Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Chơi vỗ mặt

07:00 | 29/03/2014

4,530 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 28/3, Philippines sẽ chính thức ký hợp đồng trị giá 524 triệu USD với Hàn Quốc và Canada để mua 20 máy bay và trực thăng để nâng cấp quân đội trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Trong khi đó, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear cảnh báo (25/3), việc cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ tác động tiêu cực đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ tại châu Á. Cũng theo Đô đốc Samuel Locklear, Trung Quốc đang chế tạo một lực lượng tàu ngầm với số lượng nổi trội và điều này xuất phát từ vấn đề an ninh hay xuất phát từ mục đích khác.

Năng lượng Mới số 308

Lại “quan hệ nước lớn kiểu mới”

Ngày 24/3, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama (bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại La Hay, Hà Lan) rằng, Washington nên có thái độ khách quan và công bằng trong cách nhìn đối với tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông; đồng thời phải hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy một giải pháp phù hợp và cải thiện tình hình.

Ông Tập Cận Bình cũng cho rằng, Trung Quốc sẵn sàng cùng với Mỹ hướng tới việc xây dựng mô hình quan hệ giữa các nước lớn; đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự, tổ chức tập trận chung để “tránh những quan niệm và đánh giá sai lầm”. Trước đó, Bắc Kinh từng nhiều lần thúc giục Washington không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh hải. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, 2 nhà lãnh đạo đã đạt được 10 thỏa thuận, trong đó có thống nhất quy tắc về hoạt động quân sự và hàng hải trong vùng biển quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hội đàm ngày 23/3 tại Noordwijk, Hà Lan

Trong khi đó, Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, ông Barack Obama đã bày tỏ quan ngại đối với việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013; đồng thời nhấn mạnh các bên liên quan cần giảm căng thẳng ở Biển Đông, biển Hoa Đông và tìm ra giải pháp cho các vấn đề tranh chấp chủ quyền dựa trên đối thoại và luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Tổng thống Barack Obama còn tái khẳng định sự ủng hộ đối với vấn đề an ninh của 2 đồng minh Nhật Bản và Philippines. Giới phân tích cho rằng, khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” mà Bắc Kinh đưa ra cách đây không lâu chủ yếu nhằm mục đích giúp Trung Quốc trở thành bá chủ thế giới.

Ngày 26/3, Tổng Công ty điện lưới quốc gia Philippines (NGCP) đã bác bỏ tuyên bố của ông Rafael Alunan, cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines vừa cảnh báo về nguy cơ phá hoại lưới điện từ Trung Quốc để trả đũa việc Manila kiện “đường lưỡi bò” ra Tòa án Trọng tài quốc tế. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose lại từ chối bình luận về vấn đề này.

Ngày 25/3, tờ The Philippine Star dẫn lời ông Rafael Alunan cảnh báo, Trung Quốc sẽ có hành động trả đũa sau khi Manila trình tài liệu về vụ kiện “đường lưỡi bò” lên Tòa án Trọng tài quốc tế hôm 30/3. Bởi trước đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng cảnh báo giới chức ngoại giao Philippines ở Bắc Kinh rằng, sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Manila để phản đối vụ kiện kể trên.

Trong khi đó, tại cuộc họp với Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Margallo (25/3), Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Manila có thể đưa việc xâm nhập bất hợp pháp của Bắc Kinh vào bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vào hồ sơ vụ kiện (dày hơn 100 trang) Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế về những yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông.

Bởi Philippines đã hoàn thiện các lập luận pháp lý và chứng cứ chứng minh tuyên bố của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” là vô căn cứ, không có hiệu lực theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như các hành động khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông thời gian qua. Trong đơn kiện, Manila còn cáo buộc Bắc Kinh đã chiếm đóng bất hợp pháp ít nhất 8 bãi ngầm, rạn san hô ở Biển Đông.

Dừng lại ở cam kết

Ngày 25/3, trong nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ba bên tại La Hay, Hà Lan (bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân) để thuyết phục hai đồng minh quan trọng của Washington hợp tác, cùng đối phó với các thách thức an ninh tại Đông Bắc Á. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye được coi là bước đột phá về ngoại giao trong nỗ lực cải thiện quan hệ song phương đang rơi vào giai đoạn căng thẳng nhất trong nhiều năm qua.

Ông Barack Obama cho rằng, việc phối hợp chặt chẽ giữa Washington, Tokyo và Seoul, bao gồm hợp tác quân sự, tập trận chung là thiết yếu để đối phó với nguy cơ từ bên ngoài. Cho tới nay, quan hệ giữa 2 đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á (Hàn Quốc và Nhật Bản) vẫn căng thẳng xung quanh tranh chấp về lịch sử, biển đảo và điều này khiến Washington quan ngại.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Cũng trong ngày 25/3, Hãng Kyodo dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố: sẵn sàng gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời hối thúc Bắc Kinh nỗ lực để đạt được mục tiêu này. Ông Shinzo Abe và ông Tập Cận Bình chưa gặp thượng đỉnh chính thức kể từ khi 2 nhà lãnh đạo này lên nắm quyền vào tháng 12/2012 và tháng 3/2013 bởi Nhật - Trung vẫn đang căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ và những quan điểm lịch sử khác nhau. Cũng bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân ở La Hay, Hà Lan, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã cam kết tăng cường hợp tác song phương, cải thiện các cơ chế đối thoại chiến lược Hàn Quốc - Trung Quốc…

Cùng ngày 25/3, Hãng Yonhap dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh muốn tăng cường trao đổi quốc phòng với Seoul ở nhiều cấp và nhiều lĩnh vực khác nhau. Động thái này xuất hiện sau khi Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung có cuộc gặp với Giám đốc Học viện Quốc phòng Hàn Quốc Park Sam-duck hôm 23/3.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vừa (25/3) hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận hạt nhân Nhật - Mỹ sau khi Tokyo đồng ý chuyển giao cho Washington nhiên liệu hạt nhân nhạy cảm có thể được dùng để sản xuất bom. Theo đó, hơn 300kg nhiên liệu hạt nhân (cả uranium và plutonium) được lưu trữ tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản sẽ được chuyển tới các cơ sở đảm bảo tại Mỹ để hạ cấp độ và tiêu hủy. Trước đó (24/3), cố vấn hạt nhân Nhật Bản, ông Yosuke Isozaki cho biết, bằng cách loại bỏ vật liệu hạt nhân, Tokyo ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz hoan ngênh cam kết của Nhật Bản khi trả lại số vật liệu hạt nhân này.

Ngày 23/3, tờ The Hindu và tờ Tin nhanh của Ấn Độ đăng bài “Ấn Độ - Trung Quốc thể hiện sức mạnh trên biển ở Ấn Độ Dương” và “Trong vấn đề biển Andaman, con hổ Ấn Độ đánh lừa con rồng Trung Quốc”. Theo nhận định của chuyên gia về ngoại giao của Ấn Độ Raja Mohan, do phải nhập khẩu năng lượng từ vịnh Ba Tư, quan hệ thương mại với châu Âu, sự lệ thuộc của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương sẽ tiếp tục gia tăng.

Thuyền đua thì lái cũng đua

Ngày 25/3, khi phát biểu tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear cho rằng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ lần đầu tiên sở hữu tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa (tầm bắn ước tính 7.500km) vào cuối năm nay. Đây sẽ là khả năng răn đe hạt nhân đáng sợ đầu tiên trên biển của Trung Quốc. Theo ông Samuel Locklear, Trung Quốc đã đạt tiến bộ đáng kể về năng lực tàu ngầm và nỗ lực hiện đại hóa tàu ngầm của Bắc Kinh rất ấn tượng. Ước tính, hiện Trung Quốc có 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo và 53 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel. Theo tính toán của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, trong khoảng thời gian 1995-2012, Bắc Kinh đã sản xuất trung bình 2,9 tàu ngầm/năm.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Cũng trong ngày 25/3, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, quân đội Mỹ có kế hoạch gửi  thêm 1.150 lính thủy đánh bộ đến căn cứ ở Australia vào đầu tháng 4. Số binh sĩ này sẽ hợp nhất với 200 lính đang đồn trú tại căn cứ ở Darwin. Dự kiến, đến năm 2016, Mỹ sẽ hoàn tất kế hoạch duy trì khoảng 2.500 lính thủy đánh bộ thường trú ở căn cứ Darwin mỗi năm. Ngoài ra, sau nhiều năm tham chiến ở Afghanistan và Iraq, lực lượng hải quân Mỹ cũng sẽ quay trở lại chiến trường Thái Bình Dương, đóng quân ở Nhật Bản và đảo Hawaii, đặc biệt là 2 cụm hải quân đánh bộ thiện chiến số 1 và số 3.

Được biết, Hải quân Mỹ còn thành lập thêm cơ cấu tác chiến đổ bộ mới. Tư lệnh Hải quân Mỹ Jonathan Greenert vừa công bố kế hoạch thành lập “Cụm tác chiến đổ bộ số 5” ở Thái Bình Dương (hoàn thành trước năm 2018), đồng thời tăng cường hỗ trợ lực lượng hải quân đánh bộ mở rộng sự hiện diện tại Australia.

Giới quân sự cho rằng, sự điều động Hải quân Mỹ đến khu vực này thực sự lớn bởi trước đó Lầu Năm Góc từng tuyên bố, trong 10 năm tới họ sẽ biến Châu Á - Thái Bình Dương thành lãnh địa riêng. Và Mỹ sẽ điều tới đây 6 biên đội hàng không mẫu hạm và đại bộ phận các tuần dương hạm, khu trục hạm, khinh hạm cùng tàu tác chiến ven bờ. Động thái này phá vỡ thế cân bằng 5/5 trong bố trí binh lực Mỹ ở 2 đại dương lớn nhất thế giới. Điều đáng nói là quá trình chuẩn bị cho sự dịch chuyển này được gấp rút tiến hành, bất chấp những bất ổn ở Ukraine - Crimea. Theo nhận định của các nhà phân tích thuộc Aviation Week&Space Technology của Mỹ, trong 5 năm tới, số lượng tên lửa được sản xuất ra giảm (từ 42.576 quả trong năm 2014 xuống còn 38.177 trong năm 2018), nhưng giá trị của chúng lại tăng. Tuy Trung Quốc là nước sản xuất nhiều tên lửa có điều khiển nhất thế giới, nhưng Mỹ mới là quốc gia chiếm lĩnh vị thế số một về giá trị.

Theo tờ Thời báo Washington, Mỹ quyết không để Trung Quốc vượt mặt về vũ khí siêu thanh. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật Alan.R.Schafer cho rằng, thiết bị bay tấn công với tốc độ siêu thanh sẽ là sự lựa chọn chính trong hệ thống vũ khí tấn công tốc độ cao, tầm xa thế hệ mới của quân đội Mỹ. Còn theo tờ The Weekly Standard, Mỹ đang đề phòng khả năng Trung Quốc bắt chước Nga - đánh chiếm các biển, đảo đang có tranh chấp tại biển Hoa Đông và Biển Đông, sau khi Nga sáp nhập Crimea mà không tốn một viên đạn.

Ngày 25/3, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Yasutoshi Nishimura, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng, những hành vi của Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông chẳng khác gì việc bán đảo Crimea của Ukraine bị Nga sáp nhập. Giới quân sự khuyến cáo, căng thẳng và đối đầu ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tokyo xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự giữa cường quốc số hai và số ba thế giới về kinh tế.

Ngày 25/3, Liên minh cầm quyền ở Nhật Bản đã thông qua đường lối chỉ đạo mới về xuất khẩu vũ khí, mở đường cho đợt sửa đổi lớn đầu tiên sau gần nửa thế kỷ áp dụng chính sách cấm xuất khẩu các mặt hàng này. Chính phủ Nhật Bản sẽ đề nghị nội các phê chuẩn đường lối chỉ đạo mới vào tuần tới. Cũng trong ngày 25/3, tàu ngầm mang tên lửa điều khiển lớp Ohio của hải quân Mỹ mang tên USS Michigan (SSGN-727) cùng 150 thủy thủ cập cảng Subic, bắt đầu chuyến thăm định kỳ tới Philippines.

Chuyến thăm nhằm khẳng định mối quan hệ ngoại giao và quân sự lâu dài giữa Mỹ và Philippines. Chuyến thăm của tàu ngầm USS Michigan diễn ra giữa lúc Manila và Washington đang tiến hành vòng đàm phán thứ 7 (khai mạc hôm 24/3) về hiệp ước hợp tác quốc phòng, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận và được sử dụng nhiều hơn các căn cứ quân sự của Philippines.

Ngày 26/3, Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cùng mẹ đẻ và 2 ái nữ đã về nước, kết thúc 6 ngày viếng thăm Trung Quốc. Trước đó (25/3), bà Michelle Obama đã ca ngợi những tiến bộ của Mỹ về bình đẳng sắc tộc, dân quyền, quyền tự do tôn giáo khi tới thăm một trường trung học nổi tiếng ở tỉnh Tứ Xuyên. Trong khi đó, Hãng Jiji dẫn các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho rằng (25/3), Ngoại trưởng Fumio Kishida có thể hoãn chuyến thăm Nga dự kiến diễn ra trong tháng 4 sau khi quan hệ Tokyo - Moskva nguội lạnh vì vấn đề Crimea.

Cũng trong ngày 25/3, Đài NHK dẫn phát biểu của Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố, Tokyo hy vọng đóng một vai trò then chốt trong việc đạt được giải pháp ngoại giao và hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine; đồng thời khẳng định Nhật Bản không dung thứ việc sử dụng vũ lực làm phương tiện thay đổi hiện trạng. Giới bình luận coi đây là sự ám chỉ của Tokyo đối với tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Nga xung quanh quần đảo Kurils/Vùng lãnh thổ phương Bắc.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh