Chuyện tiền điện nhà trọ: Đừng bắt cóc bỏ đĩa

07:00 | 30/06/2014

852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, những người đi thuê nhà đang phải “chịu” mua điện với giá cao ngất ngưởng (từ 3.000 - 5.000 đồng/kWh). Chính phủ đã ban hành Nghị định 134 để “xử lý” các chủ nhà thu tiền điện giá cao, ngành điện cũng liên tục phổ biến, tạo điều kiện để người ở trọ đăng ký mua điện… nhưng đến nay vẫn chưa xử phạt được chủ nhà vì thu tiền điện giá cao.

Năng lượng Mới số 334

Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực đã có hiệu lực từ ngày 1-12-2013, trong đó quy định rõ: phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp chỉ để phục vụ mục đích sinh hoạt. Một điều đáng ngạc nhiên là, trong suốt 6 tháng Nghị định 134 có hiệu lực mà vẫn chưa có một chủ nhà trọ nào bị xử phạt, trong khi đó người lao động, sinh viên ở trọ vẫn đang ngày ngày oằn mình gánh phí tiền điện với giá cao ngất ngưởng.  

Tìm hiểu ở một số xóm trọ thuộc khu vực Mỹ Đình, Dịch Vọng Hậu, chúng tôi thật ngỡ ngàng với sự thờ ơ của chính người đi thuê nhà, những người sẽ trực tiếp được hưởng lợi ích rất lớn từ Nghị định 134. Có thể nói rất nhiều người không hề biết đến quy định này mà nếu có biết thì cũng tỏ ra thiếu tin tưởng, e ngại khi cho rằng, không thể xử phạt được chủ nhà, khó đăng ký mua điện bởi nhiều thủ tục quy định không dành cho người đi thuê nhà.

Người thuê trọ đang phải chịu mức tiền điện từ 3.000-5.000 đồng/kWh

Khi được hỏi có biết rằng mình đang phải trả tiền điện với giá bất hợp lý hay không thì chị Xuân, sinh viên Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, thuê trọ ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy nhấm nhẳng: “Tôi chưa từng nghe đến nghị định này. Nhưng biết thì làm gì được, bởi khi thuê chỗ ở, chủ nhà đã nói trước giá tiền điện rồi nên không đời nào họ đồng ý giảm giá điện. Ý kiến, ý cò sẽ bị đuổi ra đường ngay”. 

Anh Nguyễn Văn thì bức xúc: “Tôi biết đến nghị định này qua báo chí, nhưng nói thực, tôi thấy để thực hiện được điều này là rất khó. Đầu tiên, khi thuê trọ chúng tôi đã hợp đồng miệng với chủ nhà về giá điện. Hằng tháng cứ quy đầu số trên đồng hồ rồi nhân với 5.000 đồng, nước thì cứ 25.000 đồng/khối. Hai vợ chồng đi làm còng lưng mỗi tháng phải gánh từ 1,5 đến 2 triệu đồng tiền điện/nước. Chúng tôi biết đòi quyền lợi này với ai, khi kêu với chủ nhà không khéo lại bị đuổi, đăng ký mua điện với chính quyền lại ngại nhiều thủ tục phức tạp, mất thời gian mà chưa chắc đã được việc”.

Ngược lại với người ở trọ, các chủ nhà trọ khi được hỏi về nghị định này đều thẳng thừng cho rằng, nếu chính quyền làm gắt gao, kiểm soát chặt chẽ, áp Nghị định 134 để xử phạt thì họ sẽ “quay” cách khác như tăng tiền nhà, tiền nước để bù tiền điện, tiền phạt. Bà Hoàng Thị Quyến - chủ nhà trọ ở Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 2, thẳng thừng: “Ở khu vực này, nhà nào cũng thu tiền điện 5.000 đồng/kWh. Thu tiền điện thấp thì chúng tôi bù lỗ vào giá nhà, dịch vụ trông xe, vệ sinh. Chẳng vấn đề gì”.

Theo ông Đàm Tiến Thắng - Trưởng phòng Quản lý Điện năng, Sở Công Thương Hà Nội, Nghị định 134 là một chính sách hay, nhưng đang gặp khó khi đi vào cuộc sống. Một số thủ tục hành chính còn gây khó cho người đăng ký mua điện như: thống kê 4 người thành một hộ để tính định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt liên quan đến rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà, nhiều nhà trọ chưa thực hiện quy định đăng ký tạm trú, ký kết hợp đồng cho thuê nhà đúng pháp luật… Nếu Sở Công Thương, chính quyền các cấp làm căng, quyết định phạt đối với các chủ nhà trọ, chắc chắn giá tiền nhà, tiền nước sẽ tăng lên. Cuối cùng người đi thuê trọ vẫn phải chịu thiệt. Việc hỗ trợ sinh viên, người lao động nghèo vẫn nên thông qua các trường học hoặc chính quyền địa phương. Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có kiến nghị lên Bộ Công Thương về vấn đề này.

Được biết, để thực hiện Nghị định này, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND, yêu cầu tất cả các ngành, các cấp từ Sở Công Thương, Cục Thuế, Công an, UBND các quận, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội… cùng vào cuộc. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có các khu tập thể công nhân, ký túc xá và một số nhà trọ biệt lập với chủ nhà được áp dụng mức giá bán điện sinh hoạt theo đúng nghị định của Chính phủ.

Là một chính sách hay, nhưng Nghị định 134 đang vẫn chưa thể thực hiện một cách triệt để. Vấn đề đặt ra là, các nhà quản lý đã thực sự mạnh tay hay chưa? Nên chăng cần cấp thêm quyền cho thanh tra điện lực, tăng mạnh chế tài để xử lý các chủ nhà trọ bất lương đang kiếm lợi bất hợp pháp từ những người đi ở trọ. Chỉ có thanh tra nghiêm túc, áp quy định thật chặt mới có thể “lòi” ra việc lắp đặt công tơ tự phát, ăn chặn điện từ công tơ chợ đen, thu tiền điện sinh hoạt của người thuê trọ với giá cắt cổ. Tin rằng, với sự vào cuộc thật sự quyết liệt của các cấp, ban, ngành sẽ thực sự để cho những người thuộc tầng lớp nghèo của thành thị là sinh viên, người lao động có cuộc sống “dễ thở” hơn theo đúng tinh thần của Nghị định 134 của Chính phủ.

Theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ, người cho thuê nhà sẽ bị phạt 7-10 triệu đồng nếu thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định, trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ sinh hoạt.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Thành Công

  • el-2024