Cứ 8 người có một người đái tháo đường

10:40 | 24/09/2018

161 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cứ 8 người sẽ có một người trưởng thành ở Việt Nam bị tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường.  
cu 8 nguoi co mot nguoi dai thao duongNguy cơ đoạn chi do đái tháo đường
cu 8 nguoi co mot nguoi dai thao duongChỉ vì vài mụn nước, suýt phải tháo bỏ bàn chân
cu 8 nguoi co mot nguoi dai thao duongBệnh nhân đái tháo đường bị bỏng nặng vì chườm lá ngải cứu

Thông tin tại buổi toạ đàm “Quản lý bệnh đái tháo đường ở tuyến y tế cơ sở” do Bộ Y tế và Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, bệnh đái tháo đường đang gia tăng với một tốc độ khủng khiếp trên khắp thế giới. Hiện nay, thế giới có 9,1% số người mắc và dự tính đến năm 2045 sẽ tăng lên 11,7%.

Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận… Người đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp hai lần. Người mắc đái tháo đường tuýp 2 nếu không được phát hiện sớm để điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng của bệnh.

cu 8 nguoi co mot nguoi dai thao duong
Thử nhanh đái thảo đường

Tại buổi toạ đàm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh thông tin, thống kê cho thấy, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh. Cứ 8 người, sẽ có một người trưởng thành ở Việt Nam bị tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường.

85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường... Có đến 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Để quản lý và điều trị đái tháo đường hiệu quả, tăng cường năng lực cho y tế cơ sở là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành y tế. Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đã nỗ lực để đưa các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường quản lý tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Tuy vậy, trên cả nước mới có chỉ có 28,9% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71,1%. Nhưng điều đáng nói hơn, y tế cơ sở vẫn còn rất nhiều khoảng trống trong triển khai nội dung này. Ví như hầu hết trạm y tế thiếu thuốc trong danh mục, đặc biệt các thuốc điều trị đái tháo đường. Isulin, một lọai thuốc điều trị tiểu đường cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 cũng không được sử dụng tại trạm y tế xã. Thực hiện dịch vụ chuyên môn kỹ thuật, đa số các trạm y tế xã cũng chưa thực hiện phát hiện sớm, chẩn đoán, quản lý đái tháo đường. Chỉ một số ít trạm y tế thực hiện quản lý đái tháo đường với số lượng bệnh nhân rất hạn chế…

ThS Trương Lê Vân Ngọc, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2019, 100% trạm y tế được đào tạo điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường; đến năm 2020, ít nhất 40% trạm y tế điều trị, quản lý đái tháo đường.

Nếu phát huy hiệu quả vai trò quản lý đái tháo đường tại 11 nghìn trạm y tế xã, Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu quản lý điều trị bệnh đái tháo đường.

Nguyễn Bách