Có số phận hay không?

07:00 | 22/06/2013

10,538 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người ta rất hay nói đến số phận và trong xã hội hiện nay, khi niềm tin bị khủng hoảng, bị cuốn trôi theo nhịp sống gấp gáp và theo các chân giá trị bị đảo ngược thì có rất nhiều người tin vào số phận. Vậy có số phận thực sự hay không hay chỉ là một cách giải thoát tinh thần, một phép “ru ngủ” hiện thực của con người?

“Há miệng chờ sung”

Một minh chứng rõ rệt cho việc con người tin vào số phận ấy chính là việc “người người đi lễ, nhà nhà đi lễ” hiện nay. Không phải họ đi lễ theo ý nghĩa, quan niệm của người xưa hay tự thân nó vốn có là để tâm an, để “thiền” trong tinh thần rồi từ đó tiếp thêm năng lượng sống cho bản thân, hướng thiện bản thân mà hoàn toàn theo thực dụng của đời sống như cầu tài, cầu lộc (là chủ yếu), một nhu cầu rất “người trần mắt thịt”. Và hệ lụy của việc đó là thần thánh bị phỉ báng, bị mang ra như một món hàng để “mua đi bán lại” với biểu hiện “tốt lễ dễ kêu”. Còn những nơi sinh hoạt tín ngưỡng biến thành một cái chợ “buôn bán” may mắn.

Đấy, như “khai ấn đền Trần”, theo nghiên cứu của TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học: gốc gác chỉ là một nghi lễ dành cho vua quan khi kết thúc và bắt đầu công việc của một năm  mới. Thế nhưng khai ấn đền Trần trong xã hội hiện đại đã bị thực dụng hóa với ý nghĩa, nếu ai cướp được ấn sẽ gặp nhiều may mắn, thăng quan tiến chức… Thế là chuyện “cướp” xảy ra một cách đúng nghĩa trong lễ hội Khai ấn đền Trần. Mà đã “cướp” thì phải chen lấn xô đẩy, phải giẫm đạp lên nhau… để cướp cho bằng được và không kể già trẻ, gái, trai, tất cả đều xông vào cướp! Đương nhiên trong số đó đối tượng trẻ chiếm tỷ lệ nhiều nhất.

Nhiều người tin rằng: "Tốt lễ dễ kêu"

Nói đến người trẻ, giờ phải công nhận người trẻ đi lễ nhiều thật, hơn cả người già, những người vẫn được cho là “tăng ni phật tử”, lấy chùa chiền làm vui. Đến chùa vào những dịp mồng Một, ngày Rằm, giới trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu  niên “rồng rắn lên mây” nối đuôi nhau đi lễ phủ, chùa. Chùa càng to, phủ càng lớn, người trẻ càng nhiều. Các em tin rằng năng lễ bái, “số phận” của các em sẽ tốt hơn, thần thánh sẽ “phù hộ” cho các em nhiều hơn theo kiểu “ngồi chơi cũng xơi bát vàng”. Đó cũng là minh chứng cho việc người ta đang tin vào số phận.

Thậm chí, có một thanh niên có học hành hẳn hoi, sinh ra và lớn lên ở nơi văn minh đô thị hẳn hoi, vậy mà tin vào “số phận” đến mức: lá số tử vi của anh do một người quen “lập” cho thấy anh có số “làm quan”, sẽ giàu sang, phú quý. Vì tin vào điều này mà tính đến nay, đã tốt nghiệp đại học hơn 5 năm, nhưng chưa bao giờ anh quan tâm đến những tuyển dụng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bởi theo anh nó chỉ tuyển công chức bình thường trong khi “số” anh phải “làm quan” do đó khi nào có tuyển dụng “làm quan” anh sẽ đi tuyển dụng. Kể cả khi bố mẹ anh đã than phiền: “Thôi, cứ làm nhân viên thường đã để trước hết tự nuôi sống mình sau đó cố gắng để “làm quan” chứ đừng dựa dẫm vào bố mẹ”. Nhưng anh vẫn phớt lờ và cho rằng: “Số đã làm quan thì không có gì phải cố gắng, tự nó sẽ đến, không sớm thì muộn. Sốt ruột cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì”. Kết cục là đến nay anh vẫn thất nghiệp trong tình trạng túi rỗng, đầu óc trống không để há  miệng chờ sung”.

Tương tự, một cô gái quê Nam Định, nước da trắng sáng, mướt… như da em bé, xinh xắn, tươi tắn đến nỗi bao nhiêu chàng trai ở làng trên, xóm dưới ngấp nghé, “trồng cây si” ở nhà cô không biết bao lâu mà kể. Song cô đều nhất mực từ chối chỉ vì mỗi lý do: cô đi xem bói và “thầy” nào cũng phán rằng, sau này dù nhà cô trai, gái đủ cả nhưng chẳng ai giữ thờ tự tổ tiên ngoài cô. Không phải họ không có trách nhiệm mà là “số” cô phải lo đèn nhang cho ban thờ ấy thì đại gia đình cô mới yên. Vậy là tin vào “số phận” do các thầy bói phán mà cô không chịu lấy chồng, cho dù trước khi nhắm mắt, bố cô chăng chối đi chăng chối lại: “Số phận do mình tạo nên chứ không phải do bất kỳ ai tạo nên cho nên con nhớ đi lấy chồng, đừng ở vậy mà sau này khổ lắm”.

Tính cách tạo nên số phận

Với cuộc đời tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa tâm linh, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng cho rằng, có thể người nào cũng nói đến số phận nhưng định nghĩa thế nào về số phận và số phận có thực sự hay không thì chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này. Tuy nhiên, theo cảm quan của ông thì “số” dường như được hiểu: những điều đã được định đoạt trước bởi một thế lực siêu hình cho cuộc đời của một con người nhất định (phận). Nôm na là phận con người  như thế nào đều do các thần linh sắp đặt trước. Điều này có thực không?

GS Ngô Đức Thịnh nhận định: “Số phận là có nhưng do chúng ta tạo nên chứ không phải do “thần lực” nào tạo nên. Bởi chả có câu: “Tính cách tạo nên số phận” đó sao”. Nhưng bên cạnh đó lại có câu: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, ý vẫn muốn nhấn mạnh số phận con người phụ thuộc vào sự quyết định của “thần thánh”? Trước “phản biện” này, GS Ngô Đức Thịnh lại giải thích: “Tính cách ấy không phải do “trời” sinh như nhiều người nghĩ mà nó là kết tụ của rất nhiều yếu tố khi con người sinh ra như: môi trường, thời gian, địa lý. Bởi cụ thể vào khoảng thời gian đó, ở môi trường đó, địa điểm đó… con người sinh ra sẽ chịu những tác động nhất định của vũ trụ và từ sự chịu tác động này, tính cách của con người sẽ hình thành. Số phận của con người lại được “soi” ra từ tính cách ấy”.

Cũng vì điều này, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, tử vi là một môn khoa học chứ không phải mê tín dị đoan do được xác lập trên cơ sở hoạt động của vũ trụ, hoàn toàn không phải do sự mê muội của con người mà ra. Và những dự đoán từ tử vi theo GS Ngô Đức Thịnh phải trải qua bao nhiêu chiêm nghiệm mới đúc kết nên, không thể tự nhiên mà có được. Ông cũng nói thêm, hiện có rất nhiều người tự nhận mình biết xem tử vi. Nhưng thực tế không hẳn vậy vì xem tử vi khó nhất chính là trên cơ sở hoạt động của vũ trụ thời điểm con người ấy sinh ra thông qua chòm sao chiếu mệnh, ngũ hành… để “đọc” ra tính cách rồi ra số phận của con người đó. Người nào xem được như vậy mới là giỏi, là khẳng định được sự am hiểu tử vi của mình.

“Còn người đã xem tử vi cho anh chàng có số làm quan” trên đây, tôi cho là vớ vẩn. Vì ít nhất tính cách và số phận của anh ấy đã mâu thuẫn với nhau rồi”, GS Ngô Đức Thịnh nói. “Bởi vậy, nói “tính cách tạo nên số phận” hay số phận do chính chúng ta tạo nên là thế”, GS Ngô Đức Thịnh khẳng định.

Thế nhưng, trước vấn đề “số phận” vẫn có câu hỏi nghi vấn tại sao trong thực tế, có những người làm việc gì cũng xuôi chèo  mát mái” đến nỗi có cảm giác như họ “tốt số” trong khi có những người làm chật vật mãi không xong hoặc giả có nhiều người nghèo khổ, rõ ràng chăm chỉ hẳn hoi thế mà vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo đói. Còn có người giàu, hình như “vẩy” tay cũng ra tiền. Vậy ở đây, số phận có thực sự do con người quyết định không? Giải thích điều này, GS Ngô Đức Thịnh phân tích: “Như đã nói trên, tính cách tạo nên số phận do đó ở đây không nên và không thể nhìn nhận câu chuyện theo góc độ mê tín mà nên dưới góc độ khoa học, duy vật. Với các trường hợp “đối nghịch” trên, thì vẫn phải công nhận một điều, một người thuận lợi hơn trong công việc, giàu có chắc chắn phải hơn hẳn những người không bằng họ ít nhất là về đầu óc tính toán, độ nhạy cảm, sự sắp xếp công việc…

Còn về “cái chết”, một điểm rõ nhất mà người ta cho rằng: con người không thể quyết định được ngoài “thánh thần” đã sắp cho trong số phận vì “trời gọi ai, người ấy dạ” thì mặc dù chưa có một cơ sở khoa học cụ thể nào để thể chứng minh nhưng GS Ngô Đức Thịnh quả quyết: “Nếu nhìn xuyên suốt và thấu đáo  một đời người thì chắc chắn “cái chết” cũng là hệ lụy của một quá trình sống đó. Giống như người bị tai biến thì phải có bệnh huyết áp cao, người ung thư phổi thì thường hút thuốc lá hoặc làm việc trong môi trường không bảo đảm… Nghĩa là cái gì cũng phải có cơn cớ của nó chứ không thể tự nhiên xảy ra được”.

Cho nên những người đang tin vào “số phận” và cho rằng số phận không phải do con người tạo nên đó là những người đang tự “ru ngủ” mình, không đặt niềm tin vào ngay bản thân mình…

Nguyễn Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc