Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam

17:10 | 20/09/2023

817 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 20/9, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng: Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động".

Hội thảo kỳ vọng tạo ra một diễn đàn để đưa chủ đề Chuyển dịch năng lượng gắn liền với Chuyển dịch việc làm đến gần với công chúng, và quan trọng hơn hết là Việt Nam có những quyết sách đúng đắn và phù hợp để chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững.

Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam
TS. Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam nhấn mạnh mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 và cam kết về Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng toàn diện (JETP) đã được Việt Nam và các Thành viên G7 ký kết vào tháng 12/2022. Đồng thời khẳng định, Đức là Đối tác lâu dài và đáng tin cậy của Việt Nam. Dự án chung đầu tiên của hai bên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã bắt đầu vào năm 2009. Kể từ đó, sự hợp tác đã không ngừng phát triển và hiện bao gồm danh mục tổng thể gồm các dự án đang triển khai và đã lên kế hoạch trị giá hơn 1 tỷ Euro.

Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Đại sứ Guido Hildner cho biết: Ở Đức, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7% lên 5 triệu từ năm 2012 đến năm 2020. Điều này cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng là một quá trình phức tạp và đòi hỏi khắt khe nhưng rằng cũng có những cơ hội to lớn mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế.

Trong lĩnh vực tạo việc làm xanh, qua mối quan hệ hợp tác lâu dài, phía Đức đã nâng cao quá trình chuyển dịch việc làm cùng các đối tác Việt Nam như kỹ thuật điện, điện tử…, đào tạo kỹ năng cho học viên trong lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hàng năm có hàng chục nghìn sinh viên được hưởng lợi tại 11 trường nghề; trong đó 79% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Các chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp các yêu cầu của Việt Nam. Đặc biệt là các chương trình hỗ trợ cho các nhóm thiệt thòi để họ tìm việc làm, bền vững.

"Rõ ràng, quản lý chuyển dịch năng lượng công bằng là vấn đề phức tạp nhưng với nhu cầu lao động cao, Việt Nam sẽ cần các quyết định mang tính lâu dài từ phía nhà nước, sự thúc đẩy sáng tạo đổi mới trong khu vực công và tư nhân, huy động nguồn đầu tư công - tư, đặc biệt trong hiện đại hóa lưới điện cũng như tăng hơn nữa sản xuất điện năng lượng tái tạo", Đại sứ Guido Hildner cho hay.

Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết: Chuyển dịch năng lượng đang là xu hướng tất yếu của phát triển năng lượng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng. Chuyển dịch năng lượng với việc tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh, sạch thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống sẽ tạo ra các cơ hội mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng bền vững và công bằng hơn. Đồng thời giảm thiểu tác động xấu, tiêu cực của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Đối với việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, với các cam kết mạnh mẽ việc việc phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại COP 26, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng và ban hành khung khổ chiến lược và chính sách mới liên quan để hiện thực hóa mục tiêu trên.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, để đảm bảo chuyển dịch năng lượng thành công, hiệu quả, vấn đề chuyển dịch việc làm xanh, tìm kiếm các cơ hội việc làm công bằng trong thị trường lao động liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng là một nội dung quan trọng, cần phải chủ động có chiến lược, kế hoạch đầy đủ cho việc đào tạo, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh, đảm bảo vừa khai thác, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực hiện có, vừa ứng dụng, phát huy các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, các kỹ năng lao động mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.

Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.

Trong các phiên thảo luận, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ những câu chuyện về chuyển dịch năng lượng trên thế giới, nêu bật các cơ chế dẫn đến thành công, đồng thời làm rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và bồi đắp lực lượng lao động và xây dựng cơ chế, chính sách có tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy sự phát triển các loại hình việc làm mới và việc làm gián tiếp liên quan đến chuyển dịch năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Với vai trò là một trong những thành viên tham gia triển khai Tuyên bố JETP, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và đưa ra các giải pháp nằm thúc đẩy việc làm và phát triển kỹ năng gắn với dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam như: tạo thêm cơ hội việc làm thông qua hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển các ngành, phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến dịch chuyển năng lượng; xây dựng các tiêu chuẩn nghề liên quan đến các ngành, nghề năng lượng tái tạo và thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi năng lượng…

Các đại biểu cũng thảo luận nhóm chuyên sâu ở 5 lĩnh vực: Điện gió, điện mặt trời, vai trò của phụ nữ trong ngành năng lượng, hiệu quả năng lượng và giao thông xanh. Các đại biểu đến từ khu vực công và tư cùng thảo luận, phân tích và đề xuất các giải pháp đột phá cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam. Các chuyên gia khẳng định, cần phải có các giải pháp phát triển kỹ năng và thúc đẩy việc làm để hiện thực hóa tiềm năng việc làm trong lĩnh vực này. Đồng thời cần lưu tâm đến vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

Hội thảo đã phân tích và đánh giá tiềm năng mà chuyển dịch năng lượng mang lại cho sự phát triển kinh tế cũng như thị trường lao động của Việt Nam, trong đó chuyển dịch năng lượng được nhấn mạnh cần phải xem xét đến các khía cạnh xã hội, văn hóa, môi trường, kinh tế và bản sắc để đảm bảo chuyển dịch công bằng, không bỏ lại ai phía sau.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045 cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu hiện nay cũng chỉ ra rằng, đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Xu hướng lao động có tay nghề cao trong ngành dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thập kỷ tới tại Việt Nam. Do đó, năng lực đào tạo tại các cơ sở đào tạo cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra việc làm và đáp ứng được nhu cầu trong nước.

N.H

Quy hoạch điện VIII và các giải pháp thích ứng của PetrovietnamQuy hoạch điện VIII và các giải pháp thích ứng của Petrovietnam
Thúc đẩy hiện thực hóa chiến lược dịch chuyển năng lượng của PetrovietnamThúc đẩy hiện thực hóa chiến lược dịch chuyển năng lượng của Petrovietnam
[PetroTimesTV] Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh[PetroTimesTV] Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh
GS. TSKH Trần Đình Long: Đa dạng hóa nguồn điện để bảo đảm an ninh năng lượngGS. TSKH Trần Đình Long: Đa dạng hóa nguồn điện để bảo đảm an ninh năng lượng