Có một hành trình Tây Bắc…

16:17 | 21/06/2013

543 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với những người làm báo lâu năm, thì Tây Bắc là điểm đến không còn quá lạ lẫm. Họ quen thuộc từng bờ cây, ngọn cỏ, từng khúc quanh, từng vách núi. Họ có thể vừa đi vừa kể về Tây Bắc của bây giờ, của ngày xưa bằng những hoài niệm còn hằn sâu trong trí nhớ và trong trái tim mình. Thế nhưng với những phóng viên trẻ như chúng tôi, Tây Bắc chỉ là một địa danh được nhắc tới trong sách vở và chúng tôi nhìn nó vừa kính nể, lại vừa lạ lùng, kỳ vĩ…

Tôi đã gặp một Tây Bắc rất khác

Trong tiết trời giá rét của những ngày đầu năm 2013, đoàn công tác của Báo Năng lượng Mới đã tổ chức chuyến đi dài ngày đến với mảnh đất Tây Bắc với mục đích mang quà tết tới cho đồng bào dân tộc ít người tại đây. Có lẽ cũng thật may mắn khi chúng tôi - những phóng viên trẻ - được tham gia chuyến đi đầy ý nghĩa này.

Chuyến đi với tổng hành trình hơn 2.300km với khối lượng hàng hóa khổng lồ gồm 1.000 chiếc chăn bông và hơn 2 tấn hàng hóa thiết yếu như bột canh, dầu ăn, bánh kẹo… đã được lên kế hoạch và chuẩn bị hết sức kỹ càng. Với đoàn công tác gồm 9 người cùng sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của công an hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, chúng tôi đã bước vào chuyến đi dài ngày đầu tiên của đời phóng viên qua các xã biên giới, vùng sâu của các huyện vùng cao Tây Bắc.

Với những người đã nhiều năm làm báo thì Tây Bắc đã trở thành một nỗi niềm riêng, một miền riêng trong trái tim, trong trí nhớ và mỗi lần lên Tây Bắc đã đều như một cuộc trở về. Nhưng với những người trẻ như chúng tôi, chuyến đi Tây Bắc lần này vừa phấn khích, vừa e dè, bởi tất cả những gì chúng tôi biết về miền đất này chỉ qua những thước phim tài liệu hay chỉ bài thơ được ghi lại trong những tháng ngày kháng chiến và dựng xây trong quá khứ.

Chúng tôi đã từng học thuộc lòng những vần thơ đầy trăn trở của nhà thơ Chế Lan Viên “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc?/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu/ Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”. Chúng tôi đã từng biết đến vùng đất này qua những bài hát “Đường lên Tây Bắc xa xôi/ Nếp nhà sàn thấp thoáng… Đường lên Tây Bắc quanh co/ Tiếng chim rừng đây đó…”.  Thế nhưng đến khi dấn thân vào hành trình này, chúng tôi mới phát hiện một Tây Bắc rất khác những gì đã được học, được đọc và được nghe từ trước tới nay.

Cậu bé vượt sông Đà đi học

Hành trình đến với Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) - xã miền núi ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào và cũng là địa điểm trao quà đầu tiên - là chặng đường đầy gian khó và nguy hiểm. Đường núi liên tỉnh Điện Biên lên vùng biên giới đang được sửa chữa nên rất lầy lội, nhiều chặng đường rất khó đi, xe chỉ chạy được dưới vận tốc 15-20km/giờ. Riêng cung đường từ thành phố Điện Biên lên xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé chỉ 280km thôi mà phải đi mất 10 giờ đồng hồ.

Nói về những bãi lầy này, một nhà báo lão thành có hơn 30 năm ngang dọc trên vùng núi Tây Bắc cho biết, chúng được gọi là những “bẫy đất đặc sản” của đường miền núi. Những chiếc bẫy này được hình thành do các mạch nước từ trên núi chảy xuống những đoạn trũng trên đường. Lâu ngày tích tụ thành những túi nước, lớn thì có đường kính cả trăm mét, nhỏ thì hơn chục mét. Gặp thời tiết ẩm ướt, nước mưa xói mòn, khi ấy những chiếc bẫy này mới lộ ra. Xe nào sa vào, bánh xe lập tức mất độ bám do đất cực mềm, nhão nên quay tít, xoay vòng tại chỗ. Người có kinh nghiệm đi đường rừng không bao giờ dám chủ quan chạy tốc độ cao trên cung đường Tây Bắc.

Sau Sín Thầu, chúng tôi đến với các xã vùng cao Chà Cang, Kan Hồ của Mường Nhé, Mường Tè của tỉnh Điện Biên và các xã Dào San, Tông Qua Lìn, Ma Li Chải của tỉnh Lai Châu... Qua những phút ngần ngại, lạ lẫm ban đầu, chúng tôi đã quen thuộc và yêu thương những cung đường quanh co, khúc khuỷu; những thửa ruộng bậc thang chỉ còn trơ gốc rạ, những bờ vực, những đèo, những núi… của vùng biên này.

Một trong những địa điểm khiến chúng tôi chờ đợi chính là sông Đà cùng chuyến đi “mạo hiểm” trên sông bởi cuộc hành trình của chúng tôi có đến 2/3 là dọc ngang dòng sông. Chúng tôi đã biết đến sông Đà qua ngòi bút tài hoa tuyệt diệu của nhà văn Nguyễn Tuân với vẻ đẹp đầy hung bạo mà vẫn rất trữ tình. Chúng tôi đã háo hức mong chờ được nhìn thấy một con sông Đà của nghệ thuật, lúc thì “như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”; lúc lại “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng Hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.

Thế nhưng con sông Đà của ngày hôm nay không còn có được nét đẹp vừa ngược ngạo, vừa lãng mạn của “Đà giang độc bắc lưu” trong trí tưởng tượng của chúng tôi. Do việc chặn dòng sông Đà phục vụ cho việc xây dựng thủy điện Sơn La, dòng sông trở nên lặng lẽ và hiền hòa, tất cả những gì gợi nhớ tới sự bạo liệt của của thác gềnh thuở nào chỉ còn trơ ra những gềnh đá mốc thếch, lởm chởm. Nhìn dòng sông êm đềm này, không ai có thể tưởng tượng được rằng trong quá khứ nó đã nhấn chìm cả một thị xã Điện Biên cũ; để hôm nay bên bờ Đà Giang, một thị xã Mường Lay mới đã được xây dựng, còn thơm mùi vôi mới và rực lên màu ngói đỏ.

Với những người lần đầu đặt chân tới nơi đây, Tây Bắc đã không còn là vùng đất hoang vu, xa cách nơi địa đầu Tổ quốc; cũng không còn vẻ đẹp lãng mạn đến mơ hồ của những vần thơ, những câu ca… mà hiện ra với sự vươn lên và phát triển mạnh mẽ. Tây Bắc đã cho chúng tôi thấy những ngôi nhà sàn nằm vắt lên sườn núi bên cạnh những ngôi nhà ngói đỏ, tường vàng cùng những con đường bê tông của Mường Tè, Mường Lay; những đường điện nối liền bản làng, thôn xóm; những cây cầu kiên cố, những nụ cười, nét mặt tươi vui và hồn hậu của bà con dân tộc ít người…

Ấm áp tình người

Trong những ngày cùng nhau vượt qua mưa dầm, đường lầy lội, chia nhau miếng xôi khô, chén rượu nhạt… chúng tôi đã hiểu và nhận ra rằng, nếu không có sự đồng hành, giúp đỡ của người bạn rất giản dị, nhiệt tình thuộc lực lượng Công an hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu thì không có cách nào vận chuyển hàng hóa lên các bản, xã nói trên cũng như hoàn thành toàn bộ hành trình một cách an toàn.

Ban Giám đốc Công an Lai Châu và Điện Biên đã cử đội xe đặc chủng gồm 5 chiếc của cảnh sát cơ động phục vụ chở hàng và hộ tống đoàn. Đây là xe chuyên dụng với máy hai cầu, gầm cao, được trang bị lốp đặc biệt chuyên băng rừng và chỉ được dùng để chuyển quân trên các vùng biên giới Tây Bắc. Trong suốt 7 ngày, mỗi xe thường trực 4 chiến sĩ gồm hai tài xế thay phiên nhau lái, hai chiến sĩ phụ trợ việc dỡ hàng, xử lý các sự cố.

Để trao tận tay những món quà là những hộp bánh, hộp kẹo, tiền để bà con có một cái tết Quý Tỵ thật ấm áp, đầy đủ, đoàn từ thiện đã vượt qua nhiều cung đường ghập ghềnh, hiểm trở của núi rừng Tây Bắc. Thế nhưng bỏ qua những giọt mồ hôi, những vất vả khi vượt núi, băng rừng để mang tới đây một cái tết đầy đủ hơn, điều chúng tôi nhận được đáng quý nhất chính là tấm lòng của những người dân nơi đây dành cho đoàn.

Tại điểm trao quà tại bản Nậm Luồng, xã Kan Hồ (huyện Mường Tè, tỉnh Điện Biên), chúng tôi đã được bà con dân tộc Cống đón chào bằng những cái siết tay ấm nóng, thân tình; là sự chào đón nồng nhiệt, là nụ cười tươi rói khi nhận được quà là chiếc chăn bông ấm áp, là những gói bánh, gói kẹo, dầu ăn, muối… Bản Nậm Luồng là bản vùng sâu, bà con phải vượt gần 20km đường rừng mới ra đến điểm nhận quà, họ phải dậy từ 4,5 giờ để đi bộ và mặc những bộ quần áo sặc sỡ nhất mà chỉ tết hay ngày lễ mới dám diện. Nhìn bà con rạng rỡ với những món quà ấm tình người trong tay, rảo bước trên sườn núi, qua cây cầu treo Pô Lếch chênh vênh, tất cả những thành viên trong đoàn - đặc biệt là những phóng viên trẻ như chúng tôi đều xúc động đến nghẹn lời.

Qua Điện Biên, chúng tôi đến với xã Tông Qua Lìn (huyện Tam Đường) và xã Dào San (huyện Phong Thổ) của tỉnh Lai Châu, đúng lúc cái rét căm căm của miền núi ùa về kèm với mưa phùn lất phất, trái ngược hẳn với cái ấm nóng của Điện Biên. Tại những điểm từ thiện này, chúng tôi đã bắt gặp những em học sinh co ro trong manh áo mỏng với những đôi dép đã rách bươm, không áo khoác, không giày tất ùa ra đón đoàn công tác. Nhìn những đôi môi tím tái, khô rang, những bàn chân, bàn tay se sắt trong gió lạnh nhưng lại sáng lên vẻ hồn nhiên, rạng rỡ, chúng tôi chợt thấy lòng mình se lại.

Tại điểm Trường THCS Dân tộc nội trú Dào San, đây là trường nội trú duy nhất của huyện. Cả trường có 2 dãy nhà cấp 4, mỗi dãy có 5 phòng ở khoảng 16m2 cho 6 học sinh. Tường vàng, ngói đỏ cùng sắc hồng của những cây đào rừng trong khuôn viên trường như muốn xóa tan cái giá rét của vùng đất khắc nghiệt, nghèo khó này.

Đón chúng tôi bằng những bàn tay lạnh cóng không găng, những đôi chân không tất, những chiếc áo khoác mỏng manh nhưng nụ cười luôn nở trên môi trong tiết trời giá rét. Cô giáo Trần Thị Thanh (GV dạy Sử) quê Phú Thọ nắm chặt tay chúng tôi: “Lâu lắm rồi chúng em không gặp người dưới xuôi lên …”. Những cô giáo, thầy giáo nơi đây đã phải chấp nhận bỏ lại gia đình, người thân để “cắm làng, cắm bản”, để mang con chữ đến với học sinh vùng cao. Không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình học sinh, nhưng các thầy, các cô không từ bỏ mà càng kiên trì hơn, càng tận tâm hơn với những đứa trẻ của mình.

Thế nhưng trong giây phút chia tay, chúng tôi vẫn thấy đâu đó trong đôi mắt những người thầy, người cô nơi vùng cao Tổ quốc này phảng phất nét buồn và bâng khuâng đến khó tả. Các thầy cô cố giấu những tiếng thở dài, những câu nói nghẹn lời khi gặp người dưới xuôi, mà chỉ thể hiện bằng ánh nhìn đầy day dứt, những cái siết tay ấm nóng như muốn nói rằng “Hãy làm hơn nữa cho đồng bào Tây Bắc”.

Kết thúc 7 ngày rong ruổi trên những cung đường quanh co, kết thúc những ngày “mang áo ấm đến cho đồng bào vùng cao”, trong mắt chúng tôi giờ đây, Tây Bắc không chỉ đẹp đến nao lòng; không chỉ hoang sơ, hùng vĩ đến lãng mạn mà còn đó một Tây Bắc nhiều thương khó, lắm gian lao. Chúng tôi đã nhận ra rằng đồng bào mình nơi phên dậu còn vô cùng vất vả và khi về thêm thấu hiểu để tự nhủ rằng mình phải sống khác - sống phải cho đi như một sự nhận về…

Vương Tâm