Vì sao dầu khí được miễn trừ thuế nhập khẩu vào Mỹ?

10:49 | 05/04/2025

188 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giữa làn sóng thuế quan mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố, có một chi tiết quan trọng nhưng ít được chú ý: Các mặt hàng năng lượng được miễn trừ.
Vì sao dầu khí được miễn trừ thuế nhập khẩu vào Mỹ?
Theo Tổng thống Trump, mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ không áp dụng cho dầu thô, khí đốt và các sản phẩm lọc dầu. Ảnh AFP

Theo thông báo từ Nhà Trắng hôm thứ Tư, mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, cùng với mức thuế cao hơn đối với nhiều đối tác thương mại lớn, sẽ không áp dụng cho dầu thô, khí đốt và các sản phẩm lọc dầu.

Việc miễn trừ nhập khẩu năng lượng rõ ràng là một chiến lược nhằm giảm thiểu tác động tăng giá mà người dân Mỹ có thể phải gánh chịu từ thuế quan, đồng thời phù hợp với mục tiêu lâu dài của ông Trump là giữ giá năng lượng ở mức thấp.

Tuy nhiên, động thái này cũng đặt phần còn lại của thế giới vào tình thế khó xử khi phải tìm cách ứng phó với sự đảo lộn của hệ thống thương mại toàn cầu do ông Trump tạo ra.

Một trong những "quân bài" đàm phán mạnh nhất mà nhiều quốc gia có thể sử dụng để đối phó với thuế quan của Mỹ chính là lượng năng lượng mà họ đang mua, hoặc có thể mua, từ Mỹ.

Mỹ hiện là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và sản phẩm dầu tinh chế lớn nhất thế giới, đồng thời đứng thứ tư về xuất khẩu dầu thô và than đá.

Trong thời gian qua, một số quốc gia đã cố gắng tránh bị áp thuế bằng cách cam kết mua thêm năng lượng từ Mỹ.

Tuy nhiên, với mức thuế đồng loạt 10% và mức thuế cao hơn lên tới 20% đối với Liên minh châu Âu, 34% đối với Trung Quốc, 24% đối với Nhật Bản và 26% đối với Ấn Độ, câu hỏi đặt ra là liệu những nỗ lực này có thực sự hiệu quả. Đây đều là những thị trường lớn của năng lượng Mỹ, hoặc từng là khách hàng quan trọng, hoặc có tiềm năng gia tăng nhập khẩu trong tương lai.

Liệu các quốc gia này có đưa nhập khẩu năng lượng từ Mỹ vào bàn đàm phán để đáp trả thuế quan của ông Trump?

Để đối phó với thuế quan mới của Mỹ, các quốc gia đứng trước ba lựa chọn cơ bản.

Lựa chọn đầu tiên là đối đầu trực diện. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận thiệt hại, bị tổn thương, thậm chí có thể thất bại trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, hành động cứng rắn này có thể giúp giành được sự tôn trọng và tạo ra lợi thế chiến lược.

Lựa chọn thứ hai là cố gắng thương lượng, tránh đối đầu bằng cách nhượng bộ hoặc thỏa hiệp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, điều này chỉ khiến các nước mất cả lợi ích kinh tế lẫn vị thế chính trị.

Lựa chọn cuối cùng là tránh né. Việc trì hoãn phản ứng hoặc tạm thời lùi bước có thể giúp làm dịu tình hình trong ngắn hạn, nhưng rốt cuộc chỉ là trì hoãn điều không thể tránh khỏi.

Đối mặt với lựa chọn

Về vấn đề nhập khẩu năng lượng từ Mỹ, Trung Quốc đã chọn cách đứng lên đối đầu, áp thuế lên dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này về cơ bản đã chấm dứt hoạt động thương mại các mặt hàng này giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, tác động đến giá cả trên thị trường toàn cầu không đáng kể, chủ yếu vì Trung Quốc vốn không phải là khách hàng lớn của năng lượng Mỹ, và có thể dễ dàng tìm nguồn thay thế mà không gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhưng châu Âu thì khác. Khu vực này nhập hơn một nửa lượng LNG từ Mỹ và khó có thể tìm nguồn thay thế mà không gây gián đoạn lớn đến thị trường toàn cầu. Châu Âu cũng là khách hàng lớn của dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ. Giống như LNG, việc tìm nguồn thay thế sẽ rất khó khăn và có thể đẩy giá cả lên cao, làm đảo lộn dòng chảy thương mại quốc tế.

Riêng than đá của Mỹ, châu Âu có thể cắt giảm nhập khẩu mà không chịu quá nhiều tác động tiêu cực, vì thực tế lượng mua vào không lớn.

Trong khi đó, Nhật Bản và Ấn Độ có khả năng sẽ sử dụng các hợp đồng mua năng lượng từ Mỹ như một "quân bài" đàm phán với chính quyền Trump, nhằm giành được các miễn trừ hoặc ưu đãi về thuế quan.

Xét đến sự khó đoán của ông Trump và chính quyền của ông, chiến thuật này có thể đem lại kết quả, nhưng hiện tại, điều chắc chắn duy nhất là mức độ rủi ro rất cao.

Dù mỗi quốc gia hay khu vực như Liên minh châu Âu có cách phản ứng riêng, điểm chung dễ thấy là họ sẽ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác khác.

Hệ quả cuối cùng của chính sách thuế quan này là Mỹ có nguy cơ trở thành lựa chọn thương mại cuối cùng - các nước sẽ chỉ mua hàng Mỹ khi không thể tìm được nguồn thay thế nào khác.

EU áp thuế nhập khẩu dầu diesel sinh học của Trung QuốcEU áp thuế nhập khẩu dầu diesel sinh học của Trung Quốc
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điệnLiên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện
Vì sao các nhà giao dịch khí đốt tìm cách miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ?Vì sao các nhà giao dịch khí đốt tìm cách miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ?

Nh.Thạch

AFP