Chứng chỉ hành nghề nghệ sĩ: Hy vọng xen lẫn băn khoăn

07:00 | 08/06/2013

576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chuyện chứng chỉ hành nghề của nghệ sĩ lại trở thành chủ đề nóng khi gần đây liên tục diễn ra nhiều vụ việc vi phạm những quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật, vi phạm vấn đề đạo đức, không phù hợp hoặc trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Nhưng câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở việc cấp cho mỗi nghệ sĩ một tấm chứng chỉ là có thể tạm yên tâm.

Chứng chỉ và chấn chỉnh

Thủ phạm của những hành vi, hình ảnh phản cảm trên sàn diễn thời gian qua là không ít những người mang danh nghệ sĩ hay các nhà tổ chức biểu diễn, công ty tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Những vụ ca sĩ hát nhép, ăn mặc phản cảm trên sân khấu, những cuộc trình diễn thời trang, thi người đẹp… không thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy định của cơ quan Nhà nước… gây nổi sóng dư luận và làm đau đầu các nhà quản lý. Ý tưởng về chứng chỉ hành nghề được đưa ra như một giải pháp góp phần nâng cao vai trò quản lý và xử lý của cơ quan chức năng, sàng lọc và chấn chỉnh hiệu quả hơn đối với những vi phạm trong giới nghệ sĩ vốn đang có phát triển, biến đổi đa dạng, phức tạp, mà nổi cộm nhất là trong lĩnh vực biểu diễn ca nhạc và trình diễn thời trang.

Năm 1999, ngành văn hóa từng tổ chức cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ. Công việc này được triển khai đến năm 2002, chủ yếu đã cấp được cho nhiều nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập. Nhưng sau đó, do có những phản hồi không đồng thuận khi cho rằng thẻ hành nghề lại trở thành một loại giấy phép con, làm nhiêu khê thêm các thủ tục và cản trở hoạt động của các doanh nghiệp, nên Chính phủ đã có văn bản bãi bỏ loại thẻ này.

Các nghệ sĩ sẽ mặn mà hay hờ hững với vấn đề chứng chỉ hành nghề - Cảnh trong nhạc kịch "Hai người mẹ” của nhạc sĩ An Thuyên

Tại hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức ngày 3/6 vừa qua, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đặt vấn đề về những nghịch lý hiện nay rằng, dường như ai cũng có thể lên biểu diễn, ai cũng có thể đứng ra đào tạo, hướng dẫn người khác về chân, thiện, mỹ, kể cả những người chưa qua giáo dục, đào tạo nghệ thuật. Dẫn ví dụ về chứng chỉ hành nghề trong một loạt lĩnh vực về kiến trúc, xây dựng, bất động sản, khám chữa bệnh, dược...

Thứ trưởng nhận định: Đáng buồn là ngành thú y cũng cần có chứng chỉ hành nghề, mà với các “bác sĩ tâm hồn” làm nghệ thuật thì lại không! Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Đăng Chương khẳng định, cần có chứng chỉ để quản lý, giám sát việc thực hiện đạo đức hành nghề tốt hơn, cũng là yếu tố giúp cho các nghệ sĩ được thường xuyên nâng cao trình độ, chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Không xin - cho

Theo dự thảo đề cương của đề án mà ngành văn hóa vừa đưa ra và sẽ công bố rộng rãi để trưng cầu ý kiến trong thời gian tới, trước mắt việc cấp chứng chỉ sẽ tập trung cho giới ca sĩ và người mẫu. Đối tượng đương nhiên được cấp sẽ là các NSND, NSƯT. Còn các đối tượng được xét cấp khi có nhu cầu sẽ gồm các nghệ sĩ đã qua đào tạo trong các trường nghệ thuật, hiện đang công tác tại các đơn vị trong và ngoài công lập, cùng với các nghệ sĩ chưa qua đào tạo hoặc đang học tại các trường nghệ thuật. Dự thảo đưa ra ba tiêu chí về tư cách đạo đức xuất hiện trước công chúng, năng lực nghệ thuật trình diễn trước công chúng và chưa bị thu thẻ hành nghề lần nào.

Theo thứ trưởng Hồ Anh Tuấn và Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương, tinh thần của việc cấp chứng chỉ là thủ tục nhanh gọn, không để nảy sinh cơ chế xin, cho và có đặc cách với các đối tượng xứng đáng. Ngoài ra sẽ tăng cường xử lý, kiểm tra vi phạm và hậu kiểm. Quy trình cấp dự kiến sẽ là: Nghệ sĩ kê khai quá trình hoạt động nghệ thuật, tùy theo đơn vị, địa phương hoạt động, gửi tới cơ quan Bộ hoặc Sở VH-TT&DL. Cơ quan Nhà nước sẽ căn cứ vào đó để xét cấp thẻ. Được biết, ngành văn hóa cũng chủ trương sẽ xem xét từng bước ủy quyền cho các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành trong việc cấp chứng chỉ. Hằng năm, cơ quan Nhà nước, các tổ chức hội và đơn vị, tổ chức nghệ thuật sẽ tổ chức đào tạo, nâng cao đạo đức, ý thức cho các nghệ sĩ.

Sự tích cực trong việc cấp chứng chỉ được thể hiện qua dự định: Kinh phí sẽ do ngân sách cấp, cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm trong việc cấp chứng chỉ, các nghệ sĩ không phải chịu lệ phí. Đồng thời, việc chứng chỉ sẽ được cấp cho tất cả các nghệ sĩ trên cơ sở nghệ sĩ tự đăng ký, không yêu cầu phải qua các lớp bồi dưỡng hay phải có hội đồng thẩm định. Cũng theo thông tin từ dự thảo đề án, việc cấp chứng chỉ đợt 1 sẽ được triển khai từ cuối năm 2013 và hằng năm có cấp bổ sung cho những người có nhu cầu.

Đồng thuận và góp ý thêm vào dự thảo, NSND Lê Ngọc Cường - Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam nhấn mạnh: Không chỉ với nghệ sĩ mà phải quản lý tốt cả những người đứng đầu các công ty tổ chức biểu diễn. Nếu xảy ra vi phạm, những người này phải bị phạt nặng. Đồng thời, việc cấp chứng chỉ nên tập trung vào thực hiện với đối tượng ca sĩ, người mẫu, vũ công… thuộc khối xã hội hóa nhưng chưa qua đào tạo chính quy. Còn những nghệ sĩ thuộc các đơn vị công lập thì đã có đơn vị của họ thẩm định, hoặc sinh viên ra trường nghệ thuật thì đã có bằng tốt nghiệp của họ để đảm bảo, nên không cần phải cấp chứng chỉ.

Còn đó những băn khoăn

Nhưng không phải không có những lo ngại về những quan điểm, thủ tục và quy trình dự kiến của việc cấp thẻ, thậm chí cả những băn khoăn về cơ sở pháp lý khi triển khai trong tương lai. Có ý kiến cho rằng, với các nghệ sĩ đã từng được cấp thẻ hành nghề, liệu có cần phải cấp lại chứng chỉ cho họ không? Ý kiến khác lại kiến nghị, không nên phân biệt giữa các nghệ sĩ công lập và ngoài công lập, đã hoặc chưa qua đào tạo và chỉ cần một mẫu chứng chỉ duy nhất. Nếu không đảm bảo sự bình đẳng sẽ gây nên những phản ứng không tốt.

NSƯT Lê Chức - Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam băn khoăn, nếu cứ đăng ký là được cấp chứng chỉ thì vô hình trung, những đối tượng kém về trình độ nghệ thuật và đạo đức, sẽ có thêm một sự công nhận của Nhà nước và ai dám cam đoan rằng những hiện tượng phản cảm trong biểu diễn nghệ thuật như vừa qua sẽ không tiếp tục nở rộ. NSƯT Lê Chức cho rằng, ai đúng thì mới cấp, chứ khái niệm nghệ sĩ hiện nay đang bị hiểu quá rộng và bị lạm dụng. Đâu phải ai bước lên sân khấu cũng xứng đáng là nghệ sĩ!

E ngại về việc văn bản sẽ chồng văn bản, quy định sẽ mâu thuẫn quy định, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP HCM Võ Trọng Nam cho rằng, hiện nay chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc cấp chứng chỉ. Trong các văn bản điều chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện hành, đều không nói đến việc cấp thẻ hay chứng chỉ hành nghề của nghệ sĩ, mà chỉ tập trung vào vấn đề chất lượng chương trình nghệ thuật và trách nhiệm của đơn vị tổ chức. Nếu muốn cấp chứng chỉ thì phải điều chỉnh, bổ sung trong các văn bản đó để tránh xảy ra mâu thuẫn. Ông Nam cũng cho rằng, hiện nay Nhà nước không quản lý nghệ sĩ bằng thẻ hay chứng chỉ, nhưng đã có những quy định về những điều cấm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật với những chế tài xử phạt nhất định. Như vậy thì liệu có cần phải cấp chứng chỉ nữa không để rồi lại khiến nở ra thêm những thủ tục hành chính.

Mong muốn có chứng chỉ hành nghề của nghệ sĩ để hoạt động biểu diễn nghệ thuật được sạch hơn, tốt hơn, nhưng làm thế nào để tránh những nhiêu khê, rườm rà và phòng chống được sự lạm dụng chứng chỉ, cũng như phải chuẩn bị những gì để sự ra đời của chứng chỉ có hành lang pháp lý vững chắc… Khi chứng chỉ chưa thành hình đã có rất nhiều vấn đề đi kèm được xới xáo lên. Điều này xem chừng lại đưa kỳ vọng chứng chỉ vào một hành trình bàn thảo, phản biện khá dài chưa thấy hồi kết.

Hằng Nga