Cuộc quyết đấu giữa 2 cơ quan tình báo KGB và CIA (Phần 8)

13:40 | 24/03/2019

1,249 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm năm sau, móc xích thất lạc cuối cùng trong chuỗi dây xích cáo buộc Polyakov bỗng xuất hiện. KGB bây giờ có đủ bằng chứng kết luận Polyakov phản bội. Thông tin lần này được tiết lộ từ Langley (trụ sở CIA).

Ngày 4-7-1985, Polyakov nhận được thư mời dự lễ nghỉ hưu tại trụ sở GRU. Polyakov ngờ vực và hoang mang. Đây có thể là cái bẫy. Nỗi lo càng tăng khi được cậu con trai Peter, lúc đó là sĩ quan GRU kể về việc anh phát hiện một kẻ lạ nấp ở con đường hẹp theo dõi nhà họ liên tục vài ngày qua.

cuoc quyet dau giua 2 co quan tinh bao kgb va cia phan 8
Dmitri Fedorovich Polyakov

Polyakov trấn an con trai. Ông không muốn làm hỏng không khí cuộc gặp gỡ gia đình cuối tuần để mừng sinh nhật 65 của mình. Vụ bắt Polyakov được tính toán chu đáo. Sáng 6-7-1985, trong bộ quân phục đầy huy chương, Polyakov bước vào trụ sở GRU.

Bất ngờ, 5 người lao ra. Một người vòng tay khóa đầu trong khi bọn còn lại cởi áo ông, đề phòng Polyakov uống thuốc độc tự tử. Dmitri Fedorovich Polyakov không chút phản ứng. Sinh năm 1921 tại Ukraine, Polyakov tốt nghiệp Học viện Quân sự Liên Xô tại Frunze. Sau thế chiến thứ hai, Polyakov chuyển sang quân báo, được cài tại New York vào thập niên 1950.

Sau thời gian làm việc tại trụ sở GRU ở Moscow, Polyakov trở lại New York năm 1961. Lần này, ông phản bội tổ quốc. Khi làm việc cho Mỹ, Polyakov mang nhiều mật danh: TOP HAT, BOURBON, ROAM và BEEP. CIA bắt đầu khai thác tối đa Polyakov khi ông làm việc tại Myanmar năm 1966. Năm 1974, Polyakov được GRU phong cấp tướng.

Cho đến trước khi nghỉ hưu năm 1980, Polyakov đã tiết lộ cho Mỹ gần như toàn bộ bí mật quân sự-tình báo-quốc phòng Liên Xô mà ông có thể tiếp cận được. Vào thời điểm bị “B” phanh phui hành động phản bội của mình cho KGB, Polyakov công tác tại Ấn Độ. Năm 1980, Polyakov được triệu hồi về nước và mất liên lạc với CIA từ đó.

Tuy nhiên, bí mật động trời mà “B” cung cấp cho KGB không phải là vụ Polyakov mà là kế hoạch trong đó FBI cùng Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) xây đường hầm bên dưới trụ sở mới của Sứ quán Liên Xô tại Washington DC.

Trong khi kiến trúc sứ quán chưa xong, đường hầm bí mật đã hoàn thành và sẵn sàng nghe trộm mọi cuộc nói chuyện giữa giới ngoại giao Liên Xô cũng như KGB. Không chỉ đường hầm, FBI còn cài điệp viên vào giới thầu xây dựng.

Một loại sơn đặc biệt với chức năng truyền âm tốt đã được dùng để âm thanh truyền đi thông suốt vào những ống giấu kín trong tường, sao cho một cái hắt hơi cũng lọt đến lô thiết bị bắt tín hiệu lắp sẵn bên dưới tòa đại sứ...

cuoc quyet dau giua 2 co quan tinh bao kgb va cia phan 8
Điệp viên Dmitri Fedorovich Polyakov

Năm 1983, “B” được chuyển sang đơn vị phân tích gián điệp Liên Xô của FBI và càng có nhiều điều kiện bán tin cho KGB. Không phải tự nhiên mà KGB từng đánh giá “B” cao hơn cả Aldrich Ames. “B” không ai khác hơn là siêu điệp viên Robert Hanssen, người từng trở thành đề tài báo chí hấp dẫn cách đây vài năm, khi cuối cùng hành tung cũng bị bại lộ.

Cuộc đọ sức giữa CIA-KGB tại Afghanistan

Islamabad, Pakistan, ngày 1-6-1986. Hai tuần sau khi được chỉ định điều hành chiến dịch hành động tuyệt mật của CIA tại Afghanistan, Milt Bearden vội vã đến Pakistan để gặp viên chức CIA Bill Piekney nhằm có cái nhìn toàn cục về mặt trận chính trị lẫn chiến trường tình báo.

Piekney đang kẹt trong trò chơi thả mồi bắt bóng giữa những con diều hâu trong Quốc hội Mỹ, Chính phủ Pakistan và CIA. Thượng nghị sĩ Mỹ Orrin Hatch đã bay nửa vòng trái đất đến đây để đích thân nghe tuyên bố từ Mohammed Zia ul-Haq, Tổng thống Pakistan.

Nội dung chính: Tại sao Pakistan cho phép Mỹ đưa tên lửa Stinger sang Afghanistan từ lãnh thổ mình? Tại sao Pakistan đồng ý hợp tác Mỹ huấn luyện du kích Afghanistan trong cuộc chiến đánh Liên Xô. Tại sao Pakistan được lợi không bao nhiêu từ ván cờ chính trị mạo hiểm?...

Những tính toán ban đầu

Tại sao thế này và tại sao không thế kia là những gì Zia bàn với Hatch. Phần mình, sứ mạng của Hatch là chuyển tải thông điệp Nhà Trắng cho Islamabad. Sau một hồi nhìn bản đồ Nam Á, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter hiểu rằng nếu muốn tống quân đội Liên Xô ra khỏi Afghanistan, Mỹ buộc phải hợp tác với Zia. Và Carter hành động rất nhanh.

Đầu năm 1980, Carter phái cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski đến Islamabad thương nghị. Với tín hiệu xanh từ Zia, CIA lập tức triển khai chương trình bí mật trong cuộc chiến tình báo Nam Á. Trong một chuyến công tác thực địa, khi băng từ đèo Khyber đến trạm kiểm soát Michni, Brzezinski đã được chụp cảnh ông quan sát đống súng trường AK-47.

Từ thời khắc đó, Brzezinski bắt đầu trở thành hiện thân của sự sa lầy Mỹ trong lịch sử binh biến bất tận Afghanistan. Riêng Zia, ông tin rằng quân đội mình có thể làm việc với CIA mà không gặp trở ngại. Mối quan hệ CIA và quân đội Pakistan có từ thập niên 1950, khi Pakistan đồng ý cho Mỹ phóng máy bay do thám U-2 (trong chiến dịch rình mò Liên Xô) bay ngang bầu trời quốc gia họ. Dù vậy, Zia nhấn mạnh rằng tất cả phải được giữ bí mật...

(Còn tiếp)

Thiên Phú

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc