Dầu Nga đi về phía Đông, dầu thô Na Uy chiếm lĩnh thị trường châu Âu

08:24 | 20/04/2023

1,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo dữ liệu từ Refinitiv Eikon và giới thương nhân, dầu thô của Na Uy, khai thác từ mỏ khổng lồ Johan Sverdrup, đã “thắng đậm” trong cuộc đua thay thế dầu của Nga trong những nhà máy lọc dầu châu Âu.
Dầu Nga đi về phía Đông, dầu thô Na Uy chiếm lĩnh thị trường châu Âu

Dầu thô Johan Sverdrup ra mắt thị trường vào năm 2019. Đây là một sản phẩm tương đối mới so với dầu Urals của Nga.

Ban đầu, dầu Na Uy được bán chủ yếu sang châu Á. Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu dầu xuất xứ Nga qua đường biển vào EU (có hiệu lực từ tháng 12) đã mở đường cho dầu Na Uy vào thị trường châu Âu. Tại đây, dầu thô chua đã trở thành nguyên liệu chính cho những nhà máy lọc dầu ở nhiều nước như Đức, Ba Lan và Phần Lan.

Giờ đây, dầu Nga phải trả tiền để đi những chuyến đi dài đến châu Á, để giao cho người mua của Ấn Độ và Trung Quốc, còn dầu Johan Sverdrup thì trở thành một trong những loại dầu thô được săn lùng nhiều nhất ở phía tây bắc châu Âu.

Cả Johan Sverdrup và Urals đều là dầu thô có hàm lượng axit trung bình với khả năng tinh chế ra tỷ lệ diesel cao. Hơn nữa, chất lượng của dầu Na Uy gần như ngang với dầu Nga, còn hàm lượng lưu huỳnh thì thấp hơn.

Các nhà máy lọc dầu châu Âu cũng đang nhập khẩu nhiều loại khác nhau từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm dầu thô ngọt từ Kazakhstan, Azerbaijan và châu Phi, để sản xuất naphtha và xăng.

Ông Viktor Katona – chuyên gia phân tích dầu thô cấp cao tại công ty tư vấn thị trường Kpler cho biết: “Dầu Johan Sverdrup đã trở thành một yếu tố quan trọng trong ngành công nghiệp dầu mỏ châu Âu. Đây sẽ là chuẩn loại dầu chua trung bình mới, thay thế vị trí của dầu Urals”.

Theo dữ liệu từ Refinitiv Eikon, trong tháng 3, Ba Lan đã nhập khẩu hơn 8 triệu thùng dầu Johan Sverdrup qua cảng Gdansk – một mức cao kỷ lục.

Ba Lan đã ngừng thu nhận dầu Nga từ tháng 2. Vào thời điểm đấy, nhà máy lọc dầu lớn của gã khổng lồ PKN Orlen đã chấm dứt hợp đồng với Tatneft. Đây là hợp đồng mua dầu Nga cuối cùng của Ba Lan.

Nhà máy lọc dầu Mazeikiu của PKN Orlen (ở Litva) cũng đang tăng cường mua dầu Johan Sverdrup. Trong tháng 4 sẽ có ít nhất hai chuyến hàng, với tổng sản lượng là 1,2 triệu thùng.

Cũng theo dữ liệu từ Refinitiv Eikon, loại dầu này hiện chiếm ít nhất một nửa sản lượng dầu nhập khẩu hàng tháng của Phần Lan.

Giới thương nhân cho biết, nhu cầu cao đã giúp hỗ trợ chênh lệch giá dầu Johan Sverdrup khi giao hàng theo hình thức FOB. Chưa kể, vị trí của dầu Na Uy đã được củng cố ngay sau khi EU ban hành lệnh cấm vận dầu Urals hàng hải. Thậm chí, trong một giai đoạn của tháng 2, dầu Na Uy còn đạt đỉnh cao hơn cả dầu Brent.

Khai thác hạn chế

Gã không lồ Equinor của Na Uy hiện chỉ có thể khai thác 720.000 thùng Johan Sverdrup mỗi ngày. Nhưng tập đoàn cho biết sẽ nghiên cứu khả năng tăng sản lượng lên 755.000 thùng/ngày.

Trong khi châu Âu tăng cường mua dầu của Equinor, thì các chuyến hàng dầu Johan Sverdrup đi đến châu Á đã giảm mạnh.

Theo dữ liệu từ Refinitiv Eikon, vào năm 2021, nhu cầu dầu Na Uy của châu Á đã vượt hơn 100 triệu thùng. Nhưng trong đầu năm nay, chỉ còn 2 triệu thùng được vận chuyển đi phương Đông.

Mặt khác, dầu thô Urals đang chiếm ưu thế ở châu Á, với doanh số bán hàng tăng gấp 10 lần vào năm 2022 và cao hơn nữa trong năm nay.

Dữ liệu cho thấy, doanh số bán dầu Urals ở châu Á năm nay đã đạt một nửa của năm trước, dự báo trước một doanh số bán hàng kỷ lục vào cuối năm 2023.

Một phần dầu thô của Nga cũng tiếp tục đến châu Âu: EU đã miễn trừ cho Bulgaria để quốc gia này tiếp tục nhập khẩu dầu thô Urals. Còn Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc thì tiếp tục nhập khẩu thông qua đường ống dẫn Druzhba.

Giá dầu thế giới sẽ tăng tới đâu?Giá dầu thế giới sẽ tăng tới đâu?
Liệu Mỹ có mua lại dầu dự trữ chiến lược trong năm nay?Liệu Mỹ có mua lại dầu dự trữ chiến lược trong năm nay?
Châu Á đổ xô mua dầu giao ngay sau động thái của OPEC+Châu Á đổ xô mua dầu giao ngay sau động thái của OPEC+

Ngọc Duyên

AFP