Chính quyền miền đông Libya tuyên bố đóng cửa tất cả các mỏ dầu

14:08 | 27/08/2024

4,418 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm thứ Hai 26/8, chính quyền miền đông Libya cho biết các mỏ dầu ở miền đông Libya, nơi chiếm gần như toàn bộ sản lượng của nước này, sẽ bị đóng cửa và hoạt động khai thác cũng như xuất khẩu cũng sẽ bị dừng lại, sau khi xảy ra căng thẳng liên quan đến lãnh đạo Ngân hàng Trung ương.
Bản tin Năng lượng Quốc tế 27/8: Giá dầu trượt nhẹ trước một số thông tin tiêu cựcBản tin Năng lượng Quốc tế 27/8: Giá dầu trượt nhẹ trước một số thông tin tiêu cực
Phân tích vào dự báo thị trường dầu nhiên liệu từ nay đến năm 2030Phân tích vào dự báo thị trường dầu nhiên liệu từ nay đến năm 2030
Chính quyền miền đông Libya tuyên bố đóng cửa tất cả các mỏ dầu
Mỏ dầu Sharara gần Ubari, Libya. Ảnh Reuters

Không có xác nhận nào về thông tin trên từ Chính phủ được quốc tế công nhận tại Tripoli hay từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC), đơn vị kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ của đất nước.

Tuy nhiên, công ty con Waha Oil Company của NOC cho biết họ có kế hoạch giảm dần sản lượng và cảnh báo về việc ngừng hoàn toàn sản lượng của Libya, với lý do là các cuộc biểu tình và áp lực không được nêu rõ.

Một công ty con khác của NOC là Sirte Oil Company cũng cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng, kêu gọi chính quyền can thiệp để duy trì mức sản lượng.

Hầu như toàn bộ các mỏ dầu của Libya đều nằm ở phía đông, khu vực do Khalifa Haftar, người chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA), kiểm soát.

Nếu hoạt động khai thác ở phía đông bị dừng lại, El Feel ở phía tây nam Libya sẽ là mỏ dầu duy nhất đang hoạt động, với công suất 130.000 thùng/ngày.

Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, trích dẫn các nguồn tin thứ cấp, tổng sản lượng dầu của nước này là khoảng 1,18 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 7.

Chính quyền Benghazi (ở miền Đông Lybia) không nêu rõ các mỏ dầu có thể đóng cửa trong bao lâu.

Mặc dù Chính phủ đoàn kết dân tộc có trụ sở tại Tripoli không đưa ra xác nhận, nhưng Thủ tướng Abdulhamid al-Dbeibah đã tuyên bố rằng các mỏ dầu không nên bị đóng cửa với những lý do không chính đáng.

Tuy nhiên, vào thứ Hai 26/8, hai kỹ sư tại Messla và Abu Attifel giấu tên đã trả lời Reuters rằng hoạt động khai thác vẫn tiếp tục và không có lệnh dừng.

Cuộc đấu tranh quyền lực

Doanh thu từ dầu mỏ của Libya đã gây căng thẳng trong nhiều năm, ở một quốc gia có ít sự ổn định kể từ cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn năm 2011. Nước này đã chia rẽ vào năm 2014 với các phe phái phía đông và phía tây.

Căng thẳng đã leo thang trong tháng này sau những nỗ lực của các phe phái chính trị nhằm lật đổ người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Libya (CBL) Sadiq al-Kabir.

CBL có trụ sở tại Tripoli cho biết hôm thứ Hai 26/8 rằng họ đã tạm dừng các dịch vụ trong và ngoài nước do tình hình bất ổn đặc biệt.

Ngân hàng trung ương là nơi lưu ký duy nhất được công nhận trên toàn thế giới đối với doanh thu từ dầu mỏ của Libya, mang lại nguồn thu nhập kinh tế quan trọng cho đất nước.

"Ngân hàng Trung ương Libya hy vọng bằng những nỗ lực hợp tác với tất cả các cơ quan có liên quan sẽ giúp họ tiếp tục hoạt động bình thường mà không bị chậm trễ thêm nữa", ngân hàng cho biết trong một tuyên bố.

Ngân hàng đã tạm thời đóng cửa mọi hoạt động vào tuần trước, sau khi một quan chức ngân hàng cấp cao bị bắt cóc nhưng đã hoạt động trở lại vào ngày hôm sau sau khi vị quan chức này được thả.

Yến Anh

Reuters