"Cô giáo" U80 và lớp học đặc biệt

14:00 | 05/10/2013

1,172 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lớp học đặc biệt của bà giáo già 81 tuổi Hồ Hương Nam tại An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) có lẽ là lớp học đặc biệt nhất Thủ đô. Suốt 16 năm nay, bà cần mẫn lên lớp dạy dỗ những học sinh bị thiểu năng trí tuệ.

Lớp học có một không hai

Chúng tôi đến thăm Lớp học đặc biệt của bà Nam được đặt ở một góc nhỏ của khuôn viên Trường THCS An Dương vào một ngày cuối thu. Đang trong giờ học, cả lớp im phăng phắc. Học sinh cặm cụi tập viết, còn bà giáo già ngồi chấm bài. Thấy có người lạ bước vào lớp, lớp trưởng đứng lên dõng dạc: “Các bạn đứng”, cả lớp đều đứng dậy chào khách.

Đây là điều rất bình thường ở những lớp học khác, nhưng để học sinh thiểu năng, khuyết tật đi vào nền nếp như vậy là cả một quá trình dạy dỗ gian nan của bà giáo già Hồ Hương Nam.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng bà Nam vẫn miệt mài với lớp học đặc biệt của mình

Mặc dù đã ở tuổi 81 tuổi, dù lưng đã hơi còng, tóc đã bạc nhưng bà giáo trông vẫn hoạt bát, với khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt sáng tinh anh. Vẫn giữ được một chất giọng nhẹ nhàng, ấm áp của người con xứ Huế, bà trâm ngâm kể: Bà là người gốc Huế, dạy học ở Quảng Bình được hai năm. Năm 1957, bà theo chồng chuyển ra Hà Nội sinh sống. Chồng bà là giáo viên trung văn còn bà dạy tiểu học. Sinh được ba người con, bà Nam sớm phải một mình gánh vác việc gia đình khi chồng sớm qua đời”.

Từng là giáo viên nên khi nghỉ hưu năm 1979, bà cảm thấy hụt hẫng, nhớ trường lớp. Hơn nữa, nỗi buồn chồng mất, các con đã lớn, ở nhà thấy buồn khiến bà muốn làm việc để nguôi ngoai và bà đã tham gia làm cộng tác viên dân số ở phường.

Suốt 16 năm qua, bà giáo Hồ Hương Nam "gieo chữ" cho trẻ khuyết tật khắp thành phố Hà Nội

Mỗi lần đến nhà dân, gặp những đứa trẻ khuyết tật không được đi học bà thấy rất thương chúng. Sinh ra chúng đã chịu nhiều thiệt thòi, lại không được đi học, chơi đùa với bạn bè càng thiệt thòi hơn. Từ đó, bà muốn dạy cho những trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ này. Nhưng thật bất ngờ khi bà đi ngỏ lời, vận động với bố mẹ chúng thì họ lại phản đối, phần vì bà đã động đến nỗi đau của họ, phần vì bố mẹ chúng cho rằng chúng có học cũng như không.

Suốt nhiều tháng trời, bà đến từng nhà khiên trì thuyết phục với lời hứa nếu trong một tháng chúng không tiến triển bà sẽ trả chúng về cho gia đình, họ mới đồng ý.

Gieo “con chữ”, coi trẻ khuyết tật như con cháu mình

Khó thể kể hết về những khó khăn ngày đầu thành lập lớp cách đây 16 năm. Vận động phụ huynh mãi mới được 2 cháu đi học nhưng bà vẫn dạy. Chỉ mấy tháng sau có thêm 4 cháu vào lớp. Địa điểm lớp không có nay mượn trụ sở tuần tra phường, mai mượn nhà trẻ. Nhiều người dân trong khu phố nhìn bà với ánh mắt ái ngại, cho rằng bà gàn dở, dạy người khôn không dạy lại đi dạy “người dở, người dại”.

Học được vài năm, trụ sở tuần tra bị phá để xây nhà văn hóa, bà Nam dắt díu học trò đến học nhờ trường mầm non, nhưng trường cũng không còn phòng nào có thể dành cho bọn trẻ. Không nản lòng, bà gõ cửa khắp nơi, năm 2002, bà được Ban giám hiệu Trường THCS An Dương cho mượn một lớp học nhỏ. Từ đó lớp học có địa điểm ổn định, khang trang.

Các học sinh của bà Nam trong một tiết học

Tiếng lành đồn xa, số học sinh trong lớp cứ tăng dân lên. Khai giảng năm học 2013 - 2014, lớp học có 15 học sinh, nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất đã ngoài 30 tuổi. trong đó có 11 học sinh là con em tại phường, 4 em học sinh ở các quận huyện khác.

Trong lớp có cậu học sinh Lưu Hồng Dương phải dùng xe lăn nên không thể tự đi vệ sinh vậy nên mỗi lần có "nhu cầu", bà Nam đẩy xe lăn đưa cậu ra nhà vệ sinh.

Hàng ngày bố Lưu Hồng Dương vẫn kiên trì đẩy xe lăn đưa em theo học chữ

Ông Lưu Văn Ba, bố Lưu Hồng Dương xúc động cho biết, Hồng Dương vừa bị liệt, vừa bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Trước đây, tính nết Dương rất cáu gắt nhưng từ khi tham gia lớp học của bà giáo Nam, Dương trở nên thuần tính, dễ bảo. Bây giờ cháu có thể diễn đạt cho người khác hiểu ý của mình, biết các con chữ, con số và công trừ đơn giản. “Trên đời này thật hiếm có người như bà giáo Nam, bà như bà tiên của bọn trẻ vậy” – ông Ba bày tỏ.

Em Nguyễn Thị Thúy, 24 tuổi là học sinh lâu năm của bà giáo Nam. Từ chỗ không biết đọc, biết viết, cô bé liệt nửa người có hoàn cảnh khá khó khăn, mẹ mất sớm, đã tìm thấy niềm vui và niềm tin vào cuộc sống nơi lớp học tình thương này. Thúy cũng là học sinh sau 16 năm theo học đã đạt đến trình độ cao nhất lớp là lớp 4, đọc thông, viết thạo và khá đẹp, làm toán nhẩm khá nhanh.

Điều đặc biệt là suốt bao năm nay bà giáo dạy học mà không lấy một đồng tiền công nào của phụ huynh. Không chỉ vậy, với những học sinh đặc biệt này, bà còn bỏ tiền túi mua bút viết, sách vở, bánh kẹo, bim bim để nịnh chúng học.

Bà Nam cho biết, học sinh trong lớp học này đủ mọi lứa tuổi, mỗi cháu là một dạng khuyết tật, trình độ tiếp thu khác nhau. Bà không thể áp dụng phương pháp giảng dạy trước kia vào dạy ở lớp học đặc biệt này. Tùy vào thể trạng và trình độ nhận thức của mỗi cháu mà có cách dạy cho phù hợp.

Bà giáo Hồ Hương Nam uốn nắn từng nét bút cho các học sinh đặc biệt của mình

Trong lớp có trường hợp của cháu Phương Anh (9 tuổi) bị câm điếc mới theo lớp nhưng lại tiếp thu khá nhanh. Cũng rất may bà đã tham gia khóa học dành cho đối tượng này mới có thể giao tiếp dạy dỗ được. Dạy những đối tượng học sinh này mà không kiên nhẫn thì không thể dạy nổi. Có cháu bà dạy mấy tháng mà không viết nổi chữ O.

Không chỉ dạy chữ, bà còn dạy học sinh những lễ nghĩa thông thường như: biết chào hỏi, mời chào bố mẹ, anh em, người quen; biết tự phục vụ bản thân…Thấm thoắt, lớp học của bà tồn tại tới nay đã được 16 năm. Có những học sinh theo lớp từ ngày đầu nay đã ngoài 30 tuổi. Bà coi những học sinh này như những người thân trong gia đình.

“Ngày nào không được lên lớp nhìn thấy chúng, tôi buồn lắm, chúng khờ khạo nhưng tình cảm chân thật lắm”. Bà Nam tâm sự, vào ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thấy các bạn học sinh trong trường mua hoa tặng thầy cô giáo, chúng cũng để dành tiền ăn sáng để mua hoa tặng bà. Có đứa mang tặng bà cái kẹo, gói bim bim. Nhận món quà từ những học sinh học sinh thiểu năng, khuyết tật mà bà thấy rưng rưng nước mắt.

Với mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hiền và dáng đi nhanh nhẹn, bà giáo Nam thực sự là "bà tiên" tốt bụng đối với những đứa trẻ ở Lớp học tình thương và những ai đã một lần được chứng kiến công việc thầm lặng mà cao cả của bà.

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc