Chơi tiền ảo - Sập bẫy thật: Cần quy định về hoạt động liên quan tiền ảo

07:00 | 17/08/2018

529 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Luật sư Đặng Xuân Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội, mặc dù cơ quan chức năng cũng như giới truyền thông đã đưa ra nhiều cảnh báo về sự rủi ro khi đầu tư tiền ảo nhưng vẫn liên tiếp có dòng người “sập bẫy”.
choi tien ao sap bay that can quy dinh ve hoat dong lien quan tien ao
Luật sư Đặng Xuân Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội

Trao đổi với Petrotimes, Luật sư Đặng Xuân Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: Điểm qua những sự việc gần đây nhất từ tiền ảo AOC tại những huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang, IFan trên nền tảng huy động vốn bằng hình thức trả lãi (lending platform) hay đào tiền ảo Sky Mining..., tôi cho rằng, lý do căn bản để loại hình này vẫn có đất sống là do trong xã hội còn nhiều người hám lợi nhưng lại không am hiểu về lĩnh vực mình đang đầu tư.

Thực ra, khi đã lao vào con đường này thì cũng khó thoát ra, bởi các nhà đầu tư luôn nhận được những mức lãi suất “mời gọi” lên tới 50 - 60%/tháng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hứa hẹn mức lãi một tháng bằng 7 - 8 lần lãi suất gửi tiết kiệm. Đây chính là yếu tố căn bản thúc đẩy các nhà đầu tư “xuống tiền”, để rồi… trắng tay.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không thừa nhận tính pháp lý của các đồng tiền ảo. Và xét về mặt pháp lý cũng như thực tế thì chưa có bất cứ một văn bản pháp luật nào quy định về đồng tiền ảo. Điều đó khiến các nhà đầu tư tiền ảo rất khó có cơ sở để đòi lại khoản tiền đã đầu tư cũng như các chi phí khác khi gặp rủi ro.

Không ít người Việt Nam đang giao dịch tiền số với mong muốn kiếm lời trong khi các sàn giao dịch không chỉ nằm ở Việt Nam mà còn nằm cả ở nước ngoài, mức độ rủi ro rất cao. Bởi lẽ, các giao dịch hoàn toàn diễn ra trên mạng internet, người đầu tư không biết người nhận tiền là ai, dòng tiền chuyển dịch như thế nào. Khi xảy ra sự cố, người đầu tư sẽ không thể tìm được đối tượng để yêu cầu hoàn tiền, thậm chí việc xử lý các sàn giao dịch này còn liên quan đến luật pháp các nước trên thế giới cũng như tư pháp quốc tế, rất khó khăn.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức thận trọng khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực tiền ảo. Sự thận trọng không chỉ xuất phát từ những nguy cơ tiềm ẩn về việc bị mất tiền đầu tư do gặp những sàn giao dịch “ma” mà còn phải thận trọng với các quy định của pháp luật.

Hiện Nhà nước đã có một số văn bản quy định cấm sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, tuy nhiên, chưa có bất cứ quy định nào liên quan đến khái niệm tiền ảo, hay sử dụng tiền ảo.

"Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần thiết phải đưa vào luật định nghĩa tiền ảo, những hoạt động nào liên quan đến tiền ảo là hợp pháp, những hoạt động nào là bất hợp pháp… Từ những quy định cụ thể, người dân mới có thể hiểu điều kiện kinh doanh của những tổ chức liên quan đến tiền ảo" - Luật sư Đặng Xuân Cường nói.

Tiền ảo là bất hợp pháp

Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định về phương tiện thanh toán như sau:

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.

Khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định về hành vi bị cấm bao gồm:

“6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Như vậy, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Lê Trúc - Huyền Anh

choi tien ao sap bay that can quy dinh ve hoat dong lien quan tien ao Chơi tiền thật - sập bẫy ảo: Miếng pho-mát ngon chỉ có ở bẫy chuột
choi tien ao sap bay that can quy dinh ve hoat dong lien quan tien ao Chơi tiền ảo - Sập bẫy thật: Đừng biến mình thành “con mồi”!
choi tien ao sap bay that can quy dinh ve hoat dong lien quan tien ao Bộ trưởng Bộ Công an "điểm tên" tội phạm công nghệ cao