Con đường cuối cùng của quá trình chuyển đổi năng lượng mở ra điều gì

14:00 | 14/06/2021

6,304 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phạm vi rủi ro đối với lĩnh vực này phụ thuộc và các kịch bản chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Quá trình chuyển đổi chậm có thể sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu thô và khí đốt đến năm 2050, không khác biệt nhiều so với hiện nay. Lĩnh vực này sẽ tiếp tục duy trì như những gì tồn tại trong hàng thập kỷ trước đây. Đó là tìm kiếm và phát triển các nguồn trữ lượng thu hồi mới, để tạo ra dòng tiền lớn.
Con đường cuối cùng của quá trình chuyển đổi năng lượng mở ra điều gì

Ở chiều ngược lại, vai trò của thượng nguồn sẽ thay đổi đáng kể nếu thế giới theo đuổi mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này. Đó là kịch bản tăng tốc chuyển đổi năng lượng (AET-2) mà Wood Mackenzie đã xây dựng. Theo kịch bản này, nhu cầu dầu thô sẽ giảm 70% và giá dầu Brent sẽ giảm xuống còn từ 10 - 18 USD/thùng vào năm 2050. Nhu cầu và giá khí đốt cũng sẽ thấp nhưng có khả năng phục hồi tốt hơn so với dầu. Nhu cầu đầu tư mới vào các nguồn dự trữ mới sụt giảm mạnh, tức lĩnh vực thượng nguồn sẽ suy giảm mạnh.

Lĩnh vực thượng nguồn sẽ còn thu được nhiều lợi nhuận trong ngắn hạn. Chi phí thượng nguồn đang ở mức thấp trong 15 năm qua với trọng tâm là các dự án thu hồi vốn nhanh, chu kỳ ngắn. Ngày nay, rất ít công ty sẵn sàng đầu tư vào các dự án lớn cần nhiều vốn, chu kỳ thu hồi vốn dài vì lo ngại rằng, lợi nhuận sẽ bị suy giảm do nhu cầu và giá dầu suy yếu. Ngày càng ít các công ty dầu khí tiến hành khoan các giếng thăm dò có độ rủi ro cao.

Sự không chắc chắn của lĩnh vực thượng nguồn liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng đang làm nổi bật những xu hướng hiện nay như phát triển NLTT, phát triển công nghệ hydro, lưu trữ năng lượng. Nếu đầu tư vào thượng nguồn không tăng sẽ khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn và đẩy giá dầu lên cao vào cuối thập kỷ này.

Phát triển khí, giảm carbon

Các chuyên gia của Wood Mackenzie cho rằng, điều này là chắc chắn. Ngày nay, dầu thô vẫn thu hút khoảng 60% vốn đầu tư thượng nguồn vì các dự án sản xuất dầu thu được nhiều lợi nhuận hơn. Các dự án khí đốt có xu hướng sử dụng vốn nhiều hơn với thời gian hoàn vốn dài hơn. Điều này làm giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, thế giới sẽ cần nhiều khí đốt hơn nên lĩnh vực này phải tìm cách tạo ra lợi nhuận có thể chấp nhận được từ các dự án khí đốt quy mô lớn. Các công ty khai thác dầu khí nên tăng mục tiêu về giảm phát thải vì lĩnh vực thượng nguồn là khâu dễ dàng nhất trong chuỗi giá trị dầu khí để khử carbon. Định giá carbon sẽ hữu ích nhưng ngành công nghiệp dầu khí cần bỏ tư duy rằng, quá trình khử carbon là trung tâm của chi phí. Các công ty dầu khí hoàn toàn có thể giảm tình trạng rò rỉ metan, giảm phát thải CO2. Phát triển các tài sản carbon thấp, trong đó có khí đốt sẽ làm giảm cường độ carbon trong danh mục đầu tư.

Cơ hội sáp nhập

Việc hợp nhất trong lĩnh vực thượng nguồn đã diễn ra suôn sẻ trong những năm gần đây. Khi các yếu tố liên quan đến dầu thô và khí đốt vượt ra ngoài tốc độ tăng trưởng trong thập kỷ này hoặc xa hơn nữa, các công ty dầu khí sẽ tìm kiếm lợi thế theo quy mô để tăng tỷ suất lợi nhuận. Ví dụ tại Mỹ, có khoảng 1.700 công ty khai thác dầu khí có sản lượng dưới 15.000 thùng dầu quy đổi/ngày. Nhiều công ty trong số đó sẽ “chết dần” vì thiếu tài chính. Trong khi 250 công ty khác, bao gồm các công ty dầu khí toàn cầu, công ty tư nhân lớn, có sản lượng trên 30.000 thùng dầu quy đổi/ngày. Đây là cơ hội lớn để sáp nhập.

Ngành công nghiệp dầu khí buộc phải thích ứng với thời cuộc. Một số công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực thượng nguồn đang tích cực cơ cấu lại tài sản thượng nguồn. Các công ty tư nhân không bị ràng buộc về trách nhiệm với môi trường, xã hội, nhà nước có thể sẽ có lợi thế cạnh tranh. Các công ty dầu khí lớn sẽ tìm cách chứng minh giá trị và khả năng tiếp cận vốn của mình như xây dựng danh mục đầu tư mới theo khu vực hoặc chuyên đề, mở rộng hoạt động trong lĩnh vực NLTT. Những ví dụ điển hình là sự điều chỉnh chiến lược hoạt động, mục tiêu sản xuất kinh doanh dài hạn của một số tập đoàn dầu khí lớn như BP, Eni, Shell, Equinor, Total.

Các công ty dầu khí nhà nước (NOCs) hiện kiểm soát gần 50% sản lượng dầu khí toàn cầu, dự kiến sẽ gia tăng thị phần. Một số NOCs sẽ củng cố danh mục đầu tư của mình bằng cách mua chọn lọc các tài sản mà các công ty dầu khí quốc tế (IOCs) thoái vốn.

Dựa trên các mô hình dự báo, Wood Mackenzie đánh giá, lĩnh vực này vẫn có giá trị lớn, biến động trong khoản từ 9.000 tỷ USD đến 23.000 tỷ USD trước thuế. Thị phần của các nhà khai thác dầu khí là từ 3.300 tỷ USD đến 8.700 tỷ USD. Biên độ giá trị lớn như trên xuất phát từ sự biến động của giá dầu và khí đốt, liên quan đến tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ và kịch bản AET-2. Khi con đường cuối cùng của quá trình chuyển đổi năng lượng mở ra, các quyết định của các chính phủ, NOCs và IOCs và những tay chơi khác trên thị trường sẽ đóng vai trò rất quan trọng để tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp thượng nguồn.

Tiến Thắng