Chữa bệnh… online - hiểm họa khó lường

06:57 | 17/11/2013

1,265 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời đại công nghệ thông tin thật hữu ích đối với con người, trong đó cả những vấn đề cá nhân cũng được chia sẻ với tốc độ nhanh như điện. Tuy nhiên, đó cũng là “lợi bất cập hại” khi vấn đề truy cập lại liên quan đến sức khỏe, một lĩnh vực nhất định phải có chuyên môn, phải khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Google không phải là bác sĩ!

Bác sĩ… mạng dễ văng mạng?

Thanh niên ngày nay có một câu gần như cửa miệng rất vui rằng: “Cái gì không biết thì tra ‘gu gồ’”. Thế nhưng tôi đồ rằng, trước cả khi có câu này thì nhiều bà mẹ, nhiều người đã dùng thói quen đó để tìm cách… trị bệnh, dẫu bất kể bệnh nhân là ai, mắc bệnh trọng hay nhẹ. Thế nên nhiều trường hợp đã phải trả giá, thậm chí là mất mạng cho sự bất cẩn này. Một số bệnh viện, đặc biệt chuyên khoa nhi đã phải tiếp nhận những ca cấp cứu biến chứng như vậy do… chữa bệnh online.

Mới đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội vừa tái tiếp nhận một bệnh nhi bị máu huyết tán nặng kèm theo ngộ độc thuốc. Sở dĩ tiếp nhận trở lại là do trước đây, bệnh nhi này đã từng điều trị tại đây, thậm chí còn đang trong giai đoạn điều trị nhưng ngoại trú. Thế nhưng, vì nhà ở xa, mỗi lần đưa con đi khám ở Bệnh viện Hồng Ngọc vất vả, “xót” con nên mẹ của bệnh nhi không “theo” nữa.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn cả khiến chị quyết định không tiếp tục điều trị cho con tại Bệnh viện Hồng Ngọc là do chị thấy bệnh của con lâu khỏi. Và thời gian “lâu” này chị tính bằng… mấy lần truyền máu. Sốt ruột, chị liền mang bệnh của con lên hỏi… “gu gồ” thì thay vì tìm được tư vấn của các chuyên gia y tế, chị lại được “bác sĩ” mạng chia sẻ những thông tin phần lớn từ những người cùng cảnh ngộ. Mà những thông tin ấy hầu hết đều tư vấn theo cách: điều trị thuốc lập tức, bất luận tình trạng bệnh như thế nào, thể trạng hiện ra sao... chỉ khác là người hướng dẫn sử dụng thuốc nam; Người tư vấn sử dụng thuốc Tây; Người lại “Đông Tây y kết hợp”…

Để cho con khỏi bệnh “siêu tốc” đồng thời “lành tính”, mẹ của bệnh nhi nói trên đã lựa chọn “phác đồ”: cho con uống thuốc Nam. Tuy nhiên, kết cục mà chị nhận được là con chị phải nhập viện Hồng Ngọc do sau khi cấp cứu, các bác sĩ phát hiện con chị thiếu máu trầm trọng, hơn cả lúc trước vì bị ngộ độc thuốc dẫn đến quá trình huyết tán máu nhanh hơn, nghiêm trọng hơn. Thậm chí bác sĩ còn cho biết: “Nếu kéo dài thêm thời gian ngắn nữa đứa trẻ sẽ không sống nổi vì thiếu máu”.

Bác sĩ Phi Nga, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Hồng Ngọc nói: “Huyết tán máu là một căn bệnh phải điều trị lâu dài, phải truyền máu thường xuyên nhưng theo định kỳ, đồng thời uống thuốc điều trị. Chính vì vậy, người bệnh phải kiên trì, tuân theo đúng “lộ trình” chứ không thể vội vàng được. Lên mạng tìm hiểu rồi tự chữa bệnh lại càng không nên bởi đó không phải là bệnh viện, không phải là bác sĩ để có thể đưa ra những phác đồ điều trị đúng và phù hợp với thể trạng của người bệnh. Người bệnh là người đã trưởng thành điều trị đã khó. Nếu là trẻ em còn khó hơn, nhất là trong trường hợp có biến chứng. Trường hợp của bệnh nhi trên đây cứu sống được là hãn hữu”. 

Tin “mạng” hơn?

Tương tự, một bệnh nhi khác cũng đã được Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống sau khi được mẹ điều trị theo… mạng. Bệnh nhi này 7 tháng tuổi, đang mọc những chiếc răng đầu tiên. Cũng vì đang mọc răng như vậy mà khi bé bị sốt kèm theo ho húng hắng, mẹ của bé lên các trang xã hội như Facebook, diễn đàn “Làm cha mẹ” để chia sẻ và chị đã nghe theo những lời chỉ dẫn đầy “kinh nghiệm”: nào là sốt mọc răng, ho do thời tiết, nào là ho vì… mọc răng… đồng thời “chỉ định”: dùng nước ấm hạ sốt bằng cách lau người cho con, mua thuốc mỡ về bôi vào lợi, chỗ răng mọc để con giảm đau, khi nào sốt thật cao mới dùng thuốc hạ nhiệt…

Và quan trọng là mẹ của bệnh nhi này đã làm theo mà không cần đưa con đi khám bác sĩ. Chỉ 3 ngày sau thì hậu quả khôn lường của việc chữa bệnh theo… mạng đã xảy ra: đứa trẻ sốt cao đến nỗi lên cơn co giật, chút nữa cắn vào lưỡi nếu như người nhà không nhanh tay dùng chiếc thìa chặn giữa hai hàm răng, xuất hiện việc ngừng thở theo cơn, co rút cơ hô hấp... Mẹ của bệnh nhi vội vàng đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thì ôi thôi, trước hình ảnh chụp phim: lá phổi bên trái trắng xóa một vùng cùng kết luận của bác sĩ: đứa trẻ bị viêm phổi nặng.

Khi bác sĩ tư vấn về việc chăm sóc, điều trị cho con mỗi khi ốm thì chị chỉ biết khóc nức nở mà không nói được lời nào vì ân hận. Bác sĩ điều trị cho bé cho hay: “Cũng may mẹ của bệnh nhi đã mang đến khi chưa quá muộn nên việc điều trị cũng hiệu quả, sức khỏe của bé đang dần ổn định. Đây không phải là trường hợp hy hữu “nghe” bác sĩ… mạng chữa bệnh cho con mà hiện nay phải nói là rất nhiều ông bố bà mẹ như vậy. Trong trường hợp viêm phổi nếu đưa đi cấp cứu muộn không những suy cơ quan hô hấp mà còn dẫn đến nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong. Do đó, các phụ huynh nhất thiết phải rút kinh nghiệm hình thức chữa trị này”.

Phải đi bệnh viện

TS Trương Hồng Mai, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bà đã không biết bao nhiêu lần phải cấp cứu cho những bệnh nhi chỉ vì cha mẹ các cháu mê tín hình thức “chữa bệnh online” mà từ bệnh nhẹ thành bệnh nặng, từ một bệnh biến chứng ra nhiều bệnh khác, từ khả năng sống cao đến nguy cơ tử vong cận kề… “Cho nên không thể điều trị theo phương thức này được. Nếu có chỉ là tham khảo thông tin hoặc dùng để tìm những bác sĩ, bệnh viện phù hợp…”, TS Hồng Mai khẳng định.

Bà còn nói tiếp: “Quá trình học y là một quá trình rất vất vả, dài đằng đẵng 6 năm. Thế mà với khoảng thời gian học tập ấy, khi tốt nghiệp ra trường, không phải ai cũng hành nghề ngay được, có khi phải mất thêm 3 năm nữa để học nội trú hoặc nhiều hơn để làm luận án cao học, tiến sĩ. Ấy thế mà ngay cả lúc đã học những khóa đào tạo cao cấp như vậy, người học ngành y chưa phải đã chắc tay trong việc kê đơn, chẩn đoán bệnh… Vậy nên, mới chỉ dựa vào hình ảnh đăng trên mạng (các bà mẹ chụp đưa lên mạng), cùng với vài dòng miêu tả về hiện trạng bệnh, làm sao có thể kết luận tình trạng bệnh và “chỉ định” điều trị, nhất là với những người chưa từng bao giờ học chuyên môn. Bởi vậy, tôi cho rằng những bà mẹ dựa vào các tư vấn, bình luận trên mạng rồi chữa bệnh cho con là một sai lầm vô cùng lớn, không văn minh, không coi trọng sức khỏe của con cái mình… Sai lầm đó phải khẳng định là thuộc ý thức hệ”.

Còn Th.S Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định: “Các bà mẹ nói riêng, những người chăm sóc bệnh nhân nói chung, phải thay đổi tư duy này, nếu không sẽ gặp rất nhiều trường hợp “oan gia” với hệ lụy khôn lường của bệnh tật. Bởi họ không hiểu rằng: Biểu hiện bệnh có thể giống nhau nhưng căn nguyên dẫn đến bệnh lại khác nhau. Như sốt chẳng hạn, nhiều loại viêm nhiễm dẫn đến sốt, thậm chí cả trọng bệnh như một số loại ung thư cũng dẫn đến sốt. Nếu cứ thấy sốt rồi tự “quy” về loại bệnh nào đó và tự điều trị thì không bao giờ khỏi được. Cho nên, có bệnh phải đi bệnh viện để được điều trị của bác sĩ, uống thuốc theo đơn. Kể cả là đơn thuốc của dược sĩ cũng không được theo bởi họ chỉ hiểu về dược mà không hiểu về y. Đó là những điều cần ghi nhớ và chắc chắn phải thực hiện đối với người ốm”. 

Anh Tú

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.