Năm học mới, tân sinh viên “nháo nhác" tìm phòng trọ

10:12 | 14/09/2024

782 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau khi đã vượt được “vũ môn” (thi đỗ đại học), các tân sinh viên lại một phen phải “đau đầu", nháo nhác đi tìm thuê nhà trọ, mong “an cư lạc học".
Năm học mới, tân sinh viên “nháo nhác" tìm phòng trọ
Tân sinh viên đỏ mắt tìm phòng trọ.

“Trâu chậm” đành… chịu khát!

Vừa biết tin đỗ đại học, Thanh Hùng (quê Hải Dương) lập tức liên hệ với người anh họ đang học tại Hà Nội để nhờ tìm giúp nhà trọ.

Hai anh em hẹn nhau, rồi lên mạng vào mạng Internet tìm kiếm, rồi gọi điện thoại đến tận nơi xem. Song nơi thì báo hết phòng, chỗ thì lại quá nóng bức xập xệ không ở được. Chỗ nào tương đối sạch sẽ, mát mẻ thì chủ trọ “hét” giá cao quá, hai anh em đành bấm nhau chuồn. Bỏ ra nhiều thời gian, song cận kề ngày khai giảng Hùng vẫn chưa tìm được nơi chốn, đành tá túc tạm nhà người anh họ, rồi tìm dần.

Khánh Huyền (quê Hà Tĩnh) ra Hà Nội để thuê nhà trọ trước ngày nhập học Trường đại học Kinh tế quốc dân khoảng 1 tuần. Huyền kể, một số phòng gần trường có mức giá cao ngất ngưởng, phòng 12-15m2 bị chủ nhà “hét” giá trên 3 triệu đồng trong khi không có cửa sổ, bí bách và tù túng vô cùng. Đó là chưa tính điện, nước, phí internet, gửi xe, chưa kể còn không có chỗ nấu ăn…

Có thể thấy trước thềm năm học mới, nhu cầu thuê nhà trọ của sinh viên tăng cao. Năm nay, giá thuê phòng trọ và các dịch vụ đi kèm thậm chí tăng đột biến.

Dù có kinh nghiệm thuê trọ nhiều năm ở Hà Nội, Vũ Văn Dũng (sinh viên năm 4 trường Đại học Thăng Long) cũng rong ruổi khắp nơi mà chưa tìm được phòng cho em gái. Dũng cho biết mình đang ở phòng trọ chỉ hơn chục m2 trên phố Thổ Quan, chưa tính tiền dịch vụ nhưng giá đã lên đến 3 triệu 200 ngàn đồng/tháng. Tại khu vực này, các phòng trọ cho thuê đều dao động từ 3,5-5 triệu đồng/tháng.

“Hai năm trước tìm phòng đầy đủ tiện nghi chỉ vào ở, giá khoảng 2 triệu đến 2,2 triệu, nhưng năm nay em đi tìm nhà thì 3 triệu đến 3,5 triệu mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Như em đã đi làm thêm mới vừa vặn chi trả được con số này, để các bạn sinh viên năm nhất thuê thì quá sức", Dũng chia sẻ.

​​Ngoài chi phí phòng trọ, nam sinh còn phải đóng thêm các chi phí dịch vụ khác như: 150.000 tiền nước, 100.000 tiền Internet, tiền điện 4.000 đồng/số, tiền gửi xe 20.000/ người,…

Cũng theo Dũng, với mức giá dưới 3 triệu đồng hiện nay chỉ thuê được căn phòng xập xệ, ít tiện nghi. Phòng càng đẹp, chi phí càng cao và vượt quá khả năng tài chính của sinh viên. Muốn thuê phòng tốt, nhiều bạn chấp nhận ở ghép, hoặc tăng thời gian làm thêm để kiếm tiền chi trả.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện phòng trọ ở khu vực Thanh Xuân gần các trường đại học như: Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội… có giá cho thuê khoảng 2,7 triệu đồng/phòng 15m2, chung chủ; 3 triệu đồng cho phòng riêng khoảng 20-25m2, đủ để 1-2 sinh viên ở; từ 3,5–4 triệu đồng cho phòng từ 30m2 chưa kể điện nước... Điểm trọ xung quanh các trường đại học cho đến thời điểm hiện tại hầu hết đã hết phòng.

Năm học mới, tân sinh viên “nháo nhác" tìm phòng trọ
Phòng trọ đơn sơ như thế này song có giá thuê lên tới hơn 3 triệu đồng/tháng.

Giá tăng vì đâu?

Theo chia sẻ của các tân sinh viên, nhiều nơi quảng cáo giá phòng trên website và mạng xã hội chỉ từ 1,8 tới 2,3 triệu đồng, nhưng khi tới xem thì chủ trọ bảo phòng đó đã có người thuê hoặc trực tiếp đẩy lên 3-4 triệu đồng.

Lý do chủ trọ đưa ra khi tăng giá là vì nhà trọ đã trang bị đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) như cửa chống cháy, bình cứu hoả… Nhưng theo quan sát của chúng tôi, đó có lẽ chỉ là cái cớ để họ đẩy lên, vì nhiều nhà trọ vẫn không có lối thoát hiểm. Có nhà trọ tuy đã lắp được cánh cửa chống cháy ở lối ra vào nhưng muốn thoát được khi cháy thì phải đi qua nhà xe với tình trạng "nhồi nhét" xe chật cứng, khó có thể mở cửa. Điều này khiến người thuê vẫn không thể yên tâm.

Sau khi giá phòng trọ tăng 50%, Hoàng Quang Tuấn (sinh viên năm ba, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) phải rủ bạn về ở cùng, chia sẻ không gian trong căn phòng cơi nới chưa đến 6m2 nằm ở tầng lửng trong con phố Hoàng Văn Thái, Hà Nội.

Tuấn đã ở căn phòng này hơn 2 năm nay, ngày đi học, tối chạy grab nên mong muốn duy nhất của Tuấn cũng chỉ cần đêm về có chiếc giường nằm ngủ. Nam sinh cho biết, năm ngoái, giá phòng chỉ khoảng 1,3 triệu đồng nên Tuấn có thể chi trả một mình, nhưng năm nay, chủ nhà trang bị thêm bình cứu hoả, lắp cửa chống cháy nên tăng giá phòng lên 2,6 triệu đồng, chưa gồm phí dịch vụ.

Theo tìm hiểu, nguyên do khiến giá phòng tăng mạnh là do “làn sóng” các công ty thầu và cho thuê lại. “Nhà thầu" thuê của chủ nhà “phòng không" với giá khoảng 2 triệu đồng rồi sắm tủ lạnh, điều hòa, giường tủ... Sau đó, họ “nâng cấp” lên thành chung cư mini rồi cho thuê lại với giá 3,5-4 triệu đồng (chưa tính phí dịch vụ thang máy, vệ sinh...) nên chuyện tăng giá phòng là đương nhiên.

Ngoài ra, nhu cầu tăng mà cung không đủ đáp cũng khiến giá tăng nhanh. Đặc biệt, thời gian gần đây các chủ nhà trọ liên tục bị thanh kiểm tra sau các vụ cháy nghiêm trọng tại Hà Nội và bắt buộc gia chủ phải đầu tư thêm hệ thống PCCC, chi phí lắp đặt sắm sửa thiết bị cũng được tính vào giá thuê nhà.

Cảnh giác với các chiêu lừa đảo

Một số tân sinh viên than thở, khi đi xem phòng trọ được đưa đến các phòng giá thấp với đầy đủ tiện nghi như phòng sạch đẹp, có chìa khóa riêng, có wifi và giữ xe cho người thuê, gần trường, chợ... Thế nhưng, khi gật đầu đồng ý thuê lại không được ký hợp đồng thuê nhà mà phải đặt tiền cọc để giữ phòng. Sau đó đối tượng hẹn người thuê đến ký hợp đồng nhận phòng vào… một ngày khác. Cuối cùng là dính bẫy lừa.

Nếu người thuê ngỏ ý muốn ký hợp đồng ngay lúc đó đối tượng sẽ lấy lý do như người thuê trọ cũ chưa chuyển. Tiền đặt cọc thường từ 500.000 đến vài triệu đồng, có hợp đồng nhận tiền cọc đầy đủ trông chuyên nghiệp và đáng tin.

Tuy nhiên, những điều khoản trong giấy nhận tiền cọc có rất nhiều vấn đề, nếu không cẩn thận xem kỹ thì người thuê dễ dính bẫy.

Ngoài ra, một số người bị "cò” môi giới phòng trọ dẫn đến xem phòng nhưng đối tượng không phải là chủ trọ, cũng không phải là quản lý toà nhà, không liên quan gì đến phòng trọ.

Vì vậy, để tránh bị lừa đảo, các sinh viên cần tìm hiểu thông tin về nơi định thuê thật kỹ càng bằng cách tra thông tin số điện thoại, địa chỉ cho thuê... trên mạng để kiểm tra. Ngoài ra, sinh viên cần tham khảo ý kiến người dân xung quanh về chủ trọ, khảo sát an ninh về khu vực cho thuê trọ.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất khi quyết định đặt cọc là không được lười đọc hợp đồng. Trong hợp đồng cần phải ghi rõ ngày giờ đặt cọc, ngày giờ ở, số phòng, mô tả. Người thuê nhà có thể chụp lại căn phòng định thuê gửi qua Zalo, Facebook cho chủ nhà để xác nhận.

Nếu người thuê nhà bị lừa đảo, trong trường hợp cần thiết có thể báo lên cơ quan chức năng như công an phường, UBND phường nơi có bất động sản cho thuê.

Minh Khang