Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng sẽ khởi kiện URC, nếu...

07:15 | 03/06/2016

1,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Nếu được người tiêu dùng đề nghị, chúng tôi sẽ khởi kiện URC" - Tiến sỹ Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói trong buổi làm việc với PetroTimes  vào ngày 2/6.
hoi bao ve nguoi tieu dung se khoi kien urc neu
Tiến sỹ Vương Ngọc Tuấn

Liên quan đến việc các sản phẩm C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Hà Nội có hàm lượng chì vượt ngưỡng, sáng 2/6, trao đổi với phóng viên báo điện tử PetroTimes, Tiến sỹ Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm: Nếu như khi sản xuất sản phẩm C2, Rồng đỏ, công ty URC đã biết trong nguyên liệu có hàm lượng chì cao nhưng họ vẫn đưa vào sản xuất thì đáng lẽ ra với những sản phẩm đó, phải xử lý thật đảm bảo để sản phẩm cuối cùng hàm lượng chì không vượt ngưỡng cho phép.

Bên cạnh đó, khi phát hiện ra sản phẩm không đạt chuẩn, có hàm lượng chì vượt ngưỡng, doanh nghiệp phải thu hồi sản phẩm đã bán ra nhưng trong vụ việc này phần lớn các sản phẩm đã được tiêu thụ. Như vậy:

Thứ nhất: Sản phẩm mà người tiêu dùng bỏ tiền ra mua là sản phẩm không đạt chuẩn, không dùng được, công ty URC phải trả lại tiền cho người tiêu dùng.

Thứ hai: Bộ Y tế đã thanh tra và chứng minh sản phẩm của URC có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép, điều này gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Vậy nên người tiêu dùng cần phải được bồi thường. Điều 23 Luật Bảo vệ người tiêu dùng có quy định điều này.

Tuy nhiên, trong trường hợp này rất khó để bồi thường cho từng cá nhân cụ thể bởi người tiêu dùng thường mua nhỏ lẻ những sản phẩm này và khi uống xong đã vứt vỏ, chai lọ nên không thể nhớ được đã từng uống sản phẩm thuộc lô này hay không.

Người uống cũng không biết mình đã uống sản phẩm có nhiễm chì hay không nhưng có một điều chắc chắn là một lượng không nhỏ nước nhiễm chì đã bán ra hết.

Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải bồi hoàn cho người tiêu dùng khi các sản phẩm họ bán ra chất lượng không đạt tiêu chuẩn, chứa hàm lượng chì cao gây tổn hại đến sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng. Cơ quan chức năng tiến hành xử phạt URC số tiền hơn 5.8 tỷ đồng thì khoản tiền đó bao gồm tiền xử phạt hành chính vì đã vi phạm quy định trong sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, đó cũng là tiền thu hồi giá trị lô hàng đã bán cho người tiêu dùng.

Ở một góc độ khác, tôi thấy phải đánh giá, xác định mức độ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng và có mức bồi hoàn hợp lý.

Số tiền URC đã nộp phạt đó có tương đương không? Mức độ xử phạt như vậy là cao hay thấp? Ở đây chưa có phương pháp cụ thể để xác định.

Về nguyên tắc, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có khả năng đại diện người tiêu dùng khởi kiện Công ty URC đòi lại quyền lợi cho người tiêu dùng khi họ có kiến nghị và họ đồng thuận về việc đó.

Theo Tiến sỹ Tuấn, những năm trước đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã từng giúp người dân trong việc lấy lại công bằng trước các doanh nghiệp.

hoi bao ve nguoi tieu dung se khoi kien urc neu
Nước giải khát C2 vẫn đang được bày bán tại siêu thị

Đó là vào năm 2013 tại Bến Tre đã xảy ra 02 vụ ngộ độc bánh mì kẹp thịt, có 246 người tiêu dùng(NTD) phải nằm viện điều trị (Cơ sở bánh mì Minh Tuyến: 190 người; cơ sở bánh mì Hồng Thu: 56 người). Nguyên nhân là bơ hột gà, thịt heo ram, chả lụa bán kèm trong bánh mì bị nhiễm khuẩn Escherichia coli, Salmonella spp. Trong đó, có 22 NTD khởi kiện Chủ Cơ sở Minh Tuyến yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ theo quy định của pháp luật (có 03 nguyên đơn (NTD) rút hồ sơ khởi kiện. Lý do: Hồ sơ không đủ giấy tờ hợp lệ. Còn lại 19 người tiêu dùng theo đuổi vụ kiện.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến tre đã đại diện người tiêu dùng, hỗ trợ và tiến hành theo đuổi vụ kiện. Vụ kiện đã kéo dài 2 năm đến tháng 8/2015.

Kết quả Người tiêu dùng đã thắng kiện: 19 vụ đủ điều kiện khởi kiện (02 vụ xét xử sơ thẩm, 17 vụ hoà giải) đã thắng kiện và hoà giải thành công.

Trước đó, Thanh tra Bộ Y tế đã công bố kết luận thanh tra Công ty TNHH URC và mức xử phạt công ty này.

Theo đó, URC phải nộp phạt số tiền 5.8 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng buộc Công ty TNHH URC Hà Nội khắc phục ngay điều kiện kho bảo quản như đã nêu.

Đơn vị này cũng phải thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm thực phẩm có kết quả kiểm nghiệm không đạt nói trên để xử lý theo quy định.

 

Xuân Hinh - Hoàng Cư