CPTPP có trở thành “chiến trường” mới cho Mỹ - Trung?

07:32 | 21/02/2021

515 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rất có thể Trung Quốc sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này sẽ buộc Mỹ phải quay lại Hiệp định này.

Tại Hội nghị trực tuyến APEC lần thứ 27, Trung Quốc tuyên bố đang tích cực xem xét việc gia nhập CPTPP. Ảnh: THX
Tại Hội nghị trực tuyến APEC lần thứ 27, Trung Quốc tuyên bố đang tích cực xem xét việc gia nhập CPTPP.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc vừa cho biết, Bắc Kinh đang tích cực nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc gia nhập CPTPP.

Con đường quen thuộc

“Cường quốc” trước hết phải là nền kinh tế có quy mô lớn, sức mạnh quân sự lớn, công nghệ vượt trội,… Song, có một loại sức mạnh không thể đong đếm là tiếng nói vô song của họ trên đấu trường quốc tế.

Muốn tạo ra sức mạnh “mềm” này, các cường quốc phải nắm giữ vai trò trong các tổ chức đa phương lớn, qua đó đặt ra luật chơi theo ý muốn, buộc phần còn lại phải tuân thủ. Người ta gọi đó là “chủ nghĩa bá quyền”.

Rất dễ thấy hàng chục năm nay, người Mỹ lãnh đạo tuyệt đối WTO, WHO, UNESCO, các hiệp định thương mại có tầm ảnh hưởng bao trùm. Bằng mô thức này, Bắc Kinh cũng đang nổi lên như một thế lực đủ sức thay thế Washington trong các tổ chức đa phương.

CPTPP được thành lập mà không có hai cường quốc lớn nhất thế giới. Bởi vì cả Mỹ và Trung Quốc không chịu nhượng bộ nhau để đứng vào một tổ chức, và không muốn “dưới cơ” bất cứ ai trong mọi vấn đề.

Khi Hiệp định này vắng mặt Mỹ, việc Bộ Thương mại Trung Quốc “đánh tiếng” muốn gia nhập CPTPP cũng không nằm ngoài mục đích nâng tầm ảnh hưởng, đồng thời hạn chế bớt rủi ro một khi Mỹ nắm được tổ chức này.

CPTPP sẽ ra sao?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, nhận định: “Nếu cả Mỹ và Trung Quốc cùng tham gia CPTPP, tình thế sẽ không thay đổi nhiều, chỉ có điều nó sẽ khiến cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trầm lắng và đi vào chiều sâu hơn”.

Đúng vậy, CPTPP sẽ “yên bình” hơn nếu như không có hai cường quốc này. Bởi Mỹ và Trung Quốc tham gia CPTPP bằng động lực chính trị, ngoại giao nhiều hơn kinh tế, tất cả để kiềm tỏa nhau trong cuộc cạnh tranh chiến lược dài hơi.

Nếu là thành viên CPTPP, Washington sẽ cài cắm thêm các điều khoản bất lợi cho Trung Quốc, như thắt chặt sở hữu trí tuệ vốn đã được nới lỏng hơn so với phiên bản cũ TPP…

Liệu Trung Quốc chấp nhận đến sau và là một người chơi bình thường phải tuân thủ bộ khung đã được Quốc hội 11 nước thành viên thông qua? Dĩ nhiên, Bắc Kinh không muốn điều đó, nhất là khi âm mưu bành trướng, thao túng của quốc gia này ngày một rõ ràng.

Kịch bản CPTPP mở rộng trở thành lãnh địa cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung rất dễ xảy ra, và khi đó những gì tốt đẹp nhất của một FTA mà các thành viên còn lại mong muốn khó lòng đạt được.

Như vậy, CPTPP có bị biến dạng hay không còn phụ thuộc vào quan điểm của các thành viên.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp