Bản phúc trình Thượng viện Hoa Kỳ về CIA (9/12/2014):

CIA và những bí mật trong cuộc chiến chống khủng bố (Bài cuối)

07:05 | 24/12/2014

1,319 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền (trong báo cáo tháng 2/2007), không ai biết chính xác số tù nhân ma của CIA vào trước thời điểm tháng 9/2006. Washington Post miêu tả, CIA có hai tầng giam tù nhân khủng bố, trong đó có khoảng 30 kẻ khủng bố nguy hiểm được giam tại những nhà tù an ninh tuyệt đối được chính CIA quản lý và 70 nghi can ít nguy hiểm hơn được chuyển đến các nhà tù rải rác trên thế giới...

>> CIA và những bí mật trong cuộc chiến chống khủng bố (Bài 1)

Năng lượng Mới số 384

Bài cuối: Khảo cung

CIA làm gì với tù nhân?

Tháng 10/2007, CIA đã tái khởi động chương trình bắt giam mật. Từ tháng 3/2007, có 5 nghi can khủng bố mới đã được chuyển đến Guantanamo. Dù Lầu Năm Góc không cung cấp thông tin việc các thành viên Al-Qaeda bị bắt ở đâu và như thế nào nhưng họ cho biết một trong những tù nhân, Abd al-Hadi al-Iraqi, đã “ăn cơm tù” của CIA nhiều tháng trước khi được chuyển đến Cuba. Tháng 9-2007, trong diễn văn tại New York, Giám đốc CIA Michael V. Hayden nói rằng: “Không có đến 100 người” bị giam trong các nhà tù bí mật của CIA ở nước ngoài từ khi chương trình bắt đầu được tiến hành vào đầu năm 2002.

Tháng 6/2007, một liên minh các tổ chức nhân quyền đã liệt kê 39 nghi can có thể đang bị giam trong hệ thống nhà tù CIA mà nhiều người trong số đó chỉ được ghi tên (không ghi họ), chẳng hạn “Mohammed - dân Afghanistan”. Ở phần ghi chú trong báo cáo 2004 của Ủy ban Điều tra sự kiện 11/9 (Hoa Kỳ), 9 nghi can Al-Qaeda bị giam tại những địa điểm đen đã được nêu tên (7 trong số đó sau này được chuyển đến Guantanamo). Và một trong những kẻ tiếp tục bị “mất tích” là Hassan Ghul (công dân Pakistan), bị bắt tại Bắc Iraq vào tháng 1/2004. Người nữa là Ali Abd al-Rahman al-Faqasi al-Ghamdi (công dân Arập Xêút, bị bắt và giao cho Chính phủ Arập Xêút vào tháng 6/2003).

Khalid Sheikh Mohammed

Tháng 3/2007, Mariane Pearl - vợ của phóng viên Daniel Pearl thuộc tờ Wall Street Journal (người bị sát hại vào tháng 2/2002 tại Pakistan) - nhận được cú điện từ đích thân Bộ trưởng Tư pháp Alberto Gonzales, cho biết tên khủng bố Khalid Sheikh Mohammed (bị bắt năm 2003) đã thú nhận mình là thủ phạm bắt cóc và chặt đầu Daniel Pearl. Mariane Pearl lấy làm kinh ngạc. Năm 2003, cô từng nhận cú điện tương tự từ Condoleezza Rice (lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia)! Thế là thế nào? Đằng sau sự thú nhận Khalid Sheikh Mohammed (KSM) có gì bất thường?

Viên chức CIA, Randall Bennett (Chỉ huy an ninh Lãnh sự quán Mỹ tại Karachi - Pakistan thời điểm Daniel Pearl bị giết) cho biết mình từng phỏng vấn tất cả những kẻ liên quan (đều bị giam tại Pakistan) và chẳng người nào nói KSM là thủ phạm trực tiếp giết Daniel Pearl. Cựu viên chức CIA Robert Baer cũng nói: “Những đồng nghiệp cũ của tôi cho biết chắc chắn 100% rằng KSM không giết Pearl”.

Vụ việc có thể tóm lược như sau. Ngày 1/3/2003, tình báo Pakistan và Mỹ đột kích nhà riêng của Ahmad Abdul Qadoos và thộp kẻ khủng bố nguy hiểm KSM. Vụ bắt KSM được đánh giá là mẻ lưới lớn trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, sự việc có vài chi tiết mờ ám. Vài người cho rằng KSM thật ra bị bắt trước ngày 1/3 (không như thông báo chính thức của Cơ quan Tình báo Pakistan). Trong cuộn băng hình, KSM trông xơ xác và hoảng sợ. Hai ngày đầu tiên sau khi bị bắt, KSM không nói gì ngoài việc khai tên tuổi. Ngày thứ ba, KSM (bị trùm đầu) được đưa đến căn cứ không quân Chaklala tại Rawalpindi (Pakistan) và nộp cho quân đội Mỹ. Từ đó, KSM được chuyển đến căn cứ Mỹ tại Bagram (Afghanistan) rồi vài ngày sau được đưa đến vị trí bí mật nào đó. Ít lâu sau, có tin KSM tiết lộ nhiều “thông tin tình báo vô giá”. Tại sao KSM chịu khai? Hắn đã bị tra tấn tơi tả bằng các biện pháp “nghiệp vụ” trong buồng khảo cung kín như bưng?

Vai trò Nhà trắng?

Cũng trong tháng 9/2002, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld nói rằng, việc thẩm cung các tên trùm khủng bố đã cung cấp “nhiều thông tin kinh hoàng”, dẫn đến việc tóm được nhiều gương mặt cộm cán. Theo những gì được cung cấp báo chí, KSM bị thộp nhờ lời khai của Bin al-Shibh; Bin al-Shibh bị bắt nhờ Abu Zubaydah chỉ điểm… Trong thực tế, CIA bí mật nhận lệnh từ Nhà Trắng! Trong báo cáo Thượng viện ngày 9/12/2014, một bản ghi nhớ nội bộ CIA cho biết, Nhà Trắng đã yêu cầu CIA tránh tiết lộ chương trình mật với Ngoại trưởng Colin Powell! Báo cáo 9/12/2014 cũng lần đầu tiên đưa ra danh sách đầy đủ 119 tù nhân bị giam giữ trong các nhà tù CIA, trong đó có ít nhất 26 người bị bắt nhầm do thông tin tình báo sai.

 Kỹ thuật trấn nước (waterboarding) của CIA

Nhiều phần trong báo cáo 9/12/2014 đã trích từ bản ghi nhớ nội bộ miêu tả chi tiết cảnh khảo cung với mức độ kinh khủng đến mức chính nhân viên CIA phải hoảng sợ, trong đó có vụ tra tấn Abu Zubaida. Thương tích nặng lúc bị bắt tại Pakistan tháng 3/2002, Abu Zubaida được đưa đến một địa điểm mật ở Thái Lan và bị biệt giam 47 ngày. 11g50 sáng ngày 4/8/2002, CIA bắt đầu khảo cung. Đương sự bị giộng vào tường, bị nhét vào thùng kín, bị làm ngộp nước… cho đến khi nôn mửa. Vụ tra tấn kéo dài 17 ngày. Một lần, khi bị trấn nước, đương sự bị bất động hoàn toàn, mồm sủi đầy bọt. Tổng cộng, Abu Zubaida bị bịt mặt, mũi bằng khăn và bị đổ nước cho ngộp thở đến 83 lần và bị nhét vào thùng kín gần 300 giờ… Báo cáo cho thấy cuộc tra tấn KSM cũng tương tự. Tuy nhiên, thay vì dùng khăn bịt mũi, nhân viên CIA dùng bàn tay làm “phễu”…

Thật ra thì đây không phải lần đầu tiên CIA bị quy kết dùng nhục hình tra tấn. Khảo cung bằng tra tấn luôn là hành vi gây kinh sợ. Năm 1953, John Lilly thuộc Viện Sức khỏe tinh thần quốc gia (Mỹ) phát hiện rằng, bằng cách đặt điện cực lên não khỉ, ông có thể tạo ra cảm giác đau đớn, giận dữ, sợ hãi, thậm chí vui sướng hoặc kích thích tình dục cho con vật (trong thí nghiệm, John Lilly đã làm một khỉ đực cương cứng). John Lilly bỏ ngang thí nghiệm nhưng nghiên cứu của ông được CIA quan tâm.

Sau này, tác giả John Marks từng tiết lộ kỹ thuật tra tấn bằng điện của CIA trong quyển “The Search for the “Manchurian Candidate”: The CIA and Mind Control” (1979); và năm 2001, George Andrews cũng đề cập tương tự trong “MKULTRA: The CIA's Top Secret Program in Human Experimentation and Behavior Modification”. Một trong những “chương trình tuyệt mật của CIA” là kỹ thuật đánh thuốc (khủng bố tinh thần và bóp nát ý chí), trong đó có thuốc ảo giác LSD (Lysergic Acid Diethylamide). Được phát hiện ngẫu nhiên trong một phòng thí nghiệm Thụy Sĩ năm 1943, LSD được quân đội Mỹ sử dụng trong khảo cung vào năm 1961, khi đánh thuốc 9 người nước ngoài và một lính Mỹ tên James Thornwell, bị buộc tội đánh cắp tài liệu tuyệt mật (Thornwell sau này kiện Chính phủ Mỹ và được bồi thường 650.000USD).

Hiệu quả đạt được từ khảo cung bằng đánh thuốc đều được miêu tả tỉ mỉ trong “Kubark Manual” (cẩm nang kỹ thuật khảo cung CIA) ấn hành năm 1963. Được moi ra ánh sáng năm 1997 (nhờ Đạo luật tự do thông tin, với điều tra của 3 phóng viên tờ Baltimore Sun - Gary Cohn, Ginger Thompson và Mark Matthews), “Kubark Manual” tiết lộ tất cả biện pháp tra tấn kinh hoàng mà tình báo và quân đội Mỹ từng áp dụng. Hầu hết kỹ thuật và lý thuyết tra tấn miêu tả trong “Kubark Manual” sau này được CIA nêu lại trong tập “Human Resource Exploitation Training Manual” (còn được gọi “Honduras Manual”) ấn hành năm 1983.

Bài học vỡ lòng trong kỹ thuật thẩm cung là “làm mềm” tù nhân. Anh ta được dựng dậy nửa đêm, bịt đầu bằng bao bố bẩn nặc mùi tanh thối, được đưa vào phòng ẩm ướt và bị buộc đứng hoặc ngồi trong tư thế khó khăn. Ngoài ra, anh ta bị chuyên viên thẩm cung liên tục gây hoang mang bằng những câu hỏi ngoài lề. Michael Koubi (nguyên chánh thanh tra thẩm cung thuộc Tổng Cục An ninh Israel, người mà Mark Bowden đánh giá rằng “có kinh nghiệm hơn bất cứ ai khác trên thế giới” về nghệ thuật khảo cung) kể rằng một trong những kỹ năng quan trọng là biết ngôn ngữ tù nhân. Chỉ khi biết ngôn ngữ tù nhân, chuyên viên thẩm cung mới có thể uy hiếp và làm đối phương mềm như bún.

Ngoài ra, có vài cách để làm đối tượng mất tự chủ cũng như không thể kiểm soát ý chí, chẳng hạn hỏi liên tục, cắt ngang câu trả lời, hỏi lại ý cũ bằng cách đảo lộn câu; hoặc vài mánh truyền thống nhưng luôn hiệu quả như “kỹ thuật im lặng” (được miêu tả trong “Kubark Manual”), thực hiện bằng cách nhìn trừng trừng đối tượng và nhếch mép cười khỉnh ra vẻ mình biết tất cả… Bill Wagner (cựu nhân viên CIA) kể thêm rằng, CIA từng đào tạo khóa 3 tuần về kỹ thuật khảo cung tại “Nông trại” (trại huấn luyện CIA ở Williamsburg, bang Virginia). Chỉ học viên xuất sắc nhất mới được tham gia khóa huấn luyện (tình nguyện viên nào đóng vai tù binh sẽ được bổ nhiệm vị trí đáng kể).

Trong thời gian tham gia, học viên bị cách ly hoàn toàn, không được ngủ, bị nhốt trong buồng tối và sống trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt… (thông thường, ít nhất 10% học viên đã phải bỏ cuộc). Mục đích chương trình huấn luyện không chỉ rèn luyện sức chịu đựng mà còn giúp học viên có kinh nghiệm thực tế để có thể thực hiện công tác thẩm cung sau này. Chương trình trên bị xóa sổ sau vài năm (thập niên 70 của thế kỷ trước) sau khi CIA bị Quốc hội liên tục chỉ trích kể từ loạt scandal liên quan trò bẩn gây ra khắp thế giới...

Tháng 7/2007, Nhà Trắng ra sắc lệnh yêu cầu CIA điều chỉnh phương pháp khảo cung để không vi phạm Công ước Geneva. Tuy nhiên, Giám đốc CIA Michael Hayden vẫn nói rằng chương trình khảo cung tù nhân khủng bố là công cụ “không thể thay thế” và Tổng thống George W. Bush cũng phát biểu “chương trình đã cung cấp chúng ta thông tin giúp cứu nhiều mạng sống vô tội”, nhờ đó phá được ít nhất 10 âm mưu nghiêm trọng từ sau sự kiện 11/9 mà 3 trong đó là những kế hoạch dự trù ngay trong lòng nước Mỹ. Trở lại vụ KSM. Yosri Fouda - phóng viên Al-Jazeera từng phỏng vấn KSM tại Karachi - nói rằng dù KSM từng trao mình gói tài liệu tuyên truyền trong đó có cuộn băng ghi lại cảnh giết Daniel Pearl nhưng KSM chưa bao giờ thừa nhận mình tham gia vụ sát hại nhà báo trên.

Phát biểu trước sự kiện công bố báo cáo Thượng viện về CIA (9/12/2014), Tổng thống Barack Obama, người hồi năm 2009 đã ra lệnh cấm CIA hoạt động tại các nhà tù khủng bố và tham gia khảo cung, nói rằng báo cáo đã “cung cấp tài liệu về một chương trình gây rắc rối” và nó “khẳng định quan điểm lâu nay của tôi rằng những biện pháp thô bạo như thế không tương ứng với giá trị của chúng ta. Chúng không phục vụ cho nỗ lực chống khủng bố rộng hơn của chúng ta và cũng không phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia chúng ta”.


Cao Minh