Chữ "Việt cổ" của ông Đỗ Văn Xuyền

07:00 | 14/06/2013

|
Bạn đọc: Trong bài “Chữ Việt cổ đã được giải mã?”, VTC News ngày 29/1/2013 đã đưa tin: “Chiều 29/1/2013, tại 80 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã có buổi ra mắt cuốn sách “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” và giao lưu với các nhà nghiên cứu, những người say mê chữ Việt cổ. (…) Ông Xuyền tuyên bố rằng đã giải mã được chữ Việt cổ - thứ chữ của một nền văn minh rực rỡ từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Cuốn sách đánh dấu hành trình 50 năm kiên trì, bền bỉ, với cái tâm trong sáng và lòng yêu đất nước sâu sắc, niềm tự hào về văn hóa Việt của ông Xuyền. (…) Ông muốn tuyên bố với thế giới rằng, người Việt đã có chữ Khoa Đẩu, thứ chữ được sáng tạo từ thời tiền sử, mà suốt 2.000 năm qua đã bị thất lạc”. Xin ông An Chi cho biết, ông nghĩ như thế nào về sự kiện và cuốn sách “hoành tráng” này. Xin cảm ơn. Võ Trọng Thật (Bình Thạnh, TP HCM)

Cuộc hành trình tìm chữ Việt cổ của tác giả Đỗ Văn Xuyền không phải là khoa học. Đây chỉ là chuyện đời xưa thời nay mà thôi. Còn cái ý định của ông Xuyền “muốn tuyên bố với thế giới rằng, người Việt đã có chữ khoa đẩu, thứ chữ được sáng tạo từ thời tiền sử” thì quả là cực kỳ lố bịch.

Nói chung, những câu quan trọng của ông Xuyền - mà các phương tiện truyền thông thuật lại - thì đều sai hoặc phản khoa học. Ta hãy trở lại với cái câu của VTC News:

“Ông (Xuyền - AC) muốn tuyên bố với thế giới rằng, người Việt đã có chữ khoa đẩu, thứ chữ được sáng tạo từ thời tiền sử, mà suốt 2.000 năm qua đã bị thất lạc”.

Ông đã không hiểu được khái niệm “tiền sử”. Nếu đã có chữ viết thì bước vào thời hữu sử rồi chứ sao lại còn ở thời tiền sử nữa. Dĩ nhiên là khi nhân loại đã bước vào thời hữu sử rồi thì một số dân tộc vẫn chưa có chữ viết nhưng đây lại là một chuyện khác. Ông lại còn theo chân một vài người đi trước mà gọi thứ chữ do mình “phịa” ra là “chữ khoa đẩu”, được giải thích là chữ giống như con nòng nọc. Thực ra bảng chữ Việt cổ do ông Xuyền chế biến chẳng có chữ nào có thể gợi cho ta liên tưởng đến hình con nòng nọc cả.

Ấy là còn chưa nói đến chuyện “khoa đẩu” là tiếng Tàu. “Chữ nòng nọc” là một khái niệm gốc Tàu, được Tàu gọi là “khoa đẩu tự” [蝌蚪字], “khoa đẩu văn” [蝌蚪文], “khoa đẩu thư” [蝌蚪書] hay “khoa đẩu triện”

[蝌蚪篆]. Ở bên Tàu, khái niệm này chỉ xuất hiện từ đời Hán, rồi “thoi thóp” dần từ đời Đường trở đi. Ban đầu, nó xuất hiện để chỉ những lối chữ từ đời Tần trở về trước, rồi cái nội dung nguyên thủy mờ dần, khiến cho về sau dân chúng chỉ còn coi khoa đẩu văn là chữ của thần tiên và cuối cùng là những chữ cổ mà không ai có thể đọc được. Vì cái nghĩa ban đầu đã nói nên chữ viết của các nước như Tề, Lỗ, v.v..., thời Xuân thu - Chiến quốc mới được gọi là “khoa đẩu văn”. Sử Tàu chép đời Tần Thủy Hoàng, thừa tướng Lý Tư lấy chữ đại triện của Tần làm nền tảng, có bổ sung bằng những yếu tố của chữ nòng nọc thông hành ở các nước Tề, Lỗ, v.v…, mà chế ra lối chữ Tần triện [秦篆] , thường gọi là tiểu triện
[小篆]. Sử cũng chép chuyện đời Hán Vũ Đế, Lỗ Cung Vương Lưu Dư cho phá nhà xưa của Khổng Tử để mở rộng cơ ngơi của mình và người ta đã nhân đó mà phát hiện trong vách nhà của cụ Khổng nhiều thẻ tre viết bằng chữ nòng nọc.

Thế là “khoa đẩu văn” (chữ nòng nọc) chẳng những do Tàu đặt ra mà còn chủ yếu dùng để chỉ các lối chữ viết bên Tàu từ đời Tần trở về trước. Nhưng, để chống chế cho cách gọi của mình, người ta còn vận dụng cả câu chuyện có sứ giả Việt Thường sang dâng cho vua Nghiêu bên Tàu một con rùa thần, vuông hơn ba thước, trên mai có khắc chữ khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau. Nhưng đây chỉ là chuyện ghi trong những quyển sách truyền kỳ, như Thuật dị ký [述異記], khoảng cuối thế kỷ V, đầu thế kỷ VI, hoặc Thái bình quảng ký [太平廣記], thế kỷ X, v.v…, ra đời vào thời gian mà mấy tiếng “khoa đẩu văn” đã có nghĩa là “chữ thần tiên”, “chữ không ai đọc được”, chứ không còn là “chữ nòng nọc” nữa. Huống chi, Tàu đâu có ghi hai chữ “Việt Thường” [越裳]; Triệu Thường [趙裳] mới đúng là tên cái xứ sở mà sách của họ đã ghi. Các nhà làm sách, làm sử của ta thời xưa hoặc đã “gian lận” mà đưa chữ “Việt” [越] vào để “ăn theo”, hoặc chỉ vì “tác đánh tộ, ngộ đánh quá” nên mới đọc “Triệu” [趙] thành “Việt” [越] đó thôi! Vâng, Triệu Thường mới đúng là chữ trong sách Tàu. Dù thế nào mặc lòng, hai tiếng “khoa đẩu” mà đem ra xài ở đây thì dứt khoát không hợp. Ở bên Tàu hiện nay, họ còn đang bàn về chuyện có phải khoa đẩu văn là tiền thân của giáp cốt văn hay không nữa đó. Chữ và khái niệm của Tàu mà; có phải của ta đâu! Vớ cái nhãn hiệu “khoa đẩu” mà dán vào “chữ Việt cổ” của ông Xuyền thì có khác gì bôi tro trát trấu vào mặt nó!

Nhưng dù sao ta cũng cứ nên bình tâm mà xem “chữ khoa đẩu” của ông Xuyền nó như thế nào. Đó không phải gì khác hơn là một biến thể của loại hình văn tự Thái - Lào, mà xuất phát điểm là chữ Thái (Xiêm) ở Thái Lan. Bảng chữ Việt cổ của ông rất gần - nếu không phải là sao chép - với bộ chữ cái của người Thái Đen (hoặc của người Thái Trắng, thì cũng đại đồng tiểu dị). Xin xem “Bảng so sánh chữ Việt cổ và chữ Thái Đen”.

Trong bảng này, ở trên là phần trích từ bảng mà ông Xuyền cho là chữ Việt cổ (VC) còn phần dưới là bảng chữ cái ghi phụ âm của tiếng Thái Đen (TĐ), mỗi phụ âm có hai chữ cái (một chữ để thể hiện thanh thấp, còn chữ kia thể hiện thanh cao) in theo hàng dọc, bên dưới có chú âm trong ngoặc vuông. Nhìn vào hai phần, ta thấy chữ B của VC y chang chữ [b], hàng trên của TĐ; chữ N của VC y chang chữ [n] hàng trên của TĐ; chữ NH của VC y chang chữ [ʃ/ɲ] hàng trên của TĐ; chữ M của VC y chang chữ [m] hàng trên của TĐ; chữ PH của VC y chang chữ [f] hàng dưới của TĐ; chữ T của VC y chang chữ [t] hàng trên của TĐ; chữ TH của VC y chang chữ [ť] của TĐ; v.v...; chưa kể những biến thể không khó khăn gì để có thể nhận ra. Chữ của người Thái Trắng cũng đại đồng tiểu dị với chữ của người Thái Đen và cũng từng được Georges Minot giới thiệu cách đây hơn 70 năm trong quyển Dictionnaire tẵy blanc - francais (BEFEO, t. XL, 1940, fasc.1).
 

(Xem tiếp kỳ sau)

A.C