Danh hiệu, chuyện của một đời nghệ sĩ

08:00 | 21/06/2011

412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Đến thời điểm này, danh sách những người được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 7 đang trải qua cửa ải cuối cùng: Hội đồng xét chọn cấp trung ương do Bộ Văn hóa Thông tin chủ trì. Như bất cứ cuộc thi, một đợt liên hoan, Hội diễn nào, mỗi kỳ xét tặng danh hiệu đều đọng lại, không ít thì nhiều, dư âm buồn vui lẫn lộn ở chính những người trong cuộc.

Nhiều nghệ sĩ có tên, chán danh hiệu

Tiêu chuẩn lớn nhất để xét danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) hay Nghệ sĩ nhân dân (NSND) phụ thuộc vào danh hiệu và huy chương. Tuy nhiên, có những ngành như múa rối, 9 năm mới có một lần hội diễn, chuyện một nghệ sĩ có đủ huy chương để xét tặng danh hiệu khó như “hái sao trên trời”. NSƯT Hoàng Tuấn giãi bày: “Nhiều người trong giới đánh giá cao khả năng chuyên môn của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long, nhưng để xét tặng danh hiệu thì đành bất lực”. Cũng theo ông Tuấn, các nhà hát lập danh sách nghệ sĩ xét danh hiệu có thể đến cả chục người, nhưng nhà hát của ông tìm mãi mới có 4 người gần đủ tiêu chí để đề cử. Chuyện xét tặng danh hiệu nhiêu khê và không thực tế khiến nhiều nghệ sĩ tâm huyết nản lòng. NSƯT Thành Lộc (Sân khấu Idecaf) thẳng thắn: “Việc xét tặng này đã không còn mang nhiều ý nghĩa đối với người làm nghề. Là nghệ sĩ, được khán giả biết mặt, chỉ tên, công nhận mới quan trọng nhất”.

 

Được "vinh danh" là ước mơ xa vời của các nghệ sĩ múa rối

Chưa kể, theo quy chế của Bộ VHTT&DL hiện nay để được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND thì tối thiểu mỗi người phải đạt 2 HCV trong hội diễn toàn quốc. Về điều này, đạo diễn Đào Quang, Đoàn kịch Nam Định cho rằng, đối với người làm công tác chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, điều kiện này không sát thực tế. Không đồng tình với các thủ tục hành chính trong việc xét tặng danh hiệu, ca sĩ Anh Thơ nêu quan điểm: “Tiêu chí phong tặng phải đánh giá trên tài năng, uy tín đối với bạn nghề chứ không phải dựa theo các thủ tục hành chính”. Ca sĩ của “Xa khơi” cũng cho rằng, một người nghệ sĩ tài năng phải là người có những vai diễn, bài hát ăn sâu trong trí nhớ của khán giả, khiến bạn nghề phải tâm phục, khẩu phục. Bên cạnh đó, theo Anh Thơ: “Hội đồng xét chọn cần phải coi việc xét chọn là sự vinh danh của Nhà nước đối vối công lao đóng góp của nghệ sĩ, chứ không phải đó là thứ bổng lộc ban phát hay nghệ sĩ cố gắng có được danh hiệu để vinh thân”.

Những “thủ tục hành chính” trong chuyện xét danh hiệu vẫn là chủ đề nổi cộm trong các cuộc xét duyệt hằng năm. Thực tế, việc xét duyệt quá chú trọng tính hình thức, không sát thực tế đã xảy ra hiện tượng nghệ sĩ “đạt chuẩn danh hiệu” nhưng lại nằm ngoài sự công nhận của công chúng và ngược lại, nhiều nghệ sĩ tài năng lại không nằm trong danh sách được phong tặng.

Nhưng danh hiệu vẫn là… khao khát một đời của nghệ sĩ

Tuy không tán thành với những thủ tục nhiêu khê và kém thực tế của quy chế, nhưng đại đa số người làm nghề lại cho rằng “danh hiệu” là câu chuyện một đời của nghệ sĩ. Nghệ sĩ múa Cao Chí Thành thẳng thắn: “Nghệ sĩ ai mà chả cần danh”. Người đứng đầu ngành sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ cũng hiểu rằng, bất cứ một người nghệ sĩ chân chính nào phấn đấu thực sự bằng tài năng, trí tuệ và tâm huyết của bản thân đều mong mỏi đến một ngày sẽ được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Với họ, danh hiệu NSƯT, NSND là tấm “bảng vàng thành tích”, là niềm tự hào, là động lực để họ tiếp tục dấn thân trên con đường nghệ thuật.

Đó là lý do các nghệ sĩ mong muốn quy trình xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND có tính chuẩn xác cao. Với đa số nghệ sĩ, khi danh hiệu càng được trao chuẩn xác nó càng trở nên danh giá trong niềm ngưỡng vọng của các thế hệ nghệ sĩ, cũng như công chúng yêu nghệ thuật. Việc quy chế xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND căn cứ vào “màu” và số lượng huy chương, giải thưởng của các cá nhân để xét tặng đã phản ánh đúng “chất” và “lượng” của đối tượng được phong tặng. Tuy nhiên, trên thực tế có những nghệ sĩ danh tiếng, thực sự tài năng và tâm huyết, nhưng do những yếu tố khách quan, may rủi trong đường đời mà không có đủ số huy chương, giải thưởng để đạt ngưỡng xét tặng.

Thực tế này đã xảy ra và cần được coi như một nội dung cần được xét đến trong các kỳ xét duyệt, phong tặng, đặc biệt đối với các nghệ sĩ ở tỉnh lẻ và các nghệ sĩ làm công tác hậu đài. NSƯT Thế Hùng- Đoàn nghệ thuật tổng hợp Quảng Trị cho biết: Tại các địa phương vài năm mới có một hội diễn và hội diễn ấy không phải ai cũng được tham gia, có kỳ mỗi đoàn chỉ có ba diễn viên được chọn. Nghệ sĩ Quốc Khánh – Nhà hát Tuồng Trung ương lại nêu các khó khăn trong việc xét tuyển đối với anh em nhạc công. Theo anh Khánh, “Nhạc sĩ, nhạc công đều có đóng góp rất lớn, nhưng huân huy chương thì không có vì chưa bao giờ có được một hội diễn riêng cho giới mình”. Trong khi với nghệ thuật sân khấu không thể thiếu những nhạc công chơi trống, kèn, nhị nhưng trong số họ chưa có ai được phong tặng NSƯT. Anh Khánh cũng cho rằng, anh là người may mắn có một huy chương vàng vì tham gia viết nhạc cho vở diễn, nhưng bạn bè của anh nhiều người đến tuổi về hưu chưa một lần được làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu. “Theo tôi, xét danh hiệu là phải xét cả huy chương lẫn quá trình đóng góp cho nghệ thuật của cá nhân đó. Thế mới công bằng cho dân làm nghề tỉnh lẻ như chúng tôi”, anh Hùng nói. Tuy nhiên, trên quan điểm của người lãnh đạo, NSND Lê Tiến Thọ vẫn khẳng định: “NSƯT chúng ta có thể châm chước, thể tất để động viên, ghi nhận những đóng góp, nỗ lực trong quá trình hoạt động của anh chị em. Nhưng việc trao danh hiệu NSND thì càng ngày càng cần phải chặt chẽ, nghiêm khắc hơn. Bởi, NSND phải thật sự là những người đứng đầu, có uy tín của một ngành nghệ thuật”.

Thế nên, trong quá trình xét tặng các cấp ngành chức năng cũng nên làm việc công tâm, thấu tình, đạt lý để danh hiệu cao quý được “chọn mặt gửi vàng”, những người nghệ sĩ chân chính được tôn vinh một cách xứng đáng. Việc phong tặng danh hiệu cho những nghệ sĩ xứng đáng, thiết nghĩ cũng chính là động thái tích cực, góp phần củng cố và phát triển nền Văn hoá – Nghệ thuật nước nhà vốn đang trong giai đoạn trầm kha.

Thông tư 06 quy định tiêu chuẩn đối với NSND, NSƯT là phải có ít nhất 2 giải Vàng Quốc gia hoặc quốc tế. Giải Vàng quốc gia là giải Bông sen Vàng và giải Huy chương Vàng toàn quốc (do đặc trưng của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, do các cuộc thi, các cuộc liên hoan nghệ thuật có quy mô và tiêu chí khác nhau nên về nghệ thuật Điện ảnh, lấy giải Bông sen Vàng của Liên hoan phim quốc gia làm chuẩn, về nghệ thuật biểu diễn, lấy Huy chương Vàng của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn).

Thái Linh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.