trong năm nay sẽ được phê duyệt và thực hiện sớm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch: Giải pháp để liên kết du lịch vùng đi vào chiều sâu

fs

Trong chiến lược phát triển du lịch 2020, Bộ cũng đã nhấn mạnh tập trung các vấn đề về đổi mới hoạt động phối hợp liên ngành liên vùng nâng cao hiệu quả ban chỉ đạo nhà nước trong phát triển du lịch liên kết vùng.

Trong thời gian qua chúng ta đã có rất nhiều mối liên kết vùng trong nội dung ví dụ như vùng trung du miền núi phía Bắc, nội vùng chúng ta đã có những mối liên kết như 8 tỉnh miền Bắc mở rộng, kết hợp giữa Lào Cai- Yên Bái - Phú Thọ... Những hoạt động liên kết này đã thể hiện qua một số nội dung như chương trình xúc tiến thương mại chung, tổ chức hội chợ trung tâm…

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn hạn chế trong việc liên kết vùng: Về cơ chế liên kết, hiện nay sự liên kết giữa các tỉnh chủ yếu theo cam kết chứ không có một quy định cụ thể, trách nhiệm rõ ràng giữa các bên cũng như quyền lợi của các bên nên nó chỉ mang tính hình thức nhiều hơn thứ hai liên kết chung nhưng ít các hoạt động chung vì ngân sách của mỗi địa phương khác nhau, không có một quỹ chung cho các hoạt động chung.

Do đó mỗi địa phương chỉ có một khả năng khác nhau, tham gia liên kết với mức độ khác nhau, sự xúc tiến không đồng đều. Bên cạnh đó, khi tham gia các liên kết này, các địa phương không thấy rõ được hiệu quả kinh tế xã hội giữa các mối liên kết, nên các tỉnh vẫn chưa có sự mặn mà trong liên kết vùng phát triển du lịch. Vấn đề là làm thế nào để các địa phương thấy rằng khi liên kết sẽ có sẽ ưu thế hơn rất nhiều so với chỉ là một mình, mới có thể thực hiện mục tiêu trên.

Bên cạnh đó, về vai trò điều phối về du lịch của các cơ quan Trung ương, bà Hương cho biết đã có những hoạt động, những lễ phát động, những hội nghị tổng kết liên kết vùng nhưng vai trò của nhà nước vẫn còn hạn chế.

Liên kết vùng trong phát triển du lịch vẫn phụ thuộc vào hai vấn đề là chức năng, quyền lợi giữa các bên và kinh phí. Để cho những hoạt động liên kết trong thời gian tới đi vào thực chất có chiều sâu thì chúng tôi có một số ý kiến đề suất như sau:

Thứ nhất xây dựng thể chế hiệu quả trách nhiệm giữa các bên, như chỉ đạo, quỹ chung du lịch vùng, hoặc có những phương hướng, những dự án chung, bộ máy quản lý chung.

Thứ hai, việc liên kết này phải năm bắt được về phát triển hạ tầng giao thông như các tuyến đường cao tốc, sân bay. Phải dễ dàng di chuyển từ địa phương này sang địa phương kia, những điểm nhấn động lực thu hút sự phát triển của các địa phương xung quanh, các điểm du lịch vệ tinh.

Thứ ba, liên kết phát triển sản phẩm du lịch thì phải chọn được đặc thù nhất của các sản phẩm từng địa phương. Chúng tôi biết rằng vùng trung du miền núi phía Bắc có thế mạnh đó là văn hóa giữa các dân tộc anh em, nhưng nếu chúng ta không biết chọn lựa thì rất dễ bị trùng lặp.

Phải làm thế nào có quy hoạch chung, định hướng tỉnh nào phát triển sản phẩm gì để tránh chồng chéo và phải có sự liên kết trong phát triển sản phẩm, ngoài sản phẩm về văn hóa lịch sử tâm linh thì phải có các sản phẩm nghỉ dưỡng để thu được lượng khách nhiều hơn, kỳ nghỉ dài hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Thứ tư liên kết trong quy hoạch và đầu tư phát triển. Chúng ta có 12 khu du lịch được đánh giá là khu du lịch quốc gia phải liên kết thế nào để phát triển đồng bộ. Đồng thời phát triển các khu du lịch vệ tinh, vừa có điểm nhấn vừa có du lịch.

Thứ năm ở các tỉnh này có điểm chung là có không có nghĩa là các tỉnh nào cũng thành lập ra các trường du lịch mà chúng ta chỉ có những điểm du lịch để liên kết và tiết kiệm được nguồn lực hơn là chúng ta dành xài.

cuối cùng là liên kết trong quảng bá du lịch chúng tôi đã có những hoạt động nhưng cần nhìn mạnh tập trung vào chuyển đổi số, marketing, dùng các phần mềm để quảng bá du lịch nhiều địa phương, tiết kiệm được kinh phí hiệu quả hơn cho công tác liên kết.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương: Cần quan tâm hơn nữa về hạ tầng cho các địa phương

Định hướng đầu tư trong quy hoạch phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc cần bám sát Quy hoạch xây dựng Vùng được phê duyệt tại Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 21/6/2013 và Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng tại Quyết định số 7157/QĐ-BCT ngày 26/11/2012 của Bộ Công Thương. Cụ thể:

Thứ nhất, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp Vùng phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển công nghiệp cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kính tế trọng điểm Bắc Bộ. Đặc biệt, cần đưa ngành công nghiệp Vùng trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội khu vực phía Bắc của Tổ quốc trên cơ sở lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp.

Thứ hai, phát huy lợi thế của từng tỉnh trong vùng, hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở phân bố hợp lý về không gian lãnh thổ, cơ cấu các ngành công nghiệp; phân công hợp tác trong phát triển công nghiệp để đảm bảo tính liên kết vùng.

Thứ ba, do Vùng có vị trí quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia, việc thu hút đầu tư cần kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và phát triển bền vững.

Về phân bổ không gian thu hút đầu tư, cần định hướng phát triển công nghiệp có trình độ công nghệ cao, cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử tin học, công nghiệp hỗ trợ đối với vùng gần Hà Nội như Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ có cơ sở hạ tầng về giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, lưới điện phát triển, có thế mạnh hơn trong thu hút các dự án đầu tư công nghiệp có quy mô vừa và lớn.

Ngoài ra, cần tập trung sản xuất, chế biến chè cho xuất khẩu và thị trường nội địa tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ và Thái Nguyên có thế mạnh về chè; đồng thời đẩy mạnh sản xuất chế biến giấy (Phú Thọ), chế biến chiếu tre xuất khẩu (Cao Bằng), chế biến ván gỗ ép (Bắc Kạn).

Hiện nay, các tỉnh vẫn còn hạn chế về liên kết vùng vì nhiều yếu tố khác nhau như quy chế, quy định hay hạ tầng giao thông cản trở, khó khăn. Để thu hút đầu tư vào các ngành, cần có định hướng cụ thể với từng ngành. Trong đó, với công nghiệp khai thác và khoáng sản, cần đầu tư cho công tác thăm dò nâng cấp và mở rộng trữ lượng nhằm đảm bảo tài nguyên đủ tin cậy cho hoạt động của các dự án khai thác các loại khoáng sản trong Vùng.

Về liên kết vùng, nên tập trung các nguồn lực vào các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, công nghệ sạch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Vùng; Loại bỏ các dây chuyền, thiết bị máy móc tiêu tốn nhiều năng lượng, đặc biệt sẽ loại bỏ các dây chuyền sản xuất nhỏ, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp.

Với các vấn đề trên, đề nghị lãnh đạo các tỉnh, Trung ương sớm hoàn thành các kế hoạch và quan tâm hơn nữa về hạ tầng cho các địa phương, để phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có cả du lịch nông nghiệp và công nghiệp.

Ông Nguyễn Khoa Đức Anh - Phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm phát triển giải pháp tài chính khách hàng VietinBank: Đẩy mạnh cấp tín dụng cho các doanh nghiệp

Chúng tôi xác định Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc là một vùng kinh tế lớn. Riêng về việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn, dư nợ tín dụng đã cấp lên tới 110.000 tỷ đồng. Để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn, VietinBank xác định 4 giải pháp cần tập trung:

Thứ nhất là hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp bằng chi phí tín dụng, sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận tiện nhất, ưu đãi nhất; Tích cực triển khai các chương trình tín dụng cho các ngành ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Cung ứng các kênh thanh toán với phí dịch vụ hết sức ưu đãi, liên tục cải tiến quy trình, chuẩn hóa thủ tục để khách hàng có thể tiếp cận một cách nhanh nhất.

Thứ hai là lấy cơ sở hạ tầng làm đột phá; lấy công nghiệp, nông nghiệp, du lịch làm nền tảng. VietinBank đã đẩy mạnh các giải pháp, đặc biệt là giải pháp đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logictics. VietinBank cũng đã đầu tư vào các dự án giao thông huyết mạch của khu vực.

Thứ ba là số hóa và cung ứng các giải pháp hiện đại giúp chi phí giao dịch của doanh nghiệp được tối ưu, thuận tiện.

cuối cùng là các hoạt động về thanh toán, chúng tôi cũng đã tập trung về các thanh toán giữa doanh nghiệp và nhà nước, giữa các doanh nghiệp thông qua các sản phẩm liên quan đến chính quyền điện tử, kinh tế cửa khẩu...

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT: Các sản phẩm cần gắn liền với truy xuất nguồn gốc

Chúng ta sắp có Nghị quyết tam nông mới. Đây được xem là tiền đề quan trọng để khu vực nông nghiệp phát triển.

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc sau 7 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đã có tốc độ phát triển tăng lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, để khu vực này tiếp tục phát triển thế mạnh hơn nữa thì trong thời gian tới, các tỉnh trên địa bàn vùng cần tập trung sâu các sản phẩm vốn có lợi thế như vải thiều lục Ngạn, Nhãn Hưng Yên, cam sành Tuyên Quang…

Các sản phẩm cần gắn liền với truy xuất nguồn gốc, gắn với các sản phẩm phái sinh để nâng cao hiệu quả.

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban, Ban kinh tế TƯ cho biết, trong khoảng thời gian gần bốn tiếng diễn đàn của chúng ta đã nghe chín bài tham luận. Các bài phát biểu đều nhấn mạnh về vai trò vị trí tầm quan trọng đặc biệt của vùng trung du và miền núi bắc bộ đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đầu tư phát triển Trung du và Miền núi phía Bắc: Gợi mở từ chuyên gia, các nhà quản lý

Và để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng thu hẹp khoảng cách phát triển của vùng so với vùng khác. Như đồng chí Hầu A Lềnh đã nói là biến một "cô gái đang ngủ trở thành hoa hậu", một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường thu hút vốn đầu tư vào vùng thu hút các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế đầu tư vào vùng và các ý kiến phát biểu đều thể hiện sự sẵn sàng mở cửa chào đón các nhà đầu tư.

Và để thực hiện được điều đó thì có 4 điểm cần chú trọng. Điểm thứ nhất đó là thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển vùng và từng địa phương ở trong vùng với tư duy chủ đạo về vùng.

Điểm thứ hai là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng.

Điểm thứ ba là có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư ứng dụng học công nghệ đào tạo nguồn nhân lực, liên kết phát triển vùng, đặc biệt là cơ chế thể chế điều tiết phát triển vùng, và phát triển những ngành lĩnh vực vừa đảm bảo môi trường sinh thái vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực tài chính trong đó có nguồn lực đầu tư công nguồn lực đất đai nước và rừng.

điểm thứ tư là nâng cao năng lực cạnh tranh trong vùng thông qua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cải cách thủ tục hành chính nâng cao vai trò phát triển của hội doanh nghiệp.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp