Đằng sau sự cố Nord Stream

09:55 | 01/03/2023

494 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ủy ban Các vấn đề quốc tế Hạ viện Nga mới đây đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc (LHQ) mở cuộc điều tra, đưa ra đánh giá pháp lý đối với hành vi phá hoại đường ống Nord Stream và buộc kẻ đứng sau hành động này phải chịu trách nhiệm.
Đằng sau sự cố Nord Stream
Vị trí rò rỉ khí đốt từ Nord Stream-2 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển

Bí ẩn nào phía sau?

“Ủy ban Các vấn đề quốc tế Hạ viện Nga đang soạn một tuyên bố, trong đó kêu gọi LHQ mở cuộc điều tra, đưa ra đánh giá pháp lý đối với hành vi phá hoại đường ống Nord Stream và buộc kẻ đứng sau hành động đe dọa an ninh Á - Âu phải chịu trách nhiệm” - Leonid Slutsky - Chủ tịch ủy ban, thông báo trên Telegram hôm 14-2.

Tuyên bố được soạn theo yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin, sau khi nhà báo điều tra kỳ cựu Mỹ Seymour Hersh đăng bài viết cho rằng Washington đã “phá hoại Nord Stream” để đối phó Moscow.

Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric ngày 14-2 cho biết, để mở cuộc điều tra, họ cần có sự ủy quyền từ cơ quan lập pháp của tổ chức. Vụ rò rỉ đường ống Nord Stream trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trên các diễn đàn năng lượng năm 2022. Nhiều giả thuyết được giới quan sát đưa ra liên quan đến sự cố rò rỉ Nord Stream, trong khi hai “ông lớn” Nga và Mỹ không ngừng tranh cãi về bên phải chịu trách nhiệm.

Đằng sau sự cố Nord Stream
Trong tuyên bố ngày 30-9-2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận sự cố Nord Stream giúp Mỹ thúc đẩy xuất khẩu khí đốt sang châu Âu

Ngày 9-11-2022, E.ON - nhà điều hành mạng lưới năng lượng lớn nhất châu Âu ở Đức - đã tuyên bố cắt gần như hoàn toàn giá trị cổ phần của mình trong Nord Stream-1. Đây được xem là thiệt hại lớn với với đường ống trong bối cảnh các manh mối về nguyên nhân hư hại vẫn chưa thể xác định.

Trước đó, hôm 26-9-2022, Công ty vận hành Nord Stream-2 AG báo cáo về tình trạng sụt giảm áp suất mạnh đột ngột xảy ra tại một đường ống thuộc Nord Stream-2, nơi chứa đầy khí đốt để cân bằng áp suất dưới đáy biển. Nhà điều hành Nord Stream-1 cũng phát hiện tình trạng tương tự với cả hai đường ống thuộc tuyến Nord Stream, dù Nord Stream-1 đã ngừng hoạt động từ cuối tháng 8-2022.

Theo người phát ngôn Cơ quan Hàng hải Thụy Điển, 3 vị trí xảy ra rò rỉ ở rất gần nhau thuộc vùng biển phía Đông Bắc đảo Bornholm thuộc Đan Mạch. Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển ngày 29-9-2022 lại tiếp tục phát hiện vết rò rỉ thứ 4 trên tuyến đường ống này.

Ở thời điểm xảy ra rò rỉ, các nhà khoa học địa chấn phát hiện hai vụ nổ mạnh vào ngày 26-9-2022. Một vụ nổ trong số đó mạnh 2,3 độ richter đã được hàng chục trạm giám sát ở miền Nam Thụy Điển ghi nhận.

Mỹ, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy đều coi vụ việc trên là hành vi phá hoại có chủ đích.

Ngày 3-10-2022, Cơ quan Công tố Thụy Điển thông báo đã phong tỏa khu vực xung quanh đoạn đường ống Nord Stream-1 bị rò rỉ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển trên biển Baltic. Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển đã tăng cường giám sát xung quanh khu vực.

Trước đó, Bộ Kinh tế Đức tuyên bố đang nỗ lực làm rõ nguyên nhân gây giảm áp suất trong đường ống thuộc Nord Stream-2.

Về phía Nga, ngày 28-9-2022, Văn phòng Công tố Nga thông báo Cơ quan An ninh Nga (FSB) đã mở cuộc điều tra khủng bố quốc tế đối với sự cố tại Nord Stream. FSB mở cuộc điều tra sau khi phát hiện các hành động phá hoại gây thiệt hại lớn cho Nga và kêu gọi các nước phối hợp làm rõ vụ việc.

Sau sự cố, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thông báo EU sẽ tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng.

Các nhà khoa học lo ngại khí metan thoát ra biển Baltic có thể là một trong những vụ rò rỉ khí đốt tự nhiên tồi tệ nhất từ trước đến nay, mang đến những rủi ro tiềm ẩn về môi trường. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết, tổng cộng 800 triệu m3 khí đốt đã thất thoát sau sự cố.

Đằng sau sự cố Nord Stream
Hình ảnh mô tả tuyến đường ống Nord Stream-1

Cáo buộc lẫn nhau

“Mớ bòng bong” về nguyên nhân đằng sau sự cố Nord Stream vẫn chưa được tháo gỡ, song chính nó lại châm ngòi cho những tranh cãi giữa các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ và Nga.

Trên thực tế, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt thông qua Nord Stream-1 vào đầu tháng 9-2022, viện dẫn lý do về kỹ thuật. Trong khi đó, Nord Stream-2 không hẹn ngày đi vào hoạt động do nhà chức trách Đức đã đình chỉ phê duyệt dự án sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.

Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga là “kẻ tình nghi số 1” phá hoại Nord Stream, cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với ý định của Điện Kremlin nhằm đe dọa nguồn cung năng lượng của châu Âu.

Về phần mình, Nga chỉ trích cáo buộc đó là “ngớ ngẩn”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, vụ rò rỉ là vấn đề lớn đối với nước Nga, đồng thời kêu gọi các bên thận trọng trước khi đưa ra tuyên bố.

Phát biểu khai mạc diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sự cố Nord Stream là “hành động khủng bố quốc tế”, khiến châu Âu mất đi khả năng tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ và phá hoại an ninh năng lượng của lục địa già.

Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng, Mỹ là bên hưởng lợi nhất từ vụ phá hoại đường ống Nord Stream, chứ không phải Nga hay EU.

Đài RT dẫn phát biểu của ông Nebenzia tại Hội đồng Bảo an LHQ: “Liệu những gì đã xảy ra với Nord Stream có mang lại lợi ích cho Mỹ hay không? Chắc chắn là có. Các nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ giờ đây có thể tăng gấp nhiều lần lượng xuất khẩu cho châu Âu”.

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Nga không hưởng lợi từ việc phá hỏng đường ống của chính mình”.

Phương án sửa chữa tối ưu

Dù trách nhiệm thuộc về phía nào thì tổn thất nặng nề của sự cố Nord Stream đã được phơi bày khi chi phí đổ vào các đường ống lên tới hàng tỉ USD. Tờ Tagesspiegel còn dẫn lời các quan chức Đức cảnh báo, nếu không được khắc phục kịp thời, nước biển có thể tràn vào các đường ống và ăn mòn chúng, dẫn đến không thể phục hồi.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gần đây nói rằng, Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc có sửa chữa các đường ống ở Biển Baltic hay không.

Trước đó, chuyên gia Jean-Francois Ribet tại công ty sửa chữa đường ống 3X Engineering đã đề cập tới một số phương án sửa chữa. Đầu tiên là thay thế toàn bộ các phần bị hư hỏng của đường ống, dù sẽ rất tốn kém. “Bạn cần một đường ống cùng cỡ, cùng một loại thép… Và cần mang theo các cần trục trên tàu đủ mạnh để nâng các đoạn ống nặng lên khỏi mặt nước”, ông Ribet nói.

Phương án sửa chữa thứ hai sẽ là lắp một chiếc kẹp để bịt các phần bị hư hỏng của đường ống, giống như vá các vết vỡ. Tuy nhiên, với đường kính bên trong rộng 1.153m, đường ống Nord Stream sẽ cần những chiếc kẹp lớn, cũng như việc lắp đặt tạm thời khoang lặn dưới nước để các kỹ sư có thể làm việc bên trong nó. Chuyên gia Ribet cho rằng đây sẽ là giải pháp khả thi nhất, song, sẽ mất nhiều tháng để có được một chiếc kẹp đủ lớn để bao bọc đường ống. Phương pháp này cũng sẽ không hiệu quả nếu thiệt hại trên diện rộng.

Lựa chọn thứ ba là kết hợp hai phương pháp: thay thế các phần bị hỏng nặng và kẹp các phần tử ít bị ảnh hưởng hơn.

Sự cố Nord Stream chắc chắn khiến các chính phủ châu Âu không thể lạc quan về một thị trường khí đốt ít biến động trong mùa đông 2022-2023.

Trung Quốc yêu cầu tìm ra thủ phạm phá hoại đường ống Nord StreamTrung Quốc yêu cầu tìm ra thủ phạm phá hoại đường ống Nord Stream
Vụ nổ đường ống Nord Stream: Trung Quốc yêu cầu điều tra khách quanVụ nổ đường ống Nord Stream: Trung Quốc yêu cầu điều tra khách quan

Bình An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc