Có nên áp dụng Bộ luật Hình sự đối với trẻ từ 14 đến dưới 16 tuổi?

11:10 | 08/06/2017

1,328 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có nên mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với trẻ từ 14 đến dưới 16 tuổi là vấn đề gây nhiều tranh luận khi Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.

Nhiều ý kiến trái chiều

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 vào ngày 24-5 vừa qua, rất nhiều đại biểu quan tâm đến phạm vi trách nhiệm hình sự (TNHS) của trẻ em phạm tội, khi bộ luật này quy định độ tuổi phải chịu TNHS được giảm so với các phiên bản luật trước xuống mức từ 14 đến dưới 16 tuổi với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

co nen ap dung bo luat hinh su doi voi tre tu 14 den duoi 16 tuoi
Bà Bùi Thị An

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án. Phương án thứ nhất, giữ nguyên quy định của BLHS 2015, đối với 3 tội: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội hiếp dâm (Điều 141) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), thì người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về cả tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiệm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Phương án 2 là giữ nguyên như Dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu TNHS về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.

Một số đại biểu đã bày tỏ quan điểm đồng tình với việc áp dụng BLHS đối với trẻ từ 14 đến dưới 16 tuổi vì lý do: Tuổi từ 14 đến dưới 16 phạm tội là cá biệt nhưng lại gây bất an cho số đông, luôn tạo cho mọi người cảm giác lo âu, sợ hãi, vì thế luật phải bảo vệ cho số đông. Luật xử nghiêm đối tượng này chính là xử một người nhưng cứu muôn người. Tuy nhiên, có không ít đại biểu Quốc hội cho rằng, mức áp dụng này là hình phạt quá nặng đối với trẻ vị thành niên.

Đơn cử như ý kiến của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), thì việc áp dụng BLHS 2015 là rất nặng cho trẻ em, gần như không có sự phân biệt giữa trẻ em và người lớn phạm tội. Trẻ em suy nghĩ thiếu chín chắn, có hành vi đánh nhau gây thương tích từ 11% trở lên cũng bị xử lý TNHS như người lớn là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 là các học sinh lớp 8, 9, đây là độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý dễ dẫn tới các hành động bột phát. Nên việc xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ cứng rắn.

co nen ap dung bo luat hinh su doi voi tre tu 14 den duoi 16 tuoi
Bạo lực học đường - vấn nạn cần được đẩy lùi. Ảnh minh họa

“Điều này không có nghĩa là chúng ta cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của trẻ em, mà quan trọng là khi bắt tay xử lý những trường hợp này phải tự hỏi trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu đối với những vi phạm này. Chúng ta xử lý thế nào là đúng mức, để các em có thể quay trở lại cuộc đời còn rất dài ở phía trước” - bà Nguyễn Thị Thủy nói.

Vị đại biểu này cũng kiến nghị, chỉ xử lý hình sự khi các em phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như từ trước tới nay.

Mặc dù đồng thuận với ý kiến của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy, nhưng nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An vẫn băn khoăn, lo ngại khi trên thực tế thời gian qua hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhất là tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng. Thậm chí, có một số vụ có tính chất cực kỳ nguy hiểm gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Bà Bùi Thị An cho rằng, ngoài việc tăng cường giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ em sửa đổi lỗi lầm, học tập và phát triển khi phạm tội ít nghiêm trọng, cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi phạm tội nghiêm trọng. Vì vậy, để răn đe, giáo dục cần xử lý hình sự nhưng để bảo đảm tương lai cho các em và quyền của trẻ em thì chỉ áp dụng hình phạt nhẹ hoặc các biện pháp tư pháp, các biện pháp hành chính, giáo dục.

Cần cái nhìn nhân ái

co nen ap dung bo luat hinh su doi voi tre tu 14 den duoi 16 tuoi
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em

Dưới góc nhìn của cơ quan bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Theo quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em, đối với những người chưa thành niên, nên áp dụng các biện pháp giáo dục nhằm tạo điều kiện cho họ có cơ hội sửa chữa những khuyết điểm, thậm chí trong cả trường hợp người đó vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với ý kiến của rất nhiều đại biểu Quốc hội theo hướng giảm nhẹ khung hình phạt, quy trách nhiệm đối với những trẻ em từ 14 đến dưới 16 tuổi”.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Huy An - Trưởng văn phòng Luật Huy An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, câu chuyện nên hay không nên tăng nặng TNHS đối với trẻ em vị thành niên là một vấn đề quan trọng, cần các nhà làm luật nhìn nhận một cách toàn diện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi quan điểm của BLHS là dựa trên giáo dục, răn đe, trừng phạt. Đồng thời, khoa học đã chứng minh vào độ tuổi từ 14 đến dưới 16 là độ tuổi có tâm sinh lý chưa ổn định, nên theo thông lệ các nước trên thế giới luôn áp dụng những biện pháp ngoài hình sự để xử lý. Tuy nhiên, với những tội danh đặc biệt nghiêm trọng vẫn cần phải xử lý nghiêm nhưng không nhất thiết cứ là có tội phải đưa vào tù. Bởi nhà tù không chỉ làm mất quyền tự do mà cơ hội để giáo dục những đứa trẻ này trở lại cộng đồng rất thấp.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chính tác động tới nhận thức của trẻ em độ tuổi từ 14 tới dưới 16 tuổi là gia đình và xã hội. Do đó, để xử lý các đối tượng phạm tội, bảo vệ người bị hại, cần xem xét hoàn cảnh nhân thân người chưa thành niên phạm tội để áp dụng mức hình phạt phù hợp và công bằng. Ngoài ra, cần tạo ý thức pháp luật ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cần đưa việc giáo dục pháp luật vào trong trường học để uốn nắn trẻ từ cách cư xử trong quan hệ bạn bè, thầy cô, gia đình.

Là một người mẹ, chị Mai Phương (phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong thời đại hiện nay, do áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” đè nặng nên việc bố mẹ không còn thời gian dành cho con cái ngày càng gia tăng. Trong khi đó, môi trường xã hội vốn rất nhiều cám dỗ, trẻ em vị thành niên lại đang ở giai đoạn thích khẳng định mình. Vì thế, vấn đề quan trọng ở đây không phải việc áp dụng BLHS hay không, mà là cách xử lý như thế nào để trẻ nhận ra sai lầm và cải tạo bản thân. Đồng thời, cần tăng các biện pháp giáo dục, hạn chế việc áp dụng biện pháp tù giam. Tất cả các án liên quan đến trẻ em phải xử kín, đảm bảo các cháu không bị xúc phạm và có cơ hội sửa sai về sau.

Thiên Minh - Đông Nghi