Khách hàng "bùng cước" Internet sẽ không có cơ hội đăng ký mới ở bên khác

20:01 | 01/09/2023

86 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vừa qua, 10 doanh nghiệp gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT Telecom, CMC Telecom, SPT (Saigon Postel Corp), HTC-ITC, Indochina Telecom, Netnam và VTC Digicom đã đi đến sự thống nhất cam kết từ chối cung cấp dịch vụ cho các khách hàng đăng ký mới dịch vụ truy nhập Internet ADSL/FTTH khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước với một trong các bên.

Cam kết được xem là "mạnh tay" này diễn ra trong bối cảnh thị trường viễn thông Internet Việt Nam thời gian qua thường xuyên chứng kiến cảnh người dùng “bùng cước”. Nguyên nhân sâu xa ở chỗ từng có thời kỳ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí bán dịch vụ dưới giá thành nhằm thu hút người dùng mới.

Công nhân VNPT
Công nhân VNPT. (Ảnh minh họa).

Thực trạng này dẫn đến việc có một bộ phận người dùng Internet bỏ ngang gói cước đang sử dụng trong khi chưa hoàn tất nghĩa vụ thanh toán, sau đó lại đăng ký gói cước mới của nhà mạng khác với ưu đãi tốt hơn để hưởng lợi. Do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau và chưa có cơ chế phối hợp, trước đây các nhà cung cấp dịch vụ Internet không thể giải quyết câu chuyện này.

Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp dịch vụ đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước được ký kết trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ ADSL/FTTH tới các hộ gia đình.

Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, thỏa thuận vừa ký kết sẽ đảm bảo người sử dụng dịch vụ viễn thông phải thực hiện nghiêm túc các quy định, hợp đồng đã ký với các nhà mạng. Đối với nhà mạng, họ sẽ không bị thất thoát doanh thu do tình trạng khách hàng bùng, nợ cước.

Động thái trên bảo đảm khi thuê bao chuyển sang nhà mạng khác, các sợi cáp nối tới thuê bao đó không còn là rác thải trên trời. Điều này sẽ làm cho hạ tầng viễn thông Việt Nam được gọn gàng, sạch sẽ, bảo đảm nhà mạng có cơ hội phát triển thuê bao, cung cấp thêm dịch vụ mới.

Cục Viễn thông khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông còn lại chủ động tham gia vào cam kết này. Phó Cục trưởng Nguyễn Phong Nhã hy vọng, sau thời gian thử nghiệm, tỷ lệ nợ xấu của các nhà mạng sẽ giảm xuống, chất lượng đường truyền FTTH tăng lên và các doanh nghiệp có thêm nhiều các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền FTTH.

“Để xử lý dứt điểm tình trạng thuê bao bùng cước, các doanh nghiệp cần truyền thông tới người sử dụng, đồng thời thực hiện nghiêm túc cam kết của mình, khi phát hiện thuê bao nợ cước, kiên quyết không phát triển thuê bao mới trong tập khách hàng này”, ông Nguyễn Phong Nhã nói.

Minh Châu