Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Cay đắng nhất là không có khán giả!
Năng lượng mới 371
Xem phim chính luận ở đâu?!
PV: Chưa khi nào phim nghệ thuật và phim thị trường lại là bài toán nan giải như hiện tại. Bởi thực tế chứng minh nhiều tác phẩm điện ảnh dù được khen, được đánh giá là “có nghề” nhưng lại không tìm được khán giả. Ngược lại, công chúng thì đang bị “bội thực” với những thước phim giải trí nhàn nhạt. Vậy cái khó của người làm phim ở đây là gì, thưa đạo diễn?
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Mấu chốt cho câu trả lời nằm ở chỗ phải hiểu được khán giả. Bất cứ một sản phẩm nào ra đời cũng cần có người thưởng thức. Nhưng một sự thật là “gu” thưởng thức điện ảnh của khán giả Việt quả thực rất khó nắm bắt. Cứ một dạo họ thích phim tâm lý tình cảm, một dạo thích phim hành động, rồi lại chuyển sang phim ma… những xu hướng cứ rộ lên rồi lại rơi vào thoái trào nhanh chóng. Nhưng tôi nghĩ đó là xu thế tất yếu, nhiệm vụ của người “nấu ăn” giỏi là phải đáp ứng nhanh những thị hiếu đó. Nghĩa là làm ra một sản phẩm là phải có người thưởng thức, không tìm được người thưởng thức thì phim có hay đến mấy cũng là thất bại rồi.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần
Thêm nữa đừng nhìn khán giả thích dòng phim giải trí, dòng phim mà nhiều người đã khắt khe gọi đó là “rẻ tiền” mà đánh giá khán giả dễ dãi. Tôi nghĩ, “gu” thưởng thức điện ảnh đã tăng lên, chỉ có điều thiếu định hướng. Khán giả bây giờ có điều kiện tiếp cận nhiều với các nền điện ảnh phát triển trên thế giới, thưởng thức những tác phẩm kinh điển của họ… thì khi về với những tác phẩm sản xuất trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế ở Việt Nam đương nhiên là cũng khó có sự cảm thông.
Trong khi đó, thông thường những bộ phim chính luận, hay đi theo thiên hướng nghệ thuật của ta vẫn kiểu tuyên huấn, giáo điều… Khán giả khó tiếp nhận nghệ thuật theo cách như vậy được. Nên tôi cho rằng, đó cũng là hạn chế để những bộ phim này đến được với công chúng.
PV: Có phải vì thế mà những bộ phim mang tính chính luận của ta phần lớn vẫn là phim truyền hình chứ ít nhà làm phim nào dám làm thể loại điện ảnh để đem ra rạp bán vé?
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Có thể thấy hơn chục năm trở lại đây nhờ sự phát triển của hệ thống các rạp chiếu phim đã thúc đẩy khán giả quay trở lại với điện ảnh nhiều hơn. Khán giả bắt đầu đi xem phim đông hơn, đồng thời kéo theo sự thay đổi trong quan điểm thẩm mỹ với phim.
Thế nhưng rõ ràng sự phát triển của các rạp phim có phần ô hội, không phân luồng được đối tượng phim. Cứ thử khảo sát khán giả ở rạp là đối tượng như thế nào? Hiện tại “gu” họ thích là thể loại nào? Rõ ràng, lứa khán giả đến rạp chủ yếu là đối tượng “tuổi teen”, là những người trẻ. Nên để lựa chọn một bộ phim chính luận là ít, thành thử nó phải bị lép vế.
Làm thế nào để các rạp chiếu phim có tỷ lệ phim nghệ thuật, phim những vấn đề xã hội, chính trị cao hơn? Đó còn là cả chặng đường dài. Nhưng trước mắt, tôi thấy việc nên làm là cần phân luồng hệ thống rạp. Rạp nào chiếu phim giải trí, rạp nào chiếu phim chính luận, phim lịch sử… Chứ nói thật là có nhiều khán giả muốn xem phim chính luận cũng chẳng biết xem ở đâu?!
Còn về nhà sản xuất phim, cần điều tra ý kiến khán giả. Ở nước ngoài người ta làm việc này lâu rồi, thế nên nền điện ảnh của họ mới là nền điện ảnh phát triển. Cơ cấu tổ chức trong một hãng phim thì nhiệm vụ của người làm công tác thị trường là quan trọng. Họ sẽ là người trực tiếp đứng ra điều tra thị hiếu khán giả. Hiểu được rằng phim này nên làm với ai, diễn xuất diễn viên nào, như thế nào để làm phim hiệu quả nhất? Thế nhưng ở Việt Nam thì không có điều đó, thành thử khó mong một điều gì khả quan hơn.
Nghệ thuật hay thương mại?
PV: Điều kiện làm điện ảnh của chúng ta còn thiếu thốn nhưng nó không hẳn là lý do để biện chứng những sản phẩm khó được đón nhận, thưa đạo diễn?
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Đúng vậy! Cái khó khăn của sản xuất phim trong điện ảnh Việt đã là cố hữu rồi. Tôi vẫn nói, chúng ta làm phim theo kiểu mậu dịch. Bây giờ làm gì có nước nào làm phim như kiểu của Việt Nam là khi cần bối cảnh thì phải ra ngoài đường tìm xem cảnh nào phù hợp, rồi mượn nhà dân quay trong khi đó ở các nước khác họ có trường quay, đáp ứng đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu. Đối với thể loại phim lịch sử, ngay tại trường quay đó họ đã có chuyên gia tư vấn rằng: Thời này thì ăn mặc thế nào, thời đó thì con người ra sao…? Chúng ta thì tự mò mẫm hết. Cứ nói là nghiên cứu kỹ rồi, nhưng nhà làm phim làm sao có thể chính xác như các nhà chuyên gia, để rồi khi sản phẩm ra đời thì sai cái này, thiếu cái kia. Không chuyên nghiệp nó nằm ở chỗ đó.
Nhưng đúng là không phải vin vào đó mà đổ lỗi cho việc không tìm được khán giả. Không bán được vé, đặc biệt với những nhà làm do nhà nước đầu tư do vẫn tâm lý vẫn cố hữu rằng chỉ làm sao làm được phim chứ không nghĩ phim làm ra có ai xem hay không. Cứ nói phim lịch sử, phim chính luận khó bán vé nhưng thực sự thì phim của Victor Vũ bán được vé đó thôi. Nhiều ý kiến cho rằng chắp vá, cóp nhặt trong sản phẩm của Vũ nhưng một điều không thể phủ nhận là khán giả vẫn cứ kéo đến rạp. Đó là thành công của Vũ, cái thành công là biết đáp ứng nhu cầu giải trí và biết dung hòa phim của nền điện ảnh hiện đại rồi “Việt hóa”. Đặc biệt là biết sử dụng yếu tố giải trí, một yếu tố cần thiết để đáp ứng thị hiếu thưởng thức điện ảnh của khán giả Việt hiện nay.
“Đường đua” thất bại vì chấp chới giữa nghệ thuật – thị trường
PV: Thế nên nhà sản xuất mới có những băn khoăn, lúng túng là nên làm phim nghệ thuật hay làm phim giải trí, đạo diễn nghĩ sao?
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Làm ra các sản phẩm đậm chất nghệ thuật là điều nghệ sĩ nào cũng mong muốn. Thế nhưng đúng là những khó khăn như bạn nói đã khiến người làm phim rơi vào trạng thái “lung túng”, không biết phải xử trí ra sao. Sự thất bại về mặt doanh thu của phim “Đường đua” mà êkíp Hồng Ánh - Thanh Sơn đã làm năm trước, tôi cho rằng cũng vì chấp chới giữa nghệ thuật và thị trường. Để rồi khi cái gì cũng chưa tới thì thật khó để được khán giả lựa chọn.
Chưa có những tác phẩm thực sự nghệ thuật thì việc vừa đáp ứng niềm đam mê, vừa tìm được khán giả, người làm phim chỉ có một cách duy nhất là dung hòa hai yếu tố này với một liều lượng vừa đủ. Đương nhiên làm được điều này không phải dễ, bản thân tôi là người hiểu hơn ai hết những trăn trở này nhưng thôi, cần khắc phục và cố gắng.
Người ta cứ sợ rằng, với cách thương mại như hiện nay thì nghệ sĩ trở thành con buôn hết nhưng theo tôi thì sản phẩm của mình không đến được với khán giả mới là điều cay đắng nhất. Vì thế, là người hay làm phim ở những thể loại mà người ta vẫn gọi vui là “cúng cụ” tôi cũng rất băn khoăn.
PV: Vậy làm thế nào để phim chính luận tìm được khán giả và Việt Nam có một thị trường điện ảnh đúng nghĩa, thưa ông?
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Phải thay đổi tư duy làm phim chính luận, bởi không ai thích giáo điều. Và hãy biết cách để sản phẩm của mình đến được với khán giả. Để làm được điều đó thì phải thế nào? Trong khi nhìn nhận một thực tế là phim của Việt Nam chưa có đất sống bởi chưa cập nhật cách làm mới điện ảnh, chưa biết kể những câu chuyện hay, âm thanh chưa có gì đột phá và tư duy còn rất cũ kỹ. Nên tôi nói, đó là con đường dài nên thôi thì tôi trông cậy vào thế hệ những người trẻ.
Còn trước mắt, nếu các tác phẩm chưa đến được với phần đông khán giả bằng con đường kinh doanh thì hãy đến bằng một con đường khác, như đi đến các trường học, đến nơi xa xôi hải đảo...
PV: Xin cảm ơn đạo diễn!
Huyền Anh (thực hiện)
-
Vì sao Telegram bị chặn ở Việt Nam?
-
Yêu cầu đọc rõ ràng nội dung tên sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm
-
Đại biểu Quốc hội: Miễn học phí nhưng phải làm rõ cơ chế, tránh phát sinh khoản thu khác
-
Đề xuất miễn học phí trường công, hỗ trợ học sinh trường tư
-
Học sinh TP HCM hào hứng khám phá nghề nghiệp tương lai
- Tử vi tuần mới (19-25/5/2025): Tuổi Mão sự nghiệp suôn sẻ, tuổi Thân thành công bất ngờ
- Vesak 2025: Tinh thần hòa bình và lòng từ bi lan tỏa toàn cầu
- Tử vi tuần mới (12-18/5/2025): Tuổi Tý phát triển rực rỡ, tuổi Ngọ khẳng định tài năng
- Tử vi tuần mới (5-11/5/2025): Tuổi Tỵ mọi sự hanh thông, tuổi Mùi động lực thăng tiến
- Tử vi tháng 5/2025: Tuổi Mão đỉnh cao sự nghiệp, tình Dậu tình cảm thăng hoa
- Tử vi tuần mới (28/4-4/5/2025): Tuổi Thìn sự nghiệp thăng tiến, tuổi Hợi thành tựu tự hào
- Tử vi tuần mới (21-27/4/2025): Tuổi Tuất năng lượng dồi dào, tuổi Tỵ quý nhân tương trợ
- [VIDEO] Ngắm tượng Phật Quan âm cao nhất Đông Nam Á tại Quảng Ngãi