“Đại gia” khó là “bà đỡ nghệ thuật” mát tay

11:41 | 04/03/2014

867 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghệ sĩ cần có nhà tài trợ để hoàn thiện cho các dự án nghệ thuật của mình. Nhà tài trợ cũng cần “dựa hơi” nghệ sĩ để làm sang thương hiệu. Song liệu các đại gia có đủ khôn để làm một “chủ chi” có văn hóa và nghệ sỹ có đủ tỉnh để không biến nghệ thuật trở thành một mặt hàng bình dân?

Doanh nhân mở hầu bao

Vừa ra mắt một CD mới nhân dịp Tết Nguyên Đán 2014, nghệ sĩ hài Chiến Thắng đã nhận được ý kiến phản hồi sản phẩm của anh quảng cáo nhiều quá, khiến nhức mắt và khó chịu. Dù đã liệu trước đây là điều sẽ xảy ra nhưng nghệ sĩ Chiến Thắng vẫn không khỏi than thở: “Nghệ sĩ làm dâu trăm họ, không thể vừa lòng được tất cả mọi khán giả. Chúng tôi không có tiền để đầu tư, phải dựa vào nhà tài trợ nên cũng không thể tránh khỏi những hạt sạn trên. Biết sao được, mình cần kinh phí, còn họ lại cần tên tuổi của mình để hâm nóng thương hiệu nên hai bên đều phải làm hài lòng nhau. Chỉ mong sao khán giả hiểu và thông cảm hơn cho nghệ sĩ chúng tôi”. 

Chia sẻ của nghệ sĩ Chiến Thắng là cũng là nỗi niềm chung của giới nghệ sĩ xung quanh mối quan hệ khăng khít giữa họ và các nhà tài trợ. Việc các doanh nhân đổ tiền vào tác phẩm của những nghệ sĩ tên tuổi vốn không phải là chuyện mới lạ bởi đây là một cách để các “đại gia” mua tiếng tăm.

Các nghệ sĩ biểu diễn trong đêm nhạc tri ân khách hàng của Viettel

Còn nhớ trước đây, khi triển lãm sắp đặt của họa sĩ Đinh Gia Lê diễn ra, sự xuất hiện của nhà tài trợ lớn Vietnam Airlines khiến cho không ít người trong giới phải ngạc nhiên. Rồi một sự kiện gây chú ý khác  hãng thời trang cao cấp quốc tế mang tên LUALA (Pháp) đứng ra tổ chức triển lãm tranh ngoài đường phố cho 4 họa sĩ trẻ Hà Nội, kết hợp cùng các chương trình hòa nhạc để ghi dấu ấn thương hiệu kinh doanh của mình.

Cùng năm đó, Davines, nhãn hàng mỹ phẩm cho tóc và da mặt, cũng tổ chức triển lãm tranh và nhiếp ảnh cho nhiều nghệ sĩ tại một khách sạn ở Hà Nội. Kế đó, thương hiệu này còn làm tài trợ cho trưng bày sắp đặt mang tên Mưa của họa sĩ Lê Huy Hoàng. Hay một sự kiện đình đám khác là vào cuối năm 2013, nhãn hàng thuốc nhuộm tóc Goldwell đã tài trợ cho show tóc Họa tình với tâm điểm là hội họa với sự xuất hiện của họa sĩ Trần Nhật Thăng.

Thời gian gần đây cũng đã có khá nhiều doanh nghiệp đứng ra bảo trợ hoặc tổ chức các sự kiện văn hoá. Tiêu biểu là chuyến lưu diễn âm nhạc mang tên RockStorm có sự kết hợp của nhạc sĩ Quốc Trung trong vai trò tổng đạo diễn cùng nhà tổ chức MobiFone. Kế đó là nhạc sĩ Lê Minh Sơn với “đại gia” Viettel trong loạt chương trình ca nhạc vì cộng đồng được tổ chức với mật độ dày trong năm vừa qua, cũng ở vị trí tổng đạo diễn.

Từ đó có thể thấy, thực chất của việc bảo trợ cho các hoạt động nghệ thuật là một cách làm thương hiệu rất khôn ngoan và cao cấp của các doanh nghiệp. Đây được coi là miền đất hứa để các nhãn hàng kinh doanh tài trợ và qua đó quảng bá thương hiệu của mình. Và xét về lâu dài, thì cái lợi lớn nhất vẫn chủ yếu thuộc về nhà tài trợ. Hiển nhiên vì đã dính dáng đến nghệ thuật nên để đạt hiệu quả tốt nhất, nó đòi hỏi nhà tài trợ phải có cách làm có chiều sâu để trở thành một “chủ chi” có văn hóa. Thế nhưng thường thì không phải nhà tài trợ nào cũng đủ khôn ngoan để làm được điều đó, và hệ quả là nghệ sĩ nhiều khi phải “uốn cong” mình để có tiền đầu tư cho nghệ thuật.  

Mỡ nó rán nó

Nhạc sĩ Quốc Trung từng ngậm ngùi chia sẻ rằng, trong chuyện làm nghệ thuật vấn đề cơm áo không thể đùa nên đôi lúc, người ta phải chấp nhận những “lý do tầm thường”, một cách “lấy mỡ nó rán nó” để ra được sản phẩm và nuôi giữ lửa nghề.

Nhạc sĩ bày tỏ: “Dĩ nhiên tôi biết phần nào đó mình may mắn, so với hoàn cảnh chung của xã hội, khi ít nhiều có được tín nhiệm, có khá nhiều đầu việc để làm với mức thù lao khá cao nhưng nói chung là vất”. Điều đó chỉ ra một thực tế là để giữ lửa với nghệ thuật đã khó như để giữ sức nóng cho tên tuổi của mình còn khó hơn.

Dẫn chứng là trường hợp xảy ra với nữ ca sĩ Mỹ Lệ trong chương trình “Cặp đôi hoàn hảo năm 2013”. Trong một đêm thi cặp thí sinh Khương Ngọc, Mỹ Lệ đã khiến khán giả ngã ngửa bởi màn PR quá lộ liễu cho nhà tài trợ là một nhãn hàng mì ăn liền. Trong suốt từ đoạn giới thiệu trước đó cho đến khi bước lên sân khấu, trang phục của hai nghệ sĩ này được gắn đầy các bao bì của hãng này. Dù biết đây là chủ ý của ban tổ chức và nhà tài trợ, nhưng hình ảnh của Mỹ Lệ và Khương Ngọc cũng bị ảnh hưởng ít nhiều và trong một thời gian dài, khán giả đều vô cùng ngao ngán vì sự quảng cáo quá lố của các nhà tài trợ.

Mỹ Lệ - Khương Ngọc quảng cáo lộ liễu cho nhãn hàng mỳ tôm Hảo Hảo

Vậy mà trả lời báo giới, Ca sĩ Mỹ Lệ lại cho rằng, dù cô không phải ngu ngơ để không biết mình đang quảng cáo cho nhãn hiệu gì, nhưng cô nghĩ họ xứng đáng được quảng cáo vì nhãn hàng bỏ ra bao nhiêu tiền bạc cho cả một gameshow giúp mọi người giải trí thì “chuyện đó cũng có sao đâu”. Có lẽ vì chung suy nghĩ này nên đã có nhiều ca sĩ dù nói yêu nghề, muốn cống hiến cho khán giả nhưng lại mượn nghệ thuật để thực thi các hợp đồng quảng cáo béo bở hay sẵn sàng bán mình thành con thoi cho các nhà quảng cáo.

Nói về điều này, một nhạc sĩ chia sẻ: “Theo tôi, nghệ sĩ khi được các doanh nghiệp hay một nhãn hàng nào đó tài trợ thì bắt buộc phải ngợi ca thương hiệu của họ trong tác phẩm nghệ thuật của mình. Điều này là lẽ đương nhiên bởi trong cuộc sống phải có sự tương tác, mình không thể đòi hỏi người ta cho không mình được. Nếu người nghệ sĩ thông minh, họ sẽ biết tìm một cách nào đấy văn hóa nhất để khích lệ được đôi bên: cả nghệ sĩ và nhà tài trợ khi nhận tài trợ từ một đơn vị nào đó. Còn không thì họ phải chịu sự chi phối của các nhà tài trợ. Chính vì vậy, với những tác phẩm nghệ thuật thực thụ, nghệ sĩ phải tự sản xuất thì mới có tiếng nói riêng của mình”.

Điều dễ thấy là không phải nghệ sĩ nào cũng đủ tỉnh để giữ vững được tên tuổi và hình ảnh của mình trước các nhà tài trợ. Thế nên đôi lúc, nghệ thuật đã trở thành một mặt hàng quá đỗi bình dân bị đặt sau hai chữ lợi nhuận. Và điều này càng khó giải quyết trong thời buổi nghệ thuật đang bị bão hòa như ngày hôm nay.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung Ươngcho rằng:Hãy coi đó là những tín hiệu vui cho văn hóa, văn nghệ. Ngoài việc những doanh nghiệp tư nhân, đại gia tài trợ cho các nghệ sĩ, các dự án văn hóa thì sự tài trợ của những doanh nghiệp trong nước cũng góp phần đáng kể để cùng những nghệ sĩ cho ra những sản phẩm văn hóa có chất và lượng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có lực, muốn được quảng bá hình ảnh của công ty mình nên đã chủ động liên lạc với nghệ sĩ để hỗ trợ các sản phẩm nghệ thuật. Hai bên làm việc với sự thỏa thuận “đôi bên cùng cơ lợi”.

Trong khi đó, việc nhận được những đề tài, đơn đặt hàng của nhà nước đôi khi dễ với người này nhưng lại khó với người kia. Có thể số đông đáp ứng được đòi hỏi đó nhưng số ít lại có con đường khác, cống hiến khác. Có thể hàng trăm nghệ sĩ nhận được tài trợ và họ vẫn có tác phẩm để nghiệm thu nhưng không để làm gì…”.

 

Bảo Quyên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.