Chuyện khó tin nhưng có thật (số 93): Tôi bị chính cha đẻ ruồng bỏ

07:00 | 17/02/2015

2,724 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi quyết định kể ra câu chuyện của đời mình, mong họ hàng dòng tộc, người vợ chính thống cùng các con của “cha tôi” đọc được. Tôi hy vọng một ngày không xa, họ sẽ phát đi tín hiệu để cho phép tôi đưa vợ con về quê hương nhận lại họ hàng anh em ruột thịt.

 

"Cha tôi" và mẹ tôi là người cùng một xóm, nhà sát cạnh nhau, đi chung ngõ chung lối. Vì mẹ tôi là bên Giáo, "cha tôi" bên Lương nên việc yêu nhau và cưới nhau là cả một vấn đề, nhất lại là khi cả hai người còn quá trẻ. Khi mẹ tôi báo tin cho "cha tôi" rằng bà đã có thai tôi, ông ấy đã hoảng sợ tột độ.

Ngày đó, những thanh niên mới lớn đều nhập ngũ đi ra chiến trường, chuyện có thai, chửa hoang là một việc xấu xa không một ai chấp nhận được. Ông ấy đã bàn với mẹ giải quyết bằng hai bước. Bước một đánh lạc hướng dư luận nói dối cái thai trong bụng là của một người trên thành phố. Tạo điều kiện thuận lợi cho ông ấy đi thoát ly khỏi làng. Bước hai sau khi sinh nở xong, ông ấy sẽ về nhận mẹ nhận con.

Vì quá yêu và bản thân rơi vào thế cùng đường, mẹ đã đồng ý nhẫn nhục mang tiếng xấu để cho ông ấy thoát ly khỏi làng. Chuyện mẹ có thai không phải gia đình họ hàng của ông ấy không biết. Nhưng gia đình họ là những người có vai vế ở địa phương, không chịu đựng được nỗi ô uế này nên đã họp bàn kế sách để con cháu mình thoát tội, vô can. Mặt khác, họ hùa cùng dân làng thêm mắm, thêm muối chuyện chửa hoang của mẹ tôi để đánh lạc hướng, nhằm đổ mọi tiếng xấu lên đầu mẹ tôi.

Tháng 2/1962, kể từ sau hai tháng biết mẹ tôi có thai, ông ấy đã đi bộ đội. Mẹ ở nhà vẫn thường xuyên qua lại bên nhà cha mẹ ông ấy để hỏi thăm tin tức. Nhà ông ấy cũng hiếm hoi, có hai chị em, người chị đã lấy chồng xa. Mẹ tôi một mực tin tưởng sau khi sinh xong, ông ấy sẽ về nhận vợ nhận con. Khi tôi lớn lên, tôi hỏi mẹ về cha, mẹ tôi kể ngọn ngành tỷ mỉ việc mẹ có thai tôi và sinh nở như thế nào, cha tôi tên là Đ, hàng xóm ngay cạnh nhà, cha đang đi chiến đấu ngoài mặt trận. Mẹ con mình phải kiên trì chờ đợi, nhất định ông ấy trở về, sẽ nhận mẹ con mình.

Tôi càng lớn hàng xóm bảo càng giống ông Đ như đúc. Trông hai người như hai giọt nước. Tôi càng tin lời mẹ và chờ đợi. Không ngờ, ông ấy đi một mạch cho đến khi hòa bình lập lại cũng vẫn "bặt vô âm tín", không có một lá thư, không lời động viên thăm hỏi. Sau khi hòa bình, ông ấy có về nhưng chỉ đáo qua một lúc để thăm cha mẹ rồi lại vội vàng đi ngay để tránh gặp mẹ con tôi. Lúc này mẹ tôi mới cảm nhận được bản chất của sự việc. Chỉ khổ cho mẹ, chờ đợi lời hứa của người yêu dằng dặc hàng chục năm, hết cả tuổi xuân thế mà vẫn cứ một mực tin tưởng. Đến lúc này, mẹ hận quá, tuyên bố với cả làng quyết không cho ông ấy đi lấy vợ. Thế là cuộc xung đột dữ dội giữa mẹ tôi và gia đình nhà ông ấy trở nên quyết liệt, ầm ỹ ở làng.

 

Sau đó 3 năm, mỏi mệt vì tranh đấu mà không có kết quả, mẹ không kiên trì nữa mà nghe người ta khuyên nhủ đi xây dựng gia đình với một người góa vợ để nương tựa lúc tuổi già. Nhưng mẹ con tôi vẫn ở căn nhà cũ của ông bà ngoại để lại. Hằng ngày, tôi vẫn đi qua căn nhà của người được gọi là "cha tôi", và tôi luôn tìm cớ nán lại, nhìn vào trong với hy vọng gặp được ông ấy, trong lòng ấp ủ hy vọng dù mong manh rằng: sẽ có một ngày ông ta sẽ vượt qua được hủ tục tập quán để dũng cảm đương đầu trước dư luận để nhận lấy giọt máu của mình đang lầm than côi cút giữa đời.

Hai năm sau ngày mẹ lấy chồng, ông ấy mới lấy vợ. Vợ ông là một cô giáo đứng tuổi, ở tít tận Thanh Hóa, nhưng lại dạy học ở Trường cấp III Vụ Bản, Nam Định. Ngày cưới của ông, gia đình chỉ sợ mẹ con tôi sang phá nên đã lên phương án phòng thủ cưới thật nhanh. Hôm cưới, mẹ tôi vác cuốc ra đồng làm đến tối mịt mới về. Chỉ mình tôi đứng núp sau bụi tre nhà mình, ngó trộm sang nhà ông ấy và khóc nức nở. Tôi biết, từ đây, vĩnh viễn mình sẽ không được nhận cha nữa. Trong lòng tôi lúc ấy rất căm hận ông ấy. Ông ấy và vợ sinh được hai con, 1 trai, 1 gái, cả hai đều tốt nghiệp sư phạm và làm nghề dạy học. Cũng kỳ lạ, kể từ ngày ông ta có vợ, ông đi về thăm vợ và con cũng tranh thủ, lén lút và chớp nhoáng. Về không ai biết, đi không ai hay. Ông tránh tiếp xúc gặp gỡ với bà con chòm xóm, cũng chẳng bao giờ đến chơi nhà ai, thăm hỏi nhà ai. Tính tình ông ấy trầm hẳn, ông sống khép kín trong bốn bức tường của ngôi nhà bên cánh đồng lộng gió.

Đã biết bao lần tôi chủ động đi qua trước mặt ông, nhìn thẳng vào mắt ông, chờ đợi một cử chỉ cha con, nhưng ông ấy đã lảng tránh, cúi gằm mặt xuống hoặc quay đi hướng khác. Nhiều đêm tôi nằm mơ gặp ông, được ông nhận con, tôi sung sướng, toàn thân run lên bần bật và khóc trong mơ, nước mắt ướt đầm gối. Lên cấp II không chịu nổi lời đàm tiếu của bạn bè trẻ con vô tâm đến tàn nhẫn rằng tôi là đứa con hoang, tôi chỉ muốn lao đầu xuống sông mà chết. Cay đắng và chán chường, tôi bỏ học, bỏ nhà ra đi quyết chí học nghề kiếm sống. Học được nghề mộc, làm nghề được hơn 10 năm, tay nghề đã vững chắc, tôi dành dụm được số tiền về quê. Đó là năm 1993, khi tôi đã 31 tuổi, ước muốn về quê thăm mẹ, tôi còn hy vọng biết đâu, sau chừng ấy thời gian, ông ấy đã già, đã biết thấm những nợ nần ân nghĩa ở đời mà nhận tôi là con khi chưa quá muộn.

 Chuyện khó tin nhưng có thật (số 93): Tôi bị chính cha đẻ ruồng bỏ

Ảnh minh họa

Tôi về nhà, lòng thấp thỏm chờ đợi cho đến ngày chủ nhật ông về quê thăm vợ con. Tôi ngồi sẵn ở gốc cây đầu ngõ nhà để đón đường ông. Cả 3 lần ông đi ra giáp mặt với tôi ông đều lẩn tránh. Tôi quá đau khổ và hết mọi hy vọng. Tôi trở về nhà, đêm đó tôi khóc suốt đêm cho tới khi không còn một giọt nước mắt nào nữa. Sáng ra hai mắt tôi đỏ au, sưng húp. Mặc cho mẹ tôi nài nỉ khuyên can nhưng tôi dứt khoát một lòng từ biệt mẹ, quê hương. Tôi thề sẽ không bao giờ quay trở về làng quê này nữa. Cái làng có một người cha đớn hèn không dám nhận giọt máu rơi của mình.

Sáng hôm sau, tôi khoác ba lô vào Nam, và tìm đường sang Campuchia sinh sống làm ăn. Tôi lấy vợ và sinh con. Mặc dù đã thề độc không bao giờ quay trở lại quê hương, nơi mảnh đất chôn rau cắt rốn với những ký ức buồn bã và cay đắng, nhưng ở đất khách quê người không lúc nào tôi không khắc khoải một nỗi phiền muộn. Tôi nghĩ đến mẹ, càng thương bà nhiều, nhưng do đứt liên lạc với mẹ, nên hai mẹ con lâu không liên lạc với nhau. Và trong thẳm sâu, tôi vẫn nghĩ về người đàn ông ấy, cho dù trong lòng rất hận. Thế rồi, sau bao nhiêu trăn trở, tôi đã quyết định khăn gói trở về quê hương một lần nữa.

Lần trở về quê lần này, tôi không gặp được mẹ vì biết mẹ tôi sau ngày tôi đi không lâu đã bỏ quê vào Nam với con gái cùng mẹ khác cha của tôi để ở hẳn trong đó. Tôi đã lặn lội vào Nam tìm gặp mẹ. Trên đường chuẩn bị vào Nam, tôi có ra Hà Nội và tình cờ gặp một người, là bạn thân ngày xưa của ông Đ. Ông ấy cũng thoát ly đi bộ đội như ông Đ, sau đó định cư ở Hà Nội. Câu chuyện mà người bạn của ông Đ kể lại cho tôi thật cay đắng. Ngày xưa, khi biết mẹ tôi có thai, ông ấy đã tâm sự với bạn thân của mình rằng ông ấy rất thương mẹ tôi, rất muốn nhận con nhưng ông sợ cha mẹ họ hàng nên đã nghe theo những chỉ đạo của cha mẹ nên đã hắt hủi mẹ con tôi. Thật ra, từ ngày ấy đến giờ, ông ấy chưa có một ngày nào sống thanh thản. Những nỗi giày vò đã hành hạ bản thân ông, đã làm cho cuộc sống của ông Đ trở nên u ám, mệt mỏi và đầy tự ti.

Ông Đ đã lấy vợ rất muộn, lấy một người đứng tuổi theo mai mối và sắp đặt của gia đình. Cuộc sống của vợ chồng ông Đ cũng khép kín. Do những mặc cảm về sai lầm trong quá khứ, ông đã tránh tiếp xúc, quan hệ với tất cả mọi người. Vì những giày vò ấy mà sức khỏe, nội tâm và tinh thần của ông Đ không được tốt. Ông về hưu năm 1996. Đến năm 2001 ông bị bệnh hiểm nghèo không qua nổi ra đi khi độ tuổi chưa đến 60. Trước giây phút lâm chung, vợ ông Đ kể lại cho bạn thân của ông Đ rằng, nước mắt ông Đ cứ chảy ra, chảy ra hoài. Ông Đ mấp máy môi nhiều lần, đôi mắt tuyệt vọng của ông hướng vào hư vô. Hình như ông Đ muốn nói cái gì đó, trối trăng điều gì đó với người thân nhưng ông không thể. Ông đã ra đi trong nước mắt, trong một nỗi giày vò. Cả gia đình ông Đ thấy ông Đ ra đi không được thanh thản, nên tất cả đều buồn.

Các anh, các chị trong BBT ơi. Tôi đã rất hận ông Đ, người sinh ra tôi, nhưng sau khi nghe câu chuyện của người bạn ông Đ kể lại, tôi đã ứa nước mắt. Tôi không có điều kiện để trở lại thăm mộ ông Đ và thắp cho ông ấy nén hương, để nói với ông ấy rằng, "cha ơi, ước gì con có thể tha thứ được cho cha. Có tha thứ được cho cha, lòng con mới nhẹ bớt nỗi đau riêng, tâm con mới thanh thản". Nhưng, nếu có thể được thì tôi lấy tư cách gì để làm việc này chứ. Tôi quyết định nhờ bạn của ông Đ viết lại câu chuyện này để gửi lên quý báo.

Giờ đây gia đình tôi và gia đình ông Đ sống ở hai phương trời xa thẳm, coi như đã an phận. Nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn nuôi một chút hy vọng dù mỏng manh rằng sau khi câu chuyện của tôi được đăng, những người trong cuộc bên gia đình ông ấy sẽ đọc được. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ tới hai người em cùng cha khác mẹ ở quê rằng, chúng ta hãy từ bỏ những oán thù trong quá khứ. Hãy lấy tình ruột thịt làm trọng để có anh có em. Để tôi có cơ hội được trở về quê, quỳ trước bàn thờ nhận cha, trước tổ tiên để nhận họ. Tôi tin rằng, làm được điều này, dưới suối vàng ông ấy cũng sẽ ngậm cười.

Theo ANTG Cuối tháng